Nga yêu cầu trái chủ tự tới cơ quan tài chính phương Tây để đòi tiền

Nga đã bác bỏ những cáo buộc về việc vỡ nợ, tuyên bố đã hoàn thành nghĩa vụ. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế cảnh báo sự thống trị của đồng USD có thể bị sụp đổ do những hành vi của Mỹ và phương Tây hiện nay.

Tự đi đòi tiền

Theo Reuters, đầu tuần này, Nga đã bác bỏ thông tin vỡ nợ nước ngoài, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư tự tới các cơ quan tài chính phương Tây để nhận khoản tiền lãi đã được gửi nhưng đang bị chặn lại.

Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố rằng Moscow đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế lần đầu tiên kể từ năm 1918, vì các lệnh trừng phạt sâu rộng đã cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Cho đến tuần trước, Nga vẫn tiếp tục thanh toán lãi trái phiếu Eurobond bằng ngoại tệ theo các điều khoản phát hành. Tuy nhiên, việc thanh toán tiền lãi cho lô trái phiếu đến hạn vào tháng 5 đã không thực hiện được, và tiền hiện chưa đến tay nhà đầu tư.

Nga không thể thanh toán lãi cho đợt trái phiếu đến hạn vào cuối tháng 5 vừa qua.

Cụ thể, ngày 27/6, chia sẻ với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Tuyên bố về việc vỡ nợ là hoàn toàn không hợp lý”.

"Việc Euroclear giữ lại số tiền này và không chuyển tới trái chủ không phải là vấn đề của Nga. Hoàn toàn không có căn cứ nào để gọi tình trạng như vậy là vỡ nợ". Hãng dịch vụ tài chính Euroclear của Bỉ chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Cùng ngày, Moscow cho biết "hành động của các đơn vị trung gian tài chính nước ngoài không thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chính Nga", yêu cầu các trái chủ nước ngoài nói chuyện trực tiếp với bên đang giữ lại các khoản thanh toán.

"Việc các nhà đầu tư không nhận được tiền không phải do Nga thiếu tiền thanh toán mà do hành động của bên thứ ba và và sẽ không được tính là vỡ nợ theo điều khoản phát hành", Bộ Tài chính Nga cho biết thêm.

Vào tuần trước, khi miễn trừ đặc biệt của Bộ Tài chính Mỹ hết hạn và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga (NSD), Moscow đã chi trả cho các trái phiếu bằng đồng ruble. 

Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh coi việc thanh toán trái phiếu là hoàn thành sau khi một khoản thanh toán bằng đồng ruble tương đương với số tiền lãi đến hạn được chuyển đi. Trái chủ sẽ cần phải mở một tài khoản tại một ngân hàng của Nga để nhận tiền.

Moscow sẽ không chặn việc chuyển đổi thành ngoại hối và chuyển tiền ra nước ngoài nhưng các nhà đầu tư cần phải xác nhận bằng văn bản rằng sẽ không có khiếu nại chống lại Nga. Danh sách các ngân hàng có thể thực hiện chuyển đổi ngoại tệ và chuyển tiền vẫn chưa được công bố.

Tiền đề để tịch thu tài sản đóng băng

G7 đã cấm các giao dịch và đóng băng tài sản trị giá 300 tỷ USD của ngân hàng trung ương của Nga, sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2.

Một số chính trị gia phương Tây đã kêu gọi tịch thu các khoản dự trữ bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine. Hai nguồn tin của Reuters cho biết đây có thể là nguyên nhân đằng sau tuyên bố Nga vỡ nợ của phương Tây.

"Bằng cách tuyên bố Nga vỡ nợ, phương Tây có thể khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả. Về mặt kinh tế, phương Tây có thể hợp pháp tịch thu các tài sản tài chính đang bị đóng băng của Nga", một trong hai nguồn tin cho biết.

Phát ngôn viên Peskov nhấn mạnh rằng các khoản dự trữ đã bị phong tỏa “bất hợp pháp” và bất kỳ nỗ lực nào để sử dụng chúng sẽ  “là hành vi trộm cắp”.

Ở tuyên bố khác, ôngAlexei Moiseev, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga chia sẻ: "Tôi tin rằng một quả bom hạt nhân tài chính đã được sử dụng để chống lại Moscow, chưa có quốc gia nào trong lịch sử nhân loại phải hứng chịu áp lực trừng phạt như Nga hiện nay".

Chiêu trò truyền thông

Nhà kinh tế người Pháp Charles Gave nói với Sputnik rằng những chủ sở hữu trái phiếu của Nga có thể đưa Mỹ và châu Âu ra tòa vì chặn các khoản thanh toán. Ông cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tạo ra một vụ “vỡ nợ” giả tạo nhằm mục đích tuyên truyền.

"Sự tắc nghẽn hiện tại không phải là vỡ nợ và thế giới tài chính biết rất rõ điều này”, ông nói. 

“Về cơ bản, hành vi này là bất hợp pháp và các trái chủ bị ảnh hưởng bởi 'lệnh trừng phạt' do Mỹ áp đặt có thể và nên nộp đơn khiếu nại lên tòa án quốc tế", ông Gave cho biết.

Chuyên gia tài chính gợi ý rằng trái chủ sẽ có cơ hội để giành chiến thắng nhưng cuộc chiến pháp lý có thể sẽ kéo dài từ 5 đến 10 năm.

Tự phá hủy sự thống trị của USD

Ông Gave cho biết thêm, việc phương Tây đóng băng các khoản thanh toán trái phiếu của Nga có thể khiến đồng USD mất vị thế thống trị trong các giao dịch quốc tế.

"Kết quả là thế giới sẽ e ngại sử dụng USD làm tiền tệ cho các sàn giao dịch quốc tế. Đồng EUR cũng sẽ như vậy", ông tuyên bố.

Vị chuyên gia cho rằng hành vi của phương Tây nhằm cảnh báo giới tài chính không làm ăn với Nga nhưng đồng thời cũng cho thấy rằng đồng nội tệ là một phương tiện giao dịch an toàn hơn so với USD hay EUR.

Ông cũng cho rằng: "Nga sẽ chuyển sang phát hành trái phiếu quốc tế thông qua các ngân hàng Trung Quốc ở Thượng Hải, Bắc Kinh hoặc những nơi khác trên thế giới. Động thái này sẽ gây bất lợi cho thị trường tài chính Mỹ và châu Âu".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nga-yeu-cau-trai-chu-tu-toi-co-quan-tai-chinh-phuong-tay-de-doi-tien-2022628112534589.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/