Nhà sáng lập Huawei: Con gái tôi nên tự hào vì trở thành quân bài mặc cả trong thương chiến giữa hai siêu cường

Bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies, được xem là bộ mặt của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Còn với nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi, bà là đứa con gái mà ông dành lợi khen ngợi vì phải "chịu khổ cực" do vướng vào thương chiến.

Ren-Zhengfei-Daughter_CNNPH

Nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Nhậm Chính Phi và con gái, CFO Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: Getty Images)

"Vãn Chu nên tự hào khi bị kẹt giữa tình huống này. Trong cuộc chiến giữa hai cường quốc, con bé đã trở thành một quân bài mặc cả", ông Nhậm Chính Phi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 26/11.

Một năm trước, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giam tại Canada theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Sau đó, bà bị quản thúc tại Vancouver và đang chờ đợi phán quyết chính thức để biết mình có bị dẫn độ sang Mỹ hay không.

Bà Mạnh Vãn Chu và Huawei đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc như gian lận ngân hàng, trộm cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ áp vào Iran. Cả bà Mạnh và Huawei đều phủ nhận loạt cáo buộc nói trên.

Là hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là thương hiệu smartphone hàng đầu, Huawei đã trở thành một điểm nhạy cảm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Washington cáo buộc Huawei gây ra rủi ro an ninh quốc gia và thực hiện các hoạt động kinh doanh đi ngược lại chính sách đối ngoại của Mỹ. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng phủ nhận các cáo buộc này.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã gia tăng áp lực. Tháng 5 năm nay, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, hạn chế các doanh nghiệp Mỹ như Google, Intel và Micron cung ứng linh kiện và phần mềm cho Huawei trừ khi họ nhận được giấy phép của Washington.

Theo CNN, một số công ty Mỹ chẳng hạn như Microsoft đã nhận được giấy phép hạn chế vào tuần trước.

CEO Nhậm Chính Phi đang phải chiến đấu để đảm bảo sự sống còn của công ty. Ông thường xuyên so sánh Huawei với một chiếc máy bay chi chít lỗ vì dính đạn và ví nhân viên như các thợ máy đang làm việc cật lực để vá lại các lỗ hổng đó.

Tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến có những tấm áp phích đen trắng dán trên trên tường mô tả một chiếc máy bay bị đạn bắn thủng trong Thế chiến II nhưng vẫn bay được. Đây là một lời nhắc nhở đối với nhân viên về vận mệnh của công ty.

Ông Nhậm Chính Phi cho biết con gái Mạnh Vãn Chu cũng đang chịu nhiều khổ cực và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ đó.

"Trải nghiệm khó khăn, gian khổ là thứ tốt cho Vãn Chu và quá trình trưởng thành của con bé. Trong bối cảnh to lớn của cuộc chiến thương mại, Vãn Chu giống như một con kiến nhỏ mắc kẹt giữa sự va chạm của hai cường quốc", nhà sáng lập Huawei nói.

CNN dẫn lời ông Nhậm Chính Phi cho hay trong thời gian bị quản thúc, CFO của Huawei thường vẽ tranh và nghiên cứu kiến thức. Mẹ và chồng bà cũng thường xuyên bay đến Canada để ở bên bà.

Vị CEO 75 tuổi cho biết thử thách đã đưa ông đến gần hơn với con gái. Mặc dù không có lịch cố định nhưng hai người trò chuyện nhiều hơn so với trước đây và ông đôi khi gửi những mẩu chuyện hài hước mình tìm thấy trên mạng cho con gái.

"Trước đây, Vãn Chu có khi không gọi điện cho tôi cả năm trời. Con bé không hỏi thăm tôi đang như thế nào, hay thậm chí không gửi lấy một tin nhắn", ông nói. "Còn bây giờ, mối quan hệ cha con chúng tôi đã xích lại gần nhau hơn".

Vài ngày sau vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Chu ở Vancouver, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada đã xấu đi trông thấy. Bắc Kinh đã bắt giữ hai công dân Canada, cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.

Bắc Kinh cáo buộc họ làm gián điệp cho chính phủ Canada và phủ nhận các vụ bắt giữ có liên quan đến trường hợp của bà Mạnh Vãn Chu.

CEO Nhậm Chính Phi khẳng định ông không biết chi tiết vụ bắt giữ ông Kovrig và ông Spavor, ngoài ra ông cho rằng bản thân không có quyền bình luận về tình huống này.

Vào tháng 1 tới, bà Mạnh Vãn Chu sẽ chính thức nhận phán quyết có bị dẫn độ sang Mỹ hay không. Còn về tương lai của bà tại Huawei, có một điều khá chắc chắn là bà sẽ không được thăng chức.

"Những khó khăn như thế này sẽ tác động lớn đến tính cách và lòng can đảm của một người. Tuy nhiên, khi Vãn Chu trở lại Huawei, không có gì đảm bảo con bé sẽ được giao trọng trách lớn hơn", ông Nhậm cho hay.

Với tư cách là CFO, bà Mạnh Vãn Chu có thể giải quyết các vấn đề tài chính nhưng bà không được trang bị đầy đủ năng lực để xử lí các khía cạnh khác của hoạt động kinh doanh vì bà không có nền tảng trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, Mạnh Vãn Chu không có tố chất để dẫn dắt công ty, ông Nhậm nhận xét về con gái mình.

"Nếu Huawei được lãnh đạo bởi một người không có sự nhạy bén về chiến lược, công ty sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Đó là lí do tại sao khi Vãn Chu trở lại, con bé sẽ tiếp tục làm những gì đã làm từ trước đến nay", ông khẳng định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-sang-lap-huawei-con-gai-toi-nen-tu-hao-vi-tro-thanh-quan-bai-mac-ca-trong-thuong-chien-giua-hai-sieu-cuong-20191202151930233.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/