Những nghi ngờ về số liệu việc làm của Trung Quốc khi tỷ lệ thất nghiệp quá thấp, quá ổn định

Các nhà quan sát từ lâu đã đặt câu hỏi về dữ liệu thất nghiệp của Trung Quốc, cho rằng các con số này quá thấp và quá ổn định, do đó không phản ánh chính xác tình trạng của thị trường lao động.

Theo South China Morning Post (SCMP), khi nền kinh tế chậm lại, ổn định việc làm đã trở thành một mục tiêu trọng điểm của Bắc Kinh trong năm 2022. 

Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ vẫn ở mức cao, và lực lượng lớn lao động nhập cư của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi những biện pháp kiểm soát dịch bệnh. 

Dữ liệu việc làm thường được coi như một chỉ báo về sức khỏe nền kinh tế. Tuy vậy, dữ liệu của Trung Quốc tin cậy đến đâu vẫn còn là một câu hỏi.

Nhiều nhà quan sát từ lâu đã nghi ngờ tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc. Con số mà Bắc Kinh đưa ra thường bị cho là quá thấp và quá ổn định, không phản ánh đúng thị trường việc làm.

Các nhà phân tích độc lập thường chỉ trích rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc không tính tới gần 300 triệu lao động nhập cư, nhóm dễ tổn thương nhất trong thị trường lao động.

Lực lượng lao động nhập cư từ nông thôn của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi các biện pháp kiểm soát COVID. (Ảnh: AFP).

Số liệu có bao gồm lao động nhập cư hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần xét xét kỹ hơn về hộ khẩu (hukou), tài liệu quy định khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân. Hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc chia dân cư làm hai nhóm: nông thôn và thành thị. Lao động nhập cư có hộ khẩu nông thôn, đồng thời sống và làm việc tại thành phố.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã công bố tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận tại thành thị theo quý, không bao gồm lao động nhập cư. Tỷ lệ này cũng chỉ tính tới những người sẵn sàng nộp đủ loại giấy tờ để được chứng nhận là thất nghiệp.

Vào năm 2018, Bắc Kinh đã đưa ra tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tại thành thị, bao gồm lao động nhập cư và những người có hộ khẩu tại thành thị nhưng sống tại nông thôn.Tuy vậy, con số này vẫn không tính đến những người lao động nhập cư đã trở lại quê hương sau khi mất hoặc bỏ việc tại thành phố.

“Những con số chính thức đã không đánh giá hết áp lực chung đối với thị trường lao động”, ông Wang Dan, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho biết. “Do chính sách phòng dịch COVID, ngành dịch vụ tại thành phố đã bị ảnh hưởng mạnh, và một lượng lớn lao động nhập cư đã trở về nhà”, ông nói.

Ông Liu Shijin, một cố vấn Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết dữ liệu năm 2021 không hề có chỉ số việc làm thống nhất cho toàn bộ khu vực thành thị và nông thôn. Ông kêu gọi một bộ dữ liệu “toàn diện, khách quan và kịp thời” hơn để đánh giá tình hình.

Những nhóm dân cư được tính đến trong tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tại khu vực thành thị của Trung Quốc dao động quanh mức 5,5% trong 4 năm. Vào tháng 2/2020 và 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp này đã nhảy lên lần lượt 6,2% và 6,1%.

Việc chỉ số này chỉ thay đổi chút ít trong bối cảnh áp lực to lớn với nền kinh tế do đại dịch COVID đã làm nổ ra một cuộc thảo luận về độ tin cậy của số liệu. 

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp nhảy vọt từ 3,5% vào tháng 2/2020 khi COVID chưa bùng phát lên 14,7% vào tháng 4/2020 khi nền kinh tế bị phong tỏa.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc vẫn ổn định ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID.

Theo quy định, một người được coi là có việc khi làm việc hơn một giờ được trả lương trong vòng một tuần, kể cả những người nhận lương trong kỳ nghỉ hoặc một một số trường hợp ngừng việc tạm thời khác.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), một người được coi là thất nghiệp nếu họ không có việc làm, đang tích cực tìm việc và có thể bắt đầu ngay lập tức.

Vào năm 2020, ông Li Xiaochao, cựu Phó Giám đốc NBS, cho biết hầu hết những người mất việc làm trong đại dịch đều không tích cực tìm việc, hoặc không thể đi làm do hạn chế phòng dịch. Bởi vậy, những người này không bị thất nghiệp.

Tiêu chuẩn thất nghiệp của Trung Quốc phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tuy vậy, số liệu lao động không phản ánh các vấn đề như thiếu việc làm.

Trung Quốc đo lường tình trạng thất nghiệp của lao động nhập cư như thế nào?

Vào tháng 2, Trung Quốc đã công bố một bộ dữ liệu mới: tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát của “hộ khẩu phi nông nghiệp, không phải người địa phương”, tập trung chủ yếu vào lao động nhập cư.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 6,6% trong tháng 4 năm nay, cao hơn mức 6,1% được ghi nhận đối với cư dân Thượng Hải và một số trung tâm kinh tế lớn bị phong tỏa do bùng phát COVID.

Tính đến cuối tháng 6, khoảng 181,24 triệu lao động nông thôn được tuyển dụng tại thành thị, bằng với một năm trước đó, và thấp hơn một chút so với con số 182,48 triệu người được ghi nhận vào cuối quý II/2019.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động nhập cư cao hơn hẳn so với cư dân có hộ khẩu thành thị.

Số lượng việc làm mới được tính thế nào?

Số liệu việc làm mới tại thành thị là một chỉ số khác được Bắc Kinh theo dõi. Tuy vậy, chuỗi dữ liệu này không đầy đủ.

Ông Cai Fang, một nhà nhân khẩu học nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết số liệu không ghi lại những vị trí đã bị mất, và chúng không cho thấy sự thay đổi ròng về số lượng việc làm tại một thời điểm.

Ông Cai ước tính rằng Trung Quốc đã mất 1,64 triệu việc làm vào năm 2019, và chỉ có mức gia tăng ròng khoảng 10,22 triệu việc làm thành thị. Tuy vậy, dữ liệu chính thức cho thấy có 11,86 triệu việc làm mới trong năm 2019.

Ông cho biết rằng số lượng việc làm bị mất có thể đã bị “ước tính quá thấp”.

Dữ liệu thất nghiệp bị loại khỏi cuộc điều tra năm 2020 

Theo điều tra dân số năm 2010, Trung Quốc có hơn 2,1 triệu người “thất nghiệp” và gần 1,9 triệu người có việc nhưng “chưa đi làm”, chiếm lần lượt 2,0% và 1,8% dân số trong độ tuổi lao động.

Cuộc điều tra dân số lần thứ bảy của Trung Quốc vào năm 2020 đã không tiết lộ những dữ liệu trên hoặc cung cấp số liệu thống kê chi tiết về việc làm.

NBS đã không trả lời các câu hỏi từ SCMP về việc tại sao cuộc điều tra dân số năm 2020 không có tỷ lệ thất nghiệp.

Các nhà phân tích cho biết việc thiếu dữ liệu thất nghiệp sẽ cản trở hoạt động phân tích dài hạn về tình hình việc làm của Trung Quốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-nghi-ngo-ve-so-lieu-viec-lam-cua-trung-quoc-khi-ty-le-that-nghiep-qua-thap-qua-on-dinh-20221128145344145.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/