Phố Wall và chính phủ Mỹ bất đồng chuyện giải cứu ngân hàng

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) gần đây đã cho thấy quan điểm trái ngược giữa Washington và Phố Wall. Một bên muốn hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để củng cố ngành ngân hàng, trong khi bên kia khẳng định mình đã làm tất cả những gì mà luật cho phép.

Silicon Valley Bank (SVB) bị đóng cửa vào ngày 10/3/2023. (Ảnh: New York Times).

Theo Reuters, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể kiềm chế được cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay nếu hành động quyết liệt ngay từ khi mới xuất hiện những dấu hiệu đáng ngại đầu tiên hay không. 

Ông Edward Campbell, đồng Giám đốc nhóm đầu tư đa tài sản tại PGIM Quantitative Solutions, nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách đã làm một số việc có ích, nhưng họ vẫn chưa mang ra thứ vũ khí uy lực nhất và chúng ta vẫn chưa đến mức bị tổn thương quá nhiều. Các quan chức chính phủ sắp phải hành động nhiều hơn”.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực bị bán tháo mạnh kể từ khi SVB sụp đổ, thiệt hại nặng nề nhất là cổ phiếu First Republic Bank – ngân hàng lớn thứ 14 nước Mỹ về tổng tài sản. Các nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng nếu chính phủ không tăng cường can thiệp, dòng người gửi tiền đang rút chạy có thể gây mất ổn định cho các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa.

 

Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn còn nhớ phản ứng dữ dội của công chúng sau các cuộc giải cứu trong khủng hoảng tài chính 2008 nên lần này đã tuyên bố rõ là sẽ chỉ bảo vệ người gửi tiền và hệ thống tài chính, không giải cứu từng ngân hàng đơn lẻ và không để tiền thuế của dân chịu rủi ro.

Những căng thẳng giữa Phố Wall và Washington xoay quanh ba điểm chính: Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) không tìm được bên nào đồng ý mua lại SVB, những thông điệp của chính quyền Joe Biden về việc hỗ trợ người gửi tiền, và việc chính phủ Mỹ chú trọng vào tăng cường quy định quản lý thay vì nới lỏng cho các ngân hàng.

Tìm người mua SVB

Sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ đã khiến các cơ quan quản lý bất ngờ. FDIC phải đóng cửa và vào tiếp quản SVB từ giữa thứ Sáu (10/3) thay vì đợi đến cuối ngày như thường lệ.

Trong hai ngày cuối tuần đó (11 – 12/3), chính quyền liên bang Mỹ tuyên bố bảo đảm 100% tiền gửi cho tất cả khách hàng của SVB, mặc dù 90% số tiền gửi tại SVB vượt quá hạn mức bảo hiểm của FDIC. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng triển khai một chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng, nhưng không ai muốn mua SVB.

 

Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Bill Hagerty nói: “Tôi không hiểu trong hoàn cảnh nào mà FDIC lại có thể nghĩ rằng việc để cho phiên đấu giá [SVB] thất bại lại là kết quả tốt. Lẽ ra chúng ta đang xử lý một ngân hàng đang hoạt động chứ không phải là một quy trình đã bị phá hỏng”.

Theo nguồn tin của Reuters, phải đến ngày 11/3, tức là sau khi SVB đã bị đóng cửa và tiếp quản hoạt động, FDIC mới bắt đầu liên lạc với những người muốn mua SVB.

Theo Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Sherrod Brown, những cuộc trò chuyện của ông với các nhà quản lý cấp cao của Mỹ cho thấy đã có một cơ hội cho một tổ chức tư nhân mua lại SVB nhưng “rõ ràng là sau quá trình thẩm định, bên mua này đã rút lui hoặc FDIC đánh giá bên mua này không đủ khả năng”.

Một quan chức chính phủ cho biết FDIC sẽ chỉ có thể theo đuổi các giải pháp ít tốn kém nhất đối với quỹ bảo hiểm tiền gửi của mình, từ đó dẫn tới hạn chế sự lựa chọn khi muốn nhanh chóng bán SVB.

Thông điệp về bảo hiểm tiền gửi

Chính phủ Mỹ, mà tích cực nhất là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đã tìm cách trấn an người gửi tiền rằng tiền nằm trong ngân hàng vẫn an toàn. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ này, các quan chức vướng phải nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật và luật pháp, đồng thời phải nói rõ rằng chính phủ không có ý định giải cứu các ngân hàng yếu kém.

Thị trường biến động lên xuống theo các bình luận của bà Yellen trong tuần vừa qua, có lúc bà nói ngụ ý rằng chính quyền Joe Biden sẽ tăng cường hỗ trợ cho các ngân hàng, lúc khác lại nói rằng biện pháp bảo hiểm toàn bộ cho người gửi tiền ở SVB và Signature Bank chỉ là ngoại lệ.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư không biết chính phủ Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ đến đâu để bảo vệ người gửi tiền và hệ thống ngân hàng.

Nhà Trắng tuyên bố chính phủ Mỹ đang làm mọi việc có thể để bảo vệ người gửi tiền mà không khiến tiền thuế của dân chịu rủi ro và không giải cứu các ngân hàng

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói: “Chúng tôi sẽ dùng mọi công cụ trong tay để giúp người dân Mỹ tin tưởng rằng tiền gửi của họ sẽ an toàn”.

Một người phát ngôn của Bộ Tài chính cho biết lượng tiền gửi ở các ngân hàng khu vực đã ổn định trở lại, thậm chí còn tăng lên ở một số ngân hàng nhất định.

Tại ngày cuối năm 2022, các ngân hàng và tổ chức tài chính được FDIC bảo hiểm có 19.215 tỷ USD tiền gửi, trong đó có 17.725 tỷ USD là tiền gửi ở trong nước Mỹ.

Thêm hỗ trợ hay tăng quản lý

Ngành ngân hàng đang muốn có các biện pháp hỗ trợ rộng khắp để trấn an thị trường, trong khi Washington lại đang thảo luận cách để ngăn cuộc khủng hoảng tiếp theo nổ ra. Ông Todd Phillips, một cựu luật sư tại FDIC, nhận xét: “Cảm nhận của tôi lúc này là các cơ quan quản lý đang nghĩ rằng mọi việc đều đang trong tuần kiểm soát”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất Quốc hội cho ra một đạo luật giúp chính phủ dễ dàng hơn trong việc lấy lại thù lao và thu nhập từ bán cổ phiếu của các lãnh đạo ngân hàng bị sụp đổ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tăng cường giám sát các ngân hàng khu vực.

Hôm 22/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói: “Rõ ràng là chúng tôi phải đẩy mạnh hoạt động giám sát và quản lý. Tôi cho là sẽ có nhiều khuyến nghị và tôi có kế hoạch ủng hộ những khuyến nghị này”.

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pho-wall-va-chinh-phu-my-bat-dong-chuyen-giai-cuu-ngan-hang-202332785319982.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/