Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam phàn nàn sự không nhất quán trong ưu đãi thuế

Phó Chủ tịch KORCHAM cho hay, nhiều công ty Hàn Quốc đã chỉ ra sự không nhất quán trong ưu đãi thuế của Việt Nam. Chẳng hạn, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm Khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018…

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 phiên chiều nay (ngày 2/5), ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản góp ý kiến dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Nobufumi Miura, hiện nay, với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không ít đơn vị đang xây dựng kế hoạch đầu tư mới và đầu tư bổ sung trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn còn có một số điểm bất cập.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam phàn nàn sự không nhất quán trong ưu đãi thuế - Ảnh 1.

Phó chủ tịch KORCHAM cho biết, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm Khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018. Ảnh một góc Khu công nghiệp Tràng Duệ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản  nêu cụ thể những điểm bất cập như tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp; thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc.

Theo ông, do tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp nên phía doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

"Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam khi thực thi quy định pháp luật và chính sách mới sẽ có đầy đủ giải pháp trong giai đoạn chuyển đổi để không làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp", ông Miura nói.

Còn vấn đề thủ tục hành chính còn rườm rà là yếu tố cản trở hoạt động đầu tư liên tục của doanh nghiệp. Ông Miura bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam có giải pháp phù hợp, cụ thể là đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Đưa ra góc nhìn về nền kinh tế Việt Nam, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) dẫn lại sự kiện đầu năm nay, trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ông Hong Sun cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam có cái nhìn lạc quan về triển vọng này. Hiện nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư thêm vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam. Ví dụ, LG Chem đang tính toán kỹ lưỡng để đầu tư vào Việt Nam như một điểm đầu tư quy mô lớn nhằm thiết lập một nhà máy pin lithium-ion cho ôtô và xe máy điện. Họ đang có kế hoạch lắp đặt dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, bao gồm cả vật liệu, vỏ pin và đóng gói bao bì, điều này sẽ thúc đẩy đáng kể sự tiến bộ của cơ cấu công nghiệp Việt Nam.

"Tuy nhiên, để thu hút đầu tư công nghệ cao như vậy, bắt buộc các bộ luật và thể chế của Việt Nam phải có một số cải cách cần thiết", Phó Chủ tịch KORCHAM nói.

Lãnh đạo KORCHAM cũng cho hay, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tin rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi mới và táo bạo về chính sách, mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp đầy triển vọng trong tương lai như xe điện và năng lượng mặt trời.

Ông Hong Sun cũng nêu vấn đề, liên quan tới việc thu hút đầu tư FDI của Việt Nam, nhiều công ty Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến những lời hứa được đưa ra tại thời điểm đầu tư ban đầu vẫn chưa được thực hiện.

"Cụ thể, họ chỉ ra sự không nhất quán trong ưu đãi thuế. Chẳng hạn, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm Khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018…", ông Hong Sun nêu rõ.

Đồng thời, ông Hong Sun đề xuất, Tháp kiểm soát vốn FDI nên được thành lập và được trực tiếp quản lý bởi Văn phòng Thủ tướng. Một cơ quan kiểm soát cấp cao như vậy, phối hợp cùng với Cơ quan Đầu tư nước ngoài hiện tại, có thể điều phối hiệu quả hơn vị trí của tất cả các bộ ngành liên quan và đảm bảo sự nhất quán của các chính sách.

Một vấn đề nữa được Phó Chủ tịch KORCHAM nhắc tới đó là nhiều công ty startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa phát triển được tiềm năng công nghệ của mình do thiếu kinh phí.

Vị này cho rằng, hiện trạng cho vay dựa trên tài sản hiện có cần phải được phát triển thành một hệ thống cho vay dựa trên tín dụng, và đa dạng hóa tài chính như phát triển thị trường vốn dựa trên trái phiếu là điều cần thiết để nhiều công ty bền vững hơn về tài chính.

Trong trường hợp này, một ngân hàng chuyên về tài chính công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ là cần thiết. "Các ngân hàng Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn đã học được trong 6 thập kỷ qua và hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tích cực xem xét việc thành lập của những ngân hàng Hàn Quốc như vậy", lãnh đạo KORCHAM nêu đề nghị.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pho-chu-tich-hiep-hoi-dn-han-quoc-tai-viet-nam-phan-nan-su-khong-nhat-quan-trong-uu-dai-thue-20190502181442447.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/