Nhà đầu tư Mỹ không thể ngừng nhảy múa theo vũ điệu của thị trường

Giá cổ phiếu quá cao và các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì lo lắng, nhưng ít ai có thể coi thường các biện pháp kích thích từ Fed và tâm lí tích cực chung trên thị trường.

Nhà đầu tư Mỹ không thể ngừng nhảy múa theo vũ điệu của thị trường - Ảnh 1.

Nếu năm 2020 vẫn chưa đủ kì quặc thì hãy nhớ đến điều này: Nước Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái, vậy mà một số nhà đầu tư chuyên nghiệp lại lo sợ thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ phình to thành một bong bóng.

Nhà đầu tư Mỹ đang đổ dồn vào một số cổ phiếu công nghệ mà họ tin là chỉ có rất ít rủi ro từ COVID-19. Tham gia thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay đồng nghĩa với việc bỏ ra 23 USD cho mỗi 1 USD thu nhập từ một công ty thuộc S&P 500, mức cao nhất trong một thập kỉ.

Định giá của chỉ số Nasdaq 100 đã đạt đến mức đắt đỏ nhất trong hơn 15 năm qua – gấp 34 lần so với thu nhập. Tuy nhiên, những con số trên chủ yếu được thúc đẩy bởi một vài cổ phiếu được nhà đầu tư ưa chuộng trong cuộc khủng hoảng COVID-19. 

5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất chứng khoán Mỹ - Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook chiếm tới gần 25% tổng vốn hóa mọi cổ phiếu thuộc S&P 500. Vào năm 2015, tỉ trọng của 5 cổ phiếu này trong vốn hóa S&P 500 chỉ vào khoảng 12%.

Chỉ số P/E thấp nhất trong số các gã khổng lồ công nghệ là vào khoảng 30. Cổ phiếu Microsoft được giao dịch với mức giá gấp 37 lần thu nhập, mức định giá cao nhất kể từ thời hoàng kim của bong bóng công nghệ 20 năm trước. 

Tuy nhiên, định giá của Microsoft vẫn có thể được coi là rẻ khi so sánh với cổ phiếu Tesla. Dù chưa được gia nhập chỉ số S&P 500, Tesla vẫn được giao dịch với mức giá gấp 10.000 lần thu nhập.

Các mức định giá trên đều được tính dựa trên các con số đã được báo cáo. Nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao vì họ tin thu nhập trong tương lai sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, khi xét đến thị trường chung, thu nhập tương lai của doanh nghiệp vẫn là một ẩn số, do rất nhiều doanh nghiệp đã từ chối cung cấp dự báo doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

Ông Scott Minerd, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim Investments nói với Bloomberg: "Tình hình hiện nay giống với bong bóng cuối thập niên 90". Nhưng ông nói thêm rằng đây không phải là lí do để rút khỏi thị trường ngay lập tức.

Nhà đầu tư Mỹ không thể ngừng nhảy múa theo vũ điệu của thị trường - Ảnh 2.

Nhà đầu tư Mỹ không thể ngừng nhảy múa theo vũ điệu của thị trường - Ảnh 3.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp khó có thể đứng ngoài thị trường kể cả khi cổ phiếu có vẻ đắt đỏ. Nếu để lỡ lợi nhuận trong cuộc phục hồi hiện tại, họ có thể sẽ đánh mất khách hàng trước khi thị trường chuyển biến.

Những người có cái nhìn lạc quan có lí do để biện hộ cho định giá cao ngất ngưởng của cổ phiếu. Cục dự trữ liên bang (Fed) nhiều khả năng sẽ giữ lãi suất ở mức cực thấp trong tương lai gần và mua thêm tài sản tài chính để hỗ trợ thị trường. Động thái của Fed giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro của cổ phiếu.

Tuy nhiên, bà Liz Ann Sonders, Giám đốc đầu tư tại  Charles Schwab thì tin rằng những lí do trên không đủ để giải thích hoàn toàn cho thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay. Bà khẳng định: "Tất cả đều phụ thuộc vào tâm lí nhà đầu tư".

Tâm lí trên thị trường hiện tại đang bị chia rẽ. Không ít người hoài nghi khi chứng kiến thị trường đi lên mạnh mẽ từ cuối tháng 3, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nhà đầu tư Mỹ không thể ngừng nhảy múa theo vũ điệu của thị trường - Ảnh 1.

Hình minh họa: Bloomberg

Ông Ed Keon, Giám đốc đầu tư tại QMA đặt câu hỏi: "Nếu hồi tháng 1 anh biết rằng COVID-19 sẽ lan từ Trung Quốc sang khắp thế giới và tạo ra một cuộc suy thoái khủng khiếp, liệu lúc đó anh có nghĩ rằng giá cổ phiếu vẫn sẽ giữ nguyên như hiện tại hay không?"

Nhưng kích thích tiền tệ từ Fed và Quốc hội Mỹ cũng không thể bị bỏ qua. "Chúng tôi vẫn thận trọng để tránh ôm đồm quá nhiều rủi ro từ cổ phiếu. Nhưng với số tiền khổng lồ sẽ được rót vào thị trường và động lực to lớn, chúng tôi cũng không thể giữ cái nhìn quá tiêu cực", ông Keon nói.

Khi chứng khoán Mỹ đi lên trước những dữ liệu kinh tế tăng giảm thất thường, nguyên nhân thông thường là do nhà đầu tư chuyên nghiệp chạy theo đà tăng của thị trường và các quĩ đầu cơ hành động dựa theo các tín hiệu định lượng. Nhưng họ không phải là người chơi duy nhất trên thị trường hiện nay. Chứng khoán Mỹ đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo số liệu từ Bloomberg, trong năm 2020, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm khoảng 18,5% khối lượng giao dịch trên toàn thị trường Mỹ, gần bằng tỉ trọng của các quĩ đầu cơ. Thậm chí có những ngày 25% giao dịch trên thị trường là do nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện.

Đối với bà Anna Han và các đồng nghiệp tai Wells Fargo, chứng khoán Mỹ hiện nay có thể là đợt tăng giá bất thường (melt-up) trước khi sụp đổ. Tác nhân khiến thị trường chứng khoán lao dốc có thể là nhà đầu tư thấy thất vọng khi Quốc hội quá chậm trễ hoặc chi ra ít tiền hơn cho gói cứu trợ kinh tế tiếp theo; hoặc đơn giản là tâm lí nhà đầu tư đột ngột thay đổi mà không thể được lí giải bởi bất kì nguyên nhân nào.

Tình huống hiện tại đang đẩy Fed vào vị trí khó xử. Đòn bẩy tiền tệ của Fed phải được nâng lên hoặc hạ xuống để thúc đẩy việc làm hoặc điều chỉnh lạm phát, chứ mục đích chính không phải là để giúp thị trường chứng khoán tăng vọt.

Ông Minerd, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim là thành viên của ủy ban tư vấn cho Fed về thị trường tài chính. Ông Minerd nhớ lại cuộc họp gần đây với Fed: "Tôi nghĩ rằng họ không chắc thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay có phải là bong bóng hay không".

"Một trong những nhận xét thú vị được đưa ra trong cuộc họp là "Làm thế nào để chúng ta biết có bong bóng trong thị trường hay không?" Câu trả lời: "Sau khi thị trường sụp đổ"".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-dau-tu-my-khong-the-ngung-nhay-mua-theo-vu-dieu-cua-thi-truong-20200722171535677.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/