Nga bị dồn vào thế bí trong cuộc chiến năng lượng với châu Âu

Giá khí đốt sụt giảm và tình hình tài chính của chính phủ Nga đang ngày càng xấu đi. Kế hoạch cắt nguồn cung khí đốt nhằm buộc các chính phủ châu Âu ngừng hỗ trợ cho Ukraine dường như đang rơi vào ngõ cụt.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Wall Street Journal). 

Thành công lâu dài của Nga trong cuộc chiến kinh tế với châu Âu được coi là yếu tố then chốt để quyết định kết quả của xung đột tại Ukraine.

Song, những dấu hiệu cho thấy chiến lược kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin đang gặp trở ngại nghiêm trọng đã xuất hiện cùng với những thất bại lớn của quân đội Nga trên chiến trường.

Gần đây, quân đội Ukraine đã giành lại được một phần lãnh thổ bị Nga chiếm đóng và ông Putin buộc phải thừa nhận mối lo ngại của Trung Quốc và Ấn Độ về chiến sự.

Chính phủ các nước châu Âu cho rằng ý đồ của ông Putin là cắt nguồn cung khí đốt nhằm gây tổn hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực, qua đó khiến công chúng phản đối chính sách trừng phạt Nga và việc hỗ trợ Ukraine. 

Nga chưa chắc sẽ thua cuộc trong cuộc chiến kinh tế với châu Âu. Nhưng ngày càng nhiều quan chức, chuyên gia năng lượng và nhà kinh tế đánh giá rằng dù hành động của Nga sẽ khiến nhiều nơi gặp khó khăn, ông Putin có thể sẽ thất bại và châu Âu sẽ vượt qua mùa đông mà không bị cạn kiệt khí đốt.

Họ cho rằng một khi mùa đông kết thúc, ảnh hưởng của ông Putin đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Putin đã tung ra lá bài năng lượng lớn nhất vào cuối tháng 8 khi ngừng cung cấp khí đốt đến châu Âu vô thời hạn qua đường ống Nord Stream 1. Sử gia năng lượng Daniel Yergin, Phó Chủ tịch S&P Global, nhận xét: “Bây giờ là thời cơ của ông Putin. Giờ là lúc ông ta có được đòn bẩy lớn nhất, và ông ta đang tất tay”.  

Các chuyên gia cho biết thắng lợi của Ukraine trên chiến trường khiến chính phủ các nước châu Âu khó ngừng hỗ trợ hơn.

Ông Lawrence Freedman, Giáo sư danh dự tại trường King's College London giải thích: “Nếu mọi người cảm thấy đang rơi vào bế tắc vô tận, thì họ sẽ cố tìm lối thoát”. Nhưng lúc này, “không nhà lãnh đạo nào cho rằng giải pháp duy nhất với khủng hoảng hiện nay là chịu thua ông Putin”.

Thế khó của Nga

Món lợi khổng lồ từ năng lượng của Nga dường như đang cạn dần trong bối cảnh xuất khẩu khí đốt giảm mạnh và giá dầu quay đầu. Giá dầu thô Brent đã giảm từ hơn 120 USD/thùng trong tháng 6 xuống khoảng 90 USD, đồng nghĩa với việc Nga nhận được khoảng 65 USD cho mỗi thùng dầu bán cho nước ngoài.

Dữ liệu chính thức cho thấy chính phủ Nga bị thâm hụt ngân sách nặng nề trong tháng vừa rồi. Thặng dư ngân sách trong 7 tháng đầu năm lên đến 481 tỷ ruble, nhưng giảm còn 137 tỷ ruble (tương đương 2,3 tỷ USD) khi gộp cả tháng 8.

Châu Âu đã thành công trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt bổ sung để thay thế phần nào khí đốt của Nga. Lượng khí đốt tiêu thụ nhiều khả năng cũng sẽ giảm xuống khi các nhà máy và hộ đình phản ứng với giá cao bằng cách ngừng hoạt động hoặc cắt tiêu thụ.

Mùa đông tới sẽ là quãng thời gian khó khăn nhất với châu Âu. Nếu mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn những lần trước, dẫn đến tiêu thụ năng lượng gia tăng, niềm lạc quan sẽ biến mất.

Để duy trì sự đoàn kết của châu Âu trong khoảng thời gian giá lạnh, một vài nước có thể sẽ phải chia sẻ trữ lượng khí đốt với những quốc gia khác.

Một trong những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Nga đang suy yếu là giá điện và khí đốt tuy nhảy vọt sau thông báo về Nord Stream 1 tháng trước, nhưng cũng nhanh chóng đảo chiều.

Hôm 16/9, giá khí đốt bán buôn dao động quanh 187,8 euro/MWh. Mức giá này cao gần gấp ba lần so với một năm trước, và hơn hai lần mức vào đầu tháng 6, khi Moscow bắt đầu hạn chế nguồn cung qua Nord Stream. Tuy nhiên, con số này đã tụt hơn 45% so với giá đóng cửa kỷ lục hôm 26/8 và quay trở lại ngưỡng từ cuối tháng 7. Giá điện năng cũng giảm hơn một nửa từ đỉnh.

Ông David den Hollander, đồng sáng lập công ty giao dịch năng lượng Hà Lan David den Hollander nhận xét: “Có vẻ tình hình đang dần ổn định”.

Tín hiệu lạc quan của châu Âu

Các lựa chọn thay thế nguồn cung của Nga – bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và một số nước khác – đang giúp châu Âu bù đắp khoảng trống từ việc Nga đóng van Nord Stream 1. Kho chứa khí dưới lòng đất đã đạt 85% công suất, vượt mục tiêu 80% của EU vào cuối tháng 10.

Ông Simon Quijano-Evans, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư Gemcorp Capital, cho rằng dẫu Nga có chấm dứt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt thì có lẽ Liên minh Châu Âu (EU) vẫn sẽ có đủ khí đốt cho mùa đông. Ông khẳng định: “Đó sẽ là nhiệm vụ đầy thử thách và phụ thuộc vào thời tiết, nhưng chắc chắn là thực hiện được”.

Ông tính toán mức tiêu thụ khí đốt trung bình của EU trong giai đoạn tháng 10 – tháng 3 từ năm 2018 đến 2021 là 256 tỷ m3. Ông ước tính các nguồn khí đốt - từ những nước khác ngoài Nga và 92 tỷ m3 được rút ra từ kho chứa – sẽ tương đương 242 tỷ m3. Phần chênh lệch sẽ được bù đắp bởi việc tiết kiệm và những nguồn khả dụng khác.

EU và chính phủ các quốc gia như Anh cũng đang hành động để xoa dịu tác động của khủng hoảng năng lượng tới người dân và hộ gia đình. Do đó ông Stefano Stefanini, cựu nhà ngoại giao của Italy đánh giá: “Tôi không thấy có nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội và buộc chính phủ các nước châu Âu phải nhượng bộ ông Putin”.

Giáo sư Freedman cho biết yếu tố khác cho thấy các chính phủ châu Âu sẽ không lùi bước là tổng thống Nga vẫn chưa cung cấp cho họ đường lùi dễ dàng – tức là một thỏa thuận mà châu Âu có thể chấp nhận được. Ông Freedman nhận xét: “Không rõ ông Putin mong đợi châu Âu sẽ làm gì”. Ông nói thêm: Nếu châu Âu giữ vững quyết tâm “thì họ có thể sẽ khiến Nga suy yếu”. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nga-bi-don-vao-the-bi-trong-cuoc-chien-nang-luong-voi-chau-au-2022919854198.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/