Sàn thương mại điện tử mới phải sáng suốt khi chọn lĩnh vực, vốn, mô hình doanh thu để có thể sinh tồn

Theo ông Vũ Hoàng Linh,chuyên gia của Viện kinh tế Việt Nam, tốc độ phát triển TMĐT Việt Nam có tiềm năng vượt Thái Lan trong tương lai. Tuy nhiên, xây dựng một sàn TMĐT mới chưa bao giờ đơn giản.

Thương mại điện tử là một trong những hình thức kết nối người mua với người bán thông qua nền tảng công nghệ. Cách đây 5-10 năm, việc "lập sàn" trở thành một xu thế. Các "ông lớn" tại thị trường Việt Nam như Tiki, Lazada, Sendo hay Shopee đều ra đời trong thời gian ấy.

Vài năm gần đây, việc một sàn thương mại điện tử mới chen chân vào nhóm dẫn đầu là tương đối hiếm. Nếu một sàn đạt thành tựu đó, họ vẫn chưa thực sự tạo tiếng vang và vẫn cần thời gian để chứng minh bản thân. 

Bản đồ thương mại điện tử quí I/2020 của iPrice cho thấy "tứ đại gia" Tiki, Lazada, Sendo hay Shopee vẫn giữ 4 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng iOS và Android. Đây đều là những sàn TMĐT tổng hợp, tức là mặt hàng trên sàn thuộc nhiều loại hàng, sản phẩm phục vụ những nhu cầu khác nhau của khách.

Nhóm các sàn TMĐT hàng đầu bao gồm nhóm sàn tổng hợp và một số sàn theo đặc thù ngành hàng như thời trang (SHEIN, Canifa), điện tử (Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh), sức khỏe làm đẹp (Hasaki), mẹ và bé (Concung).

Đa số sàn đó đã hoạt động đủ lâu để gây dựng nên tên tuổi trong lĩnh vực của họ, hoặc có một lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư để "đốt". 

Với một startup muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, ngoài năng lực bản thân, họ cần quan tâm tới những vấn đề gì để có thể thành công?

Lĩnh vực kinh doanh

Sàn thương mại điện tử là nơi kết nối nhu cầu của người mua và người bán. Do đó việc lựa chọn những sản phẩm nào xuất hiện trên sàn là vô cùng quan trọng. Sản phẩm đó phải có một số lượng người quan tâm nhất định, và đủ lớn để các nhà sáng lập đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc.

Các sàn lớn ở Việt Nam đều bán hàng tổng hợp, và đã "đốt" rất nhiều tiền. Nếu lựa chọn con đường này,, sàn mới sẽ cần bỏ một số vốn rất lớn, thậm chí hàng nghìn tỉ để đua với những "đại gia".

Lĩnh vực kinh doanh, vốn, mô hình doanh thu: Những điểm cần chú ý khi làm startup TMĐT - Ảnh 1.

Nhiều tin đồn cho thấy Tiki và Sendo có khả năng sáp nhập. Ảnh: Baomoi.

Giới quan sát đang chờ đợi việc Tiki và Sendo sáp nhập. Rõ ràng việc cả hai cùng lỗ sâu khiến họ buộc phải bắt tay để đấu với những Shopee hay Lazada có hậu thuẫn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.

Lựa chọn một mặt hàng độc đáo, thị trường ngách có thể là lối đi riêng. Mặt hàng mà sàn lựa chọn phải thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong khi các nhà sáng lập cần ước lượng được số tiền họ có thể đầu tư/kêu gọi để lựa chọn ngành hàng có mức độ cạnh tranh lớn hay nhỏ.

Sách (Vinabook) hay thuốc (Pharmacity) đều là những sàn TMĐT xuất hiện trên bản đồ TMĐT của iPrice. Vài startup chọn sản phẩm cực kì đặc thù như hoa tươi (Xinhtuoi) hay thậm chí là vải thiều (sàn TMĐT mới của UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).

Vốn

Đương nhiên mọi nhà khởi nghiệp có một số "vốn" ban đầu để khởi nghiệp. Số "vốn" này không phải chỉ bằng tiền mà có thể phải bằng cả vốn "con người" của các nhà sáng lập.

Trên sóng Shark Tank, nhiều nhà đầu tư từng khẳng định việc đầu tư vào một startup vì họ có niềm tin vào nhà sáng lập. Edu2Review hay LuxStay là một trong số đó.

Tuy nhiên, các nhà sáng lập cũng cần có một lượng vốn nhất định. Ông Nguyễn Thanh Việt, chủ tịch Intracom, từng phát biểu trên sóng truyền hình rằng: "Đi chơi là phải có tiền đối ứng" để đáp lại các nhà sáng lập của Telepro khi họ chỉ bỏ công sức chứ không dùng tiền bản thân để thành lập công ty.

Trên thực tế, TMĐT là một cuộc chơi đốt tiền. Nếu các nhà sáng lập không có sẵn tiền, họ phải gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư. Trường hợp làm TMĐT nhưng không "trường vốn" đến khi công ty có lãi, nguy cơ ngừng hoạt động sẽ rất cao.

Câu chuyện không thể tiếp tục với các sàn TMĐT ở Việt Nam không hề mới. Năm 2019, một số cái tên từng gây tiếng vang như Robins, Lotte.vn, Adayroi hay Leftlair đều đã ngừng hoạt động.

Mô hình doanh thu

Mặc dù về bản chất, các sàn TMĐT hoạt động tương đối giống nhau nhưng không phải tất cả đều có chung mô hình tạo ra doanh thu. Các sàn TMĐT có thể lựa chọn một hoặc nhiều cách tạo ra dòng tiền, tùy vào quyết định của nhóm điều hành công ty.

Lĩnh vực kinh doanh, vốn, mô hình doanh thu: Những điểm cần chú ý khi làm startup TMĐT - Ảnh 2.

Tài khoản Amazon Prime giúp người sở hữu nhận thêm các ưu đãi so với tài khoản miễn phí. Ảnh: Amazon.

Hình mẫu cho một sàn thương mại điện tử toàn cầu là Amazon. Trên nền tảng của mình, Amazon cho phép người sử dụng miễn phí. Tuy nhiên khách hàng sẽ phải mất tiền để mua tài khoản Amazon Prime. Với tài khoản trả phí, người dùng có khả năng trải nghiệm thêm nhiều tính năng mà tài khoản miễn phí không có, như tiếp cận với một lượng khách hàng lớn hơn.

Một mô hình doanh thu phổ biến khác là thu phí bán hàng. Bên bán sẽ trích lại hoa hồng cho sàn thương mại điện tử theo một tỉ lệ hai bên đã thỏa thuận từ trước. 

Ngoài ra, các sàn TMĐT còn có thể lựa chọn việc thu tiền từ mỗi giao dịch phát sinh từ khách hàng, hoặc cho phép bên thứ ba đặt quảng cáo trên nền tảng và thu phí quảng cáo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-thuong-mai-dien-tu-moi-phai-sang-suot-khi-chon-linh-vuc-von-mo-hinh-doanh-thu-de-co-the-sinh-ton-20200608114017594.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/