Nông dân Trung Quốc chật vật gồng gánh khối nợ vì giá heo biến động dữ dội chỉ trong 2 năm rưỡi

Giá thịt heo biến động mạnh trong hai năm rưỡi qua đang làm chao đảo ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc, từ ông lớn đến nông dân nhỏ lẻ đều phải gồng mình gánh khối nợ lớn.

Gánh nợ vì dồn sức tái đàn

Bà Flora Chang, Phó Giám đốc tại S&P Global Ratings, cho biết đợt bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF) vào năm 2018 đã khiến đàn heo của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, mất đến khoảng 40% tổng đàn.

"Sau đó, giá thịt heo leo thang do nguồn cung khan hiếm, khiến doanh nghiệp chăn nuôi heo dốc sức gia tăng sản lượng. Họ mạnh dạn vay mượn để cấp vốn cho kế hoạch mở rộng sản xuất", bà Chang nói tiếp. Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, các điều kiện vay vốn ở Trung Quốc còn được nới lỏng đáng kể.

Để tận dụng cơn sốt giá thịt heo trong năm 2019, 5 nhà sản xuất thịt heo lớn nhất đất nước tỷ dân đã tìm cách mở rộng nhanh chóng. Khối nợ của 5 công ty này đã tăng gần gấp ba lần trong hai năm rưỡi qua, S&P Global Ratings lưu ý.

Hơn nữa, người chăn nuôi heo tại Trung Quốc cũng vội vàng tận dụng các khoản trợ cấp của chính phủ. Tỉnh Chiết Giang hứa hẹn sẽ trả cho nông dân và doanh nghiệp 1.500 nhân dân tệ (tương đương 231 USD) cho mỗi con heo nái nhân giống.

Tuy nhiên, giá thịt heo mất đà nhanh cũng như khi tăng nóng. Ba năm sau khi dịch ASF tấn công đàn heo của Trung Quốc, tham vọng của nông dân và doanh nghiệp đã gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung.

Theo dữ liệu giá bán buôn từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt heo hiện nay đã tụt xuống khoảng 20 nhân dân tệ/kg, gần bằng mức đầu năm 2019. Khi đạt đỉnh vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, giá thịt heo đã nhảy vọt lên gần 50 nhân dân tệ/kg hoặc cao hơn.

Tháng 8 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc cho thấy giá thịt heo đã giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi và nông dân đang mắc kẹt trong nợ nần do "không có khả năng lập kế hoạch sản xuất theo các dự báo về giá thịt heo", S&P nhấn mạnh.

Nông dân nuôi heo Trung Quốc chật vật gồng gánh khối nợ vì dồn sức tái đàn để tận dụng cơn sốt giá - Ảnh 1.

Trong 12 tháng tính đến cuối tháng 6 năm nay, tỷ lệ nợ trên EBITDA của Wens Foodstuff tăng hơn 9 lần so với khoảng 1,9 lần vào năm 2020, theo S&P.

Dù vậy, Muyuan - một hãng chăn nuôi heo lớn khác tại Trung Quốc, dường như ít bị ảnh hưởng bởi dịch ASF hơn. Tỷ lệ nợ trên EBITDA của Myuan chỉ tăng nhẹ từ 1 lên 1,3 lần trong cùng giai đoạn.

Chính phủ can thiệp để bình ổn giá heo

Thịt heo là loại protein chính trong khẩu phần ăn của người dân Trung Quốc, do đó chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định bằng cách giải phóng thịt heo từ kho dự trữ quốc gia trong thời kỳ thiếu hụt.

Gần đây, Bắc Kinh cũng xả kho dự trữ để kích thích tiêu dùng nhằm chống lại tình trạng dư cung, điều này càng khiến giá thịt heo giảm sâu hơn.

"Trong vài tháng qua, giá thịt heo giảm rất nhanh, chúng tôi hy vọng mọi người có thể tận dụng cơ hội này để ăn nhiều thịt heo và mua nhiều thịt heo hơn", ông Ma Youxiang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, chia sẻ tại một cuộc họp báo đầu tháng 9.

Thông điệp trên trái ngược so với năm 2019, khi các nhà chức trách khích lệ doanh nghiệp không chỉ sản xuất thêm thịt heo mà còn nên chăn nuôi thêm gia cầm và bò để bình ổn giá. Sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng đến các công ty chăn nuôi heo trên khắp cả nước, CNBC nhận định.

Ông Bai Xubo, đại diện cấp cao của tập đoàn sản xuất thịt heo New Hope, bày tỏ: "Giá thịt heo giảm đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp". 

Ông Bai cho rằng, nguồn cung trong tương lai sẽ tiếp tục dư thừa, khi mà lượng thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn tăng trong khi nhu cầu của người tiêu dùng không cải thiện.

Dù vậy, vị đại diện của New Hope vẫn tự tin vào nền tảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn và cho biết lợi thế cạnh tranh thực sự đến từ nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động. New Hope có thể sử dụng hợp đồng tương lai thịt heo và cải thiện quy trình giết mổ - chế biến để phòng ngừa rủi ro biến động về giá.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nong-dan-trung-quoc-chat-vat-gong-ganh-khoi-no-vi-gia-heo-bien-dong-du-doi-chi-trong-2-nam-ruoi-20210914174344615.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/