Người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng nội địa giúp doanh nghiệp Trung Quốc lần lượt vượt mặt Nike, adidas,...

Li Ning, thương hiệu đồ thể thao Trung Quốc đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng đột biến nhất trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất Trung Quốc năm nay.

 

 Các thương hiệu nội địa Trung Quốc ăn nên làm ra nhờ chủ nghĩa Dân Tộc lên ngôi. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg, nhà sản xuất quần áo thể thao Li Ning đã tăng giá trị thương hiệu 66% lên 3,4 tỷ USD. Đây được xem tốc độ tăng nhanh nhất trong bảng xếp hạng hàng năm do Kantar BrandZ tổng hợp.

Đáng chú ý, báo cáo của Kantar BrandZ cho biết, sự trỗi dậy của Li Ning được thúc đẩy bởi những đổi mới kỹ thuật cũng phong trào yêu nước - ưu tiên dùng hàng nội địa, của người tiêu dùng ngày càng tăng ở Trung Quốc, làm điêu đứng nhiều ông lớn nước ngoài tại thị trường tỷ dân này, ví dụ như Nike hay adidas, những thương hiệu đã đưa ra quan điểm không ủng hộ sử dụng bông vải ở khu tự trị Tân Cương.

Ngoài Li Ning, một công ty đồ thể thao khác của Trung Quốc là Anta Sports đã tăng doanh thu trong nửa đầu năm lên 13,8% lên 25,97 tỷ nhân dân tệ (3,79 tỷ USD), cao hơn 3,7 tỷ USD của Nike Trung Quốc trong cùng kỳ báo cáo.

Ding Shizhong, Chủ tịch hội đồng quản trị Anta Sports, cho rằng doanh thu tăng trưởng là do chiến lược “Tập trung duy nhất, đa thương hiệu, toàn cầu hóa”. Doanh thu của thương hiệu Anta tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước lên 13,36 tỷ nhân dân tệ. 

Trong nửa đầu năm, mức doanh thu của adidas tại Trung Quốc đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu thuần giảm từ 2,4 tỷ USD xuống 1,7 tỷ USD. Các con số suy yếu tại Trung Quốc đã khiến adidas phải cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2022.

Trong báo cáo thu nhập mới nhất của công ty, CEO adidas, Kasper Rørsted giải thích rằng sự phục hồi của công ty tại thị trường Trung Quốc chậm hơn dự kiến ​​do các đợt phong tỏa COVID-19. Các đợt lockdown (phong toả) tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lượng khách đến các trung tâm thương mại và cửa hàng, đồng thời ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của hầu hết các nhà bán lẻ.

Nhiều thương hiệu nước ngoài phải vật lộn để bám trụ tại Trung Quốc trong bối cảnh người tiêu dùng tẩy chay và dành sự ưu ái hơn với các công ty trong nước như Anta Sports Products hay Li Ning.  Giám đốc Tài chính của Nike, Matthew Friend từng tiết lộ công ty đã áp dụng "cách tiếp cận thận trọng" đối với Trung Quốc đại lục do các chính sách hạn chế COVID-19 của đất nước này.

Theo báo cáo của Kantar BrandZ, tổng giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc đã giảm 20% xuống còn 1,24 nghìn tỷ USD do sự gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến lạm phát gia tăng cũng như các đợt lockdown kéo dài đã thách thức môi trường kinh doanh. 

Báo cáo cũng thông tin Social-commerce (thương mại xã hội) là một kênh bán hàng cho phép người dùng mua sản phẩm thông qua mạng xã hội và tương tác với những streamer, được xem là một công cụ quan trọng đối với những người mua sắm thế hệ GenZ của Trung Quốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguoi-tieu-dung-uu-tien-dung-hang-noi-dia-giup-doanh-nghiep-trung-quoc-lan-luot-vuot-mat-nike-adidas-2022825154653779.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/