Nhà tài trợ World Cup 2022 có thể thất thu vì lệnh cấm rượu bia của chủ nhà Qatar

Anheuser-Busch InBev, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Budweiser (nhà tài trợ chính cho World Cup 2022), có thể chứng kiến doanh thu bị ảnh hưởng khi chủ nhà Qatar đưa ra lệnh cấm bán rượu bia tại các sân vận động vào phút cuối.

Các nhà phân tích cho biết quyết định cấm bán rượu bia tại các sân vận động nơi tổ chức các trận đấu tại vòng chung kết World Cup Qatar 2022 vào phút cuối sẽ khiến doanh số bán hàng của nhà tài trợ Budweiser tại quốc gia vùng Vịnh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này sẽ không phá hỏng chiến dịch toàn cầu của chủ sở hữu thương hiệu Budweiser trong suốt thời gian giải đấu diễn ra tại Qatar, theo hãng tin Reuters.

Thông báo của cơ quan quản lý bóng đá lớn nhất thế giới FIFA về lệnh cấm được đưa ra vào ngày 18/11, chỉ hai ngày trước khi sự kiện bắt đầu, khiến nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev phải đau đầu.

Budweiser là nhà tài trợ chính cho World Cup 2022. (Ảnh: Reuters).

Budweiser, nhà tài trợ chính của World Cup mà Anheuser-Busch InBev sở hữu, đã sẵn sàng để bán độc quyền bia trong phạm vi các quầy bán vé xung quanh mỗi sân vận động trong suốt giải đấu năm nay.

“Điều này thật khó xử”, tài khoản Twitter chính thức của Budweiser đăng tải dòng trạng thái sau khi lệnh cấm được đưa ra, nhưng sau đó đã bị xóa. Budweiser đã là nhà tài trợ cho World Cup kể từ giải đấu năm 1986 tại Mexico.

World Cup, được tổ chức bốn năm một lần, thường thúc đẩy lượng tiêu thụ bia trên toàn cầu và nhà sản xuất bia có trụ sở tại Bỉ như Stella Artois và Corona rõ ràng muốn thu lợi nhuận từ hàng triệu USD mà họ đã bỏ ra để trở thành nhà sản xuất bia chính thức của giải đấu.

World Cup 2014 đã thúc đẩy doanh số bán bia của AB InBev tại nước chủ nhà Brazil - thị trường có lợi nhuận cao thứ hai sau Mỹ - lên 140 triệu lít. Lượng tiêu thụ bia vào mùa hè cũng cao hơn mùa đông, thời điểm tổ chức World Cup 2022.

Kiểm soát nghiêm ngặt

World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar sẽ là một kỳ World Cup có nhiều sự khác biệt bởi đây là lần đầu vòng chung kết bóng đá lớn nhất thế giới đến với các quốc gia ở khu vực Trung Đông, nơi có các đạo luật nghiêm ngặt liên quan tới rượu bia. Do đó, việc tiêu thụ rượu bia ở nơi công cộng bị cấm.

Vào tháng 7, phản ánh trước thông tin rằng khán đài của các sân vận động sẽ không xuất hiện đồ uống có cồn, Giám đốc điều hành AB InBev, Michel Doukeris, cho biết giải đấu sẽ mang đến cơ hội tuyệt vời để giới thiệu các thương hiệu không có cồn, chẳng hạn như Budweiser Zero.

Với thời hạn lập kế hoạch trong vài tháng, thay vì hai ngày, AB InBev có thể đã tìm cách thay thế các loại bia Budweiser thông thường bằng phiên bản không cồn bên ngoài các sân vận động và có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn do lợi nhuận của loại bia không cồn thường cao hơn.

Elaina Bailes, thành viên London Solicitors Litigation Association, cho biết sự thay đổi quyết định vào phút cuối có khả năng dẫn đến tranh cãi. “Budweiser hiện gặp phải vấn đề logistics tốn kém về việc phải làm gì với lượng hàng phân phối mà họ không còn bán được nữa và có thể gây ảnh hưởng đến các hợp đồng trong chuỗi cung ứng của họ”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng họ cũng sẽ mất khả năng hiển thị thương hiệu trong các trận đấu.

Ed Weeks, trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp thương mại tại công ty luật Cripps có trụ sở tại Anh, cho biết câu hỏi lớn đặt ra là liệu hợp đồng FIFA-Budweiser có tính trước tới khả năng thay đổi đột ngột này hay không.

"Nếu họ làm vậy và đưa vào một điều khoản gây rủi ro cho Budweiser, thì họ sẽ rất tự mãn ngay bây giờ. Nếu họ không làm như vậy, thì FIFA và các luật sư của họ sẽ có một ngày cuối tuần thực sự tồi tệ”, ông Ed Weeks chia sẻ.

Các chiến dịch khuấy động của Budweiser tại World Cup 2022 bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm rượu bia của Qatar. (Ảnh: Reuters).

FIFA chưa đưa ra bình luận gì về khả năng tranh chấp pháp lý, song, lý giải về quyết định cấm vào phút chót tại một cuộc họp báo ở Qatar ngày 19/11, chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết cơ quan này đã thất bại trong việc thuyết phục chính phủ Qatar giữ nguyên quyết định ban đầu cho phép bán bia quanh các sân vận động.

“Chúng tôi đã cố gắng và đó là lý do chúng tôi cho phép các thay đổi chính sách muộn. Chúng tôi đã thử xem có khả thi hay không. Tôi nghĩ rằng tình huống đặc biệt này đã mang chúng ta xích lại gần nhau hơn”, Chủ tịch FIFA cho biết.

AB InBev cho biết trong một tuyên bố rằng "một số hoạt động kích cầu tại các sân vận động đã được lên kế hoạch nhưng giờ không thể tiến hành do các tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát”.

Mặc dù vậy, Doukeris đã nói rằng tác động sẽ được nhận thấy lớn hơn nhiều đối với doanh số bán bia là từ những người hâm mộ trên toàn cầu, trong đó có nhãn hiệu bia khác của AB InBev, từ Jupiler ở Bỉ đến Brahma ở Brazil.

AB InBev đã phát động chiến dịch khuấy động chào mừng World Cup lớn nhất từ ​​trước đến nay tại hơn 70 thị trường. Trước đó, tại vòng chung kết World Cup 2018 được tổ chức tại Nga, AB InBev chỉ tổ chức chiến dịch tại hơn 50 quốc gia.

Trevor Stirling, nhà phân tích đồ uống của Bernstein cho biết: “Bản thân doanh số bán hàng tại sân vận động chỉ là một thành phần tương đối nhỏ trong tổng doanh số bán hàng”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-tai-tro-world-cup-2022-co-the-that-thu-vi-lenh-cam-ruou-bia-cua-chu-nha-qatar-2022112371129931.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/