Nguy cơ nền kinh tế Mỹ mất 500 tỷ USD nếu tiếp tục tách rời Trung Quốc

Báo cáo mới của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất hàng trăm tỷ USD nếu họ giảm đầu tư vào Trung Quốc hoặc nếu hai nước tăng thuế quan đối với hàng hóa của nhau.

Nguy cơ nền kinh tế Mỹ mất vĩnh viễn 500 tỷ USD nếu tiếp tục tách rời Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Barron's.

Trong bản báo cáo công bố ngày 17/2, AmCham (trụ sở tại thủ đô Washington) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ mất 500 tỷ USD nếu doanh nghiệp Mỹ giảm một nửa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc.

Ở nghiên cứu hợp tác với công ty phân tích Rhodium Group (trụ sở tại New York), AmCham cho biết nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế 25% lên thương mại hai chiều, GDP của Mỹ sẽ mất 190 tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2025.

Báo cáo của AmCham chỉ ra thiệt hại của từng chính sách thương mại và được công bố ngay tại thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc chiến lược tốt nhất để đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra.

AmCham khuyến nghị, thay vì đơn phương hành động và làm suy yếu năng suất cũng như năng lực đổi mới của đất nước, Mỹ nên hợp tác cùng các đồng minh để giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia và mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời AmCham nhấn mạnh, một chiến lược "cân bằng và hợp lý" cho quan hệ thương mại với Trung Quốc là mối quan tâm chung của nước Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Đồng thời, một chiến lược như vậy còn phù hợp với trật tự kinh tế "dựa trên quy tắc" và chống lại các hành vi không công bằng của Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc nổ ra cuộc chiến thương mại, kéo theo hàng trăm tỷ USD hàng hóa song phương bị đánh thuế.

Theo tính toán của nhà phân tích Chad Bown tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (trụ sở tại Mỹ), Washington hiện vẫn duy trì thuế trừng phạt với khoảng 335 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mỗi năm, bất chấp thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký hồi đầu năm 2020.

Trong thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với mốc năm 2017. Song, Trung Quốc chỉ hoàn thành hơn 50% mục tiêu mua hàng năm 2020 vì đại dịch COVD-19 làm gián đoạn hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguy cơ nền kinh tế Mỹ mất vĩnh viễn 500 tỷ USD nếu tiếp tục tách rời Trung Quốc - Ảnh 2.

Bloomberg lưu ý, thỏa thuận thương mại giai đoạn một cũng không hoàn toàn giải quyết được các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Mỹ, ví dụ như hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp cho doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc.

Ngoài xuất khẩu hàng hóa giảm, báo cáo của AmCham còn ước tính, nếu chi tiêu cho du lịch và giáo dục của Trung Quốc trong tương lai giảm 50% so với mức trước đại dịch, Mỹ sẽ thiệt hại 15 - 30 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ.

Hơn nữa, AmCham còn cảnh báo, nếu hai nền kinh tế Mỹ - Trung tiếp tục tách rời, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, dù con số chính xác khá khó xác định. Hoạt động R&D mà AmCham nhắc đến thường phục vụ cho hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Phân tích của AmCham còn tính đến tác động tiềm tàng đối với 4 nhóm ngành nếu Mỹ - Trung tiếp tục chia rẽ. Cụ thể, nếu doanh nghiệp Mỹ mất quyền tiếp cận thị trường bán dẫn Trung Quốc, ngành chế tạo chip của Mỹ sẽ có nguy cơ giảm 54 - 124 tỷ USD sản lượng và mất 100.000 việc làm.

Việc áp đặt thuế quan có thể khiến ngành công nghiệp hóa chất của Mỹ giảm 38 tỷ USD sản lượng và mất gần 100.000 việc làm. 

Nếu ngành chế tạo máy bay và dịch vụ hàng không thương mại của Mỹ tuột mất thị trường tỷ dân, sản lượng kinh tế Mỹ có thể giảm 51 tỷ USD mỗi năm, hay 875 tỷ USD lũy kế đến năm 2038. 

Mất thị phần thiết bị y tế tại Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt hại khoảng 23,6 tỷ USD mỗi năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguy-co-nen-kinh-te-my-mat-500-ty-usd-neu-tiep-tuc-tach-roi-trung-quoc-20210219172218272.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/