Nhiều tập đoàn tăng chi phí lãi vay, cao nhất gần 2.800 tỷ đồng trong một quý

Việc các doanh nghiệp tăng vay nợ, cộng với mặt bằng lãi suất cao hơn trước đã khiến cho chi phí lãi vay quý II/2022 của nhiều doanh nghiệp đi lên đáng kể so với cùng kỳ.

Một quần thể du lịch của Vingroup tại Phú Quốc. (Ảnh: Song Ngọc).

Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) là doanh nghiệp có nhiều cái "nhất" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại ngày 30/6 năm nay, Vingroup có tổng tài sản hơn 500.000 tỷ đồng, lớn nhất trong số các doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng. Vốn chủ sở hữu của Vingroup là hơn 132.000 tỷ đồng, vô địch toàn thị trường.

Ngoài ra, Vingroup còn dẫn đầu về giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với gần 111.000 tỷ. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn gần 46.000 tỷ, chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát.

So với ngày đầu năm nay, nợ vay ngắn hạn của Vingroup tăng 129% còn nợ vay dài hạn tăng 9%.

Số tiền lãi phát sinh trong quý II từ khối nợ nói trên của Vingroup là 2.782 tỷ đồng, cao nhất toàn thị trường và gấp 2,6 lần doanh nghiệp xếp thứ 2.

So với quý II năm ngoái, chi phí lãi vay kỳ này của Vingroup tăng 6%. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số kỷ lục, đã từng có quý Vingroup ghi nhận tiền lãi vay trên 3.000 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay của Vingroup trong quý II năm nay là 2.782 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2021.

Tổng chi phí tài chính của Vingroup trong quý vừa qua là 4.259 tỷ. Ngoài lãi vay, chi phí tài chính còn bao gồm các khoản mục khác như lỗ chênh lệch tỷ giá, phí phát hành trái phiếu, …

Tuy chi phí tài chính tăng tới 46% so với cùng kỳ nhưng doanh thu tài chính còn đi lên với tốc độ ấn tượng hơn là 173%, đạt gần 10.666 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con đem về cho Vingroup 9.784 tỷ đồng, chiếm gần 92% tổng doanh thu tài chính.

Ngoài ra, “thu nhập khác” 4.459 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định cũng đóng góp quan trọng cho Vingroup trong quý II.

Nhìn chung, thu nhập tài chính và thu nhập khác có tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh, giúp cho tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lãi sau thuế 516 tỷ mặc dù có lỗ gộp 4.567 tỷ.

Số liệu chỉ bao gồm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phi tài chính, tức không tính các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán.

Doanh nghiệp có chi phí lãi vay cao thứ 2 là Tập đoàn Masan (Mã: MSN) với 1.074 tỷ trong quý vừa qua. So với cùng kỳ năm ngoái, cả lãi vay và giá trị vay nợ của Masan đều giảm đi.

Tổng chi phí tài chính trong quý II/2022 của Masan là 1.576 tỷ, trong đó có 336 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận lãi vay tăng gần 20% lên đỉnh mới 717 tỷ đồng. Việc đồng Việt Nam (VND) mất giá với USD và các ngoại tệ khác cũng khiến cho Hòa Phát lỗ tỷ giá 1.270 tỷ đồng trong quý vừa qua, cao gấp 6,5 lần cùng kỳ.

Doanh thu tài chính của Hòa Phát quý vừa qua thấp hơn chi phí tài chính gần 1.400 tỷ.

Tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) tại ngày 30/6 năm nay là hơn 70.000 tỷ đồng, tăng 14.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Vinhomes (Mã: VHM) – công ty con của Vingroup – phải trả lãi vay 694 tỷ đồng trong quý II năm nay, tăng 13% so với cùng kỳ 2021. Năm 2020, đã có lúc Vinhomes trả trên 1.000 tỷ đồng lãi vay trong một quý.

Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cũng góp mặt trong top 10. Trong quý I năm nay, MWG vẫn làm được điều mà rất ít doanh nghiệp làm được, đó là thu từ lãi tiền gửi lớn hơn chi trả lãi tiền vay. Tuy nhiên trong quý II, chi phí lãi vay tăng 115% so với cùng kỳ và vượt qua toàn bộ doanh thu tài chính.

Hai đại gia ngành hàng không là Vietjet (Mã: VJC) và Vietnam Airlines (Mã: HVN) cũng có chi phí lãi vay lớn trong quý vừa qua, lần lượt là 343 tỷ và 262 tỷ. 

Ngoài ra, Vietjet lỗ chênh lệch tỷ giá 204 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Vietnam Airlines lỗ do tỷ giá 841 tỷ đồng, gấp 33,5 lần quý II/2021.

Điểm khác biệt lớn nhất là Vietjet ghi nhận lãi sau thuế 181 tỷ còn Vietnam Airlines lỗ quý thứ 10 liên tiếp 2.568 tỷ. Vietnam Airlines cũng là doanh nghiệp duy nhất trong top 10 chi phí lãi vay quý II ghi nhận lỗ sau thuế.

Tỷ lệ khả năng trả lãi (bằng Lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho Lãi vay) của Vietnam Airlines là âm 8,5 lần.

Tập đoàn Hòa Phát có tỷ lệ khả năng trả lãi cao nhất là hơn 7 lần, đồng nghĩa với việc sau khi trừ đi các loại chi phí khác thì phần lợi nhuận còn lại của Hòa Phát vẫn dư sức trả lãi cho các chủ nợ. Nhìn chung, tỷ lệ khả năng trả lãi càng cao thì bên cho vay càng yên tâm.

Tỷ lệ khả năng trả lãi (Interest coverage ratio) là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.

Mặt bằng lãi suất đi lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là một trong những lý do chính khiến chi phí lãi vay của các doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ.

Lãi suất kỳ hạn 6 tháng trên thị trường liên ngân hàng tại ngày cuối quý II năm nay là 4,1%, cao hơn đáng kể so với mức 2,48% của một năm trước đó.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tại ngày 30/6 năm nay là 3,37%, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ là 2,17%.

Mặt bằng lợi suất lên cao trong nửa đầu năm 2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-tap-doan-tang-chi-phi-lai-vay-cao-nhat-gan-2800-ty-dong-trong-mot-quy-2022811111724613.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/