Nông thủy sản Việt có thể chiếm lĩnh thị trường ASEAN?

Mặc dù sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn yếu, sản phẩm có nhiều nét tương đồng nhưng thị trường ASEAN vẫn là khu vực tiềm năng lớn để nông thủy sản Việt Nam đẩy mạnh khai thác.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm năng tại thị trường ASEAN

Hội thảo Thị trường các quốc gia ASEAN và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập HCM phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương diễn ra vào sáng 26/6 tại TP HCM.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết tác động của dịch COVID-19 khiến tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN 5 tháng đầu năm 2020 bị giảm mạnh khi kim ngạch đạt 9,3 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên với nhóm nông thủy sản vẫn tăng 16% với kim ngạch đạt 1,3 tỉ USD. "Tạm thời nhòm hàng này chưa bị tác động mạnh. Xuất khẩu gạo sang Philippines, Singapore vẫn tăng trưởng", ông Nam cho hay.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương nhận định rằng hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển ở khu vực ASEAN.

Hiện nay, Indonesia, Thái Lan, Philippines là 3 thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất với nhiều mặt hàng đa dạng. Đặc biệt, trái cây sấy khô và mặt hàng dệt may dành cho khách du lịch của Việt Nam được nhiều nhà thu mua, phân phối của Thái Lan quan tâm. 

Trong khi đó, Indonesia, Philippines, lại có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, điện da dụng, thiết bị viễn thông từ Việt Nam.

ASEAN - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương. Ảnh: Như Huỳnh.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Phúc Nam, ASEAN đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, năm 2019 xuất khẩu gạo ASEAN đạt 1 tỉ USD, trong đó Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của dịch COVID -19.

Ngoài ra, mặt hàng thủy sản, cà phê, rau quả cũng có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường. Cá tra có lợi thế xuất khẩu ở Thái Lan và Singapore, nhóm hàng cà phê, chè, gia vị đang chiếm tỷ trọng lớn tại Indonesia, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam vào cả khối ASEAN ghi nhận tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng việc xuất khẩu gạo vào các thị trường này cần được chú ý các qui định của từng quốc gia nhập khẩu.

Điển hình như thị trường Philippines, doanh nghiệp cần chú ý Luật Thuế hoá mặt hàng gạo. Ngoài ra rào cản như điều tra tự vệ sơ bộ đối với gạo nhập khẩu, đánh giá lại Hệ thống quản lí an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu, yêu cầu Giấy Kiểm dịch thông quan (SPS-IC) đối với gạo nhập khẩu.

"Với Indonesia, để nhập khẩu phải có giấy giới thiệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia và giấy phép nhập khẩu từ Bộ Thương mại. Công ty nhà nước được phép nhập khẩu gạo nếp mà không cần giấy giới thiệu từ Bộ Nông nghiệp.

Còn Singapore, gạo là mặt hàng thuộc diện Chính phủ kiểm soát giá do đó cần phải có giấy phép kinh doanh do Cục Doanh nghiệp quốc tế Singapore (IES) thuộc Bộ Công thương Singapore cấp.

Giấy phép nhập khẩu gạo chỉ được cấp cho nhà nhập khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu và phải tham gia Chương trình Kho dự trữ gạo", bà Mai Anh chia sẻ.

Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho hay dịch COVID -19 đã khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN nửa đầu năm 2020 giảm 13,4%.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu vào ASEAN thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ điều kiện chủ quan. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nội khối đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất sản phẩm còn lạc hậu, chủ yếu phù hợp với các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar.

Ở các thị trường tiêu chuẩn cao như Thái Lan, Singapore, hàng Việt Nam chịu cạnh tranh khắc nghiệt với hàng Trung Quốc và hàng công nghệ cao của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… 

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng xuất khẩu nội khối ASEAN dù có nhiều ưu đãi về thuế quan và thuận lợi về mặt địa lí. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu nội khối là từ các doanh nghiệp FDI mặt hàng có giá trị như điện thoại các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.

Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tốt lợi thế xuất khẩu

Để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, bà Lê Thị Mai Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cập nhật và nắm bắt các qui định về tiêu chuẩn, chất lượng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, bảo quản; chú trọng tới bao bì, mẫu mã, qui cách đóng gói.

Bên cạnh đó, về công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín.

ASEAN - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo Thị trường các quốc gia ASEAN và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN sáng ngày 26/6. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn ông Phạm Bình An cho rằng doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại chủng loại hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số vào quản lí, tiếp cận thị trường cũng như giao dịch với khách hàng cũng như tận dụng sự hỗ trợ của các tham tán thương mại, các tổ chức của Bộ Công thương, Sở Công thương và các Hiệp hội.

Trong khi đó, ông Trương Xuân Trung, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu có thể xây dựng mạng lưới phân phối thông qua đại lí là người bản địa, như vậy sẽ dễ tiếp cận người tiêu dùng và tiết kiệm chi phí hơn so với việc mở chi nhánh.

Ở một số thị trường, mức độ khó khăn, rủi ro trong thông quan khá cao, vì vậy doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ như thương vụ Việt Nam tại nước sở tại, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ xuất nhập khẩu để cập nhật thông tin chính sách, thủ tục và thị trường một cách thường xuyên, từ đó gia tăng hiệu quả xuất khẩu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nong-thuy-san-viet-co-the-chiem-linh-thi-truong-asean-20200626150626505.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/