Nhiều tài xế Taxi Group tập trung tại công viên Cầu Giấy, tố công ty ép tài xế làm việc trong mùa dịch COVID-19

Taxi Group không giảm tiền đàm 4,5 triệu đồng/tháng khiến nhiều tài xế thương quyền tập trung tại công viên Cầu Giấy để phản đối chính sách công ty.

Sáng 30/3, theo bài viết trên một nhóm cộng đồng về ô tô, nhiều tài xế Taxi Group đã tập trung tại công viên Cầu Giấy để phản đối việc Taxi Group ép tài xế lái xe đi làm trong khi chính phủ đang kêu gọi người dân hạn chế ra đường.

Hình ảnh trong bài viết cho thấy hàng chục chiếc taxi nối đuôi nhau xếp thành một hàng dài ở công viên Cầu Giấy. Trên mỗi chiếc taxi là tấm băng rôn với khẩu hiệu: "Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, toàn dân chung tay chống dịch COVID-19. Phản đối hãng Taxi Group ép anh em lái xe đi làm trong dịch bệnh để thu phí giá cao".

Nhiều tài xế Taxi Group tập trung tại công viên Cầu Giấy, tố công ty ép tài xế làm việc trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều tài xế Taxi Group treo băng rôn phản đối chính sách của công ty. Ảnh: OFFB

Một tài xế nói hàng tháng công ty thu tiền đàm 4,5 triệu đồng và không giảm trong khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, người dân hầu như không ra đường dẫn đến việc ế khách.

"Tiền đàm quá cao lên đến 4,5 triệu đồng một tháng quá sức gồng gánh trong tình cảnh hiện tại", người tài xế này chia sẻ.

Hầu hết xe tham gia lần tụ tập này đều thuộc loại i10, dòng xe thương quyền phổ biến của Taxi Group. Với các trường hợp chạy xe thương quyền, tài xế sẽ nộp tiền trả góp mua xe cho hãng taxi. Chủ sở hữu xe là Taxi Group.

Nhiều xe taxi tập trung tại công viên Cầu Giấy để phản đối. Ảnh: OFFB

Hai bên sẽ cùng nhau kí vào một bản hợp đồng và sau khi hợp đồng hết hiệu lực, tài xế mới lấy xe và đứng tên chính chủ. Trường hợp bên nào phá giao ước chung sớm hơn qui định sẽ có chế tài ghi rõ trong hợp đồng. 

Trên thực tế, tài xế thương quyền có thể lựa chọn việc lái xe hay không. Tuy nhiên việc công ty không giảm tiền đàm khiến nhiều tài xế buộc phải ra đường làm việc.

Anh Hải, một tài xế taxi, bên cạnh dòng xe thương quyền, nhiều tài xế còn có quyền lựa chọn làm thuê cho công ty và lái xe của công ty cung cấp. Các dòng xe do Taxi Group bỏ tiền mua chủ yếu thuộc dòng Innova, Vios.

"Mọi xe i10 đều thuộc sở hữu của đối tác. Chỉ Vios, Innova mới là xe công ty. Mấy anh em làm thuê thì không cần lo, không làm được thì nghỉ. Mấy ông mua xe rồi mới chết, hàng tháng cứ thế nộp tiền đàm thôi mà mùa này lấy đâu ra khách. Nhưng càng phản đối càng chết nhanh hơn", anh Hải phân tích.

Nhiều tài xế Taxi Group tập trung tại công viên Cầu Giấy, tố công ty ép tài xế làm việc trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các tài xế không quen đeo khẩu trang khi tụ tập thành nhóm. Ảnh: OFFB

Nhóm tài xế nói Taxi Group không giảm tiền đàm hàng tháng (4,5 triệu đồng) cho các tài xế thương quyền. Nhiều người nghỉ vì dịch hoặc không có khách vì dịch vẫn phải đóng tiền, dù số tiền họ kiếm được còn chưa tới 4,5 triệu.

Mặc dù vậy, theo anh Hoàng Hải, một tài xế taxi khác thì việc Taxi Group (cũng như một số các hãng taxi khác) đứng tên xe thương quyền là chuyện không mới. Do đó việc có giảm tiền đàm hay không sẽ là do hai bên thương lượng và công ty taxi nắm đằng chuôi.

"Công ty nó mà phá sản thì anh em lái xe mất trắng xe. Ngân hàng sẽ siết tài sản đứng tên công ty, chứ có cần biết ai trả tiền mua đâu. Lúc đấy muốn kêu cũng chả được. Đừng vì cái trước mắt mà quên cái đại cục. Xe thương quyền toàn tên công ty thôi chứ có tên cá nhân đâu", anh Hoàng Hải nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-tai-xe-taxi-group-tap-trung-tai-cong-vien-cau-giay-to-cong-ty-ep-tai-xe-lam-viec-trong-mua-dich-covid-19-20200330173650427.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/