Ông Biden cam kết không để 'cạnh tranh biến thành xung đột' trong mối quan hệ với Trung Quốc

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới an ninh, hợp tác. Ông Biden cho biết Mỹ sẽ duy trì kênh liên lạc với Trung Quốc nhằm ngăn chặn xung đột.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken tham dự cuộc họp ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 13/11. (Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters).

Theo Reuters, trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố với các lãnh đạo châu Á rằng kênh liên lạc giữa Washington và Trung Quốc sẽ được mở nhằm ngăn chặn xung đột.

Ông Biden cho biết Mỹ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” với Bắc Kinh trong khi vẫn “đảm bảo rằng cạnh tranh sẽ không biến thành xung đột”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trên Eo biển Đài Loan.

Ông Biden đồng thời kêu gọi những nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar tuân thủ kế hoạch hòa bình đã đồng thuận với ASEAN, trong khi lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và cuộc xung đột “tàn bạo và bất công” của Nga tại Ukraine.

Trong tuần này, khu vực Đông Nam Á cũng sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Trước khi hội nghị G20 diễn ra, Tổng thống Biden sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. 

Cuộc gặp này là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, và diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa hai cường quốc xấu nhất trong nhiều thập kỷ,

Xung đột Ukraine và những ảnh hưởng kinh tế dự kiến sẽ là chủ đề chính được thảo luận tại Bali và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok vào cuối tuần sau. Những vấn đề khác như cam kết khí hậu, an ninh lương thực và căng thẳng trên Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Triều Tiên dự kiến cũng sẽ được bàn luận.

Vào hôm 13/11, tại Campuchia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc phương Tây quân sự hóa Đông Nam Á nhằm kiềm chế lợi ích của Trung Quốc và Nga tại một chiến trường địa chính trị quan trọng.

“Mỹ và các đồng minh NATO đang cố gắng kiểm soát khu vực này”, ông Lavrov nói với các phóng viên. 

Ông cho rằng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Tổng thống Biden quảng bá tại cuộc hội nghị vừa qua là một nỗ lực nhằm bỏ qua “cấu trúc bao hàm” trong lĩnh vực hợp tác khu vực.

Ông Putin vắng mặt

Ngoại trưởng Lavrov đang thay mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia các hội nghị ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ chịu nhiều chỉ trích từ một số thành viên G20 về cuộc xung đột Ukraine.

Ukraine không phải là một thành viên của G20. Tuy vậy, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn sẽ phát biểu trực tuyến tại hội nghị lần này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại hội nghị hôm 13/11. (Ảnh: Cindy Liu/ Reuters).

Vào hôm 13/11, Bộ Ngoại giao đã tuyên bố rằng G20 không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh, mà thay vào đó nên tập trung vào những thách thức về kinh tế toàn cầu. Ông Lavrov đã tới Bali vào tối ngày 13/11.

“Mở rộng chương trình nghị sự của [G20] sang lĩnh vực hòa bình và an ninh, vốn đang được nhiều quốc gia bàn luận, là không khả thi”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm 13/11 có 18 quốc gia tham dự, chiếm khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu, bao gồm các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Australia và New Zealand.

Chủ tịch hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết đã có những cuộc thảo luận sôi nổi, nhưng không khí không căng thẳng. Ông nói: “Các vị lãnh đạo nói chuyện một cách trưởng thành, không có ai rời đi giữa chừng”.

Bán đảo Triều Tiên

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ông Biden cũng tổ chức một cuộc gặp ba bên với nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông cho biết cả ba nước đang “thống nhất hơn bao giờ hết” về vấn đề Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết những động thái khiêu khích gần đây của Triều Tiên đã thể hiện “bản chất chống lại chủ nghĩa nhân đạo [của Bình Nhưỡng]”. Ông cho rằng Triều Tiên đã trở nên thù địch hơn nhờ vào năng lực hạt nhân và tên lửa của mình.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng những hành động của Bình Nhưỡng, bao gồm cả vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản gần đây, là chưa có tiền lệ. 

“Hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra kịp thời bởi chúng tôi đang kỳ vọng những sự khiêu khích bổ sung”, ông Kishida nói.

Thủ tướng Kishida đã chỉ trích Trung Quốc về động thái mà ông cho là vi phạm chủ quyền của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông. Ông cho rằng Bắc Kinh cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông, tuyến đường thương mại trị giá ít nhất 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc họp ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters).

Tại một cuộc họp báo riêng, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết các cuộc thảo luận ngắn vào ngày 12/11 của ông với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mang tính xây dựng và tích cực. Ông Albanese dự kiến sẽ có một cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại hội nghị G20.

Tương tự như người đồng minh là Mỹ, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang xấu đi trong những năm gần đây. “Tôi đã nhắc lại nhiều lần rằng [Australia và Trung Quốc] nên hợp tác ở những lĩnh vực khả thi”, ông Albanese nói. “Và cuộc đối thoại này luôn là một điều tốt”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-biden-cam-ket-khong-de-canh-tranh-bien-thanh-xung-dot-trong-moi-quan-he-voi-trung-quoc-2022111321153294.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/