Nếu trừng phạt 'cường quốc hàng hóa' Nga, phương Tây sẽ lãnh đủ

Do Nga là một cường quốc về hàng hóa công nghiệp, bất kỳ xung đột quân sự nào liên quan đến Nga đều có thể làm gián đoạn nguồn cung kim loại công nghiệp, qua đó kéo giá cả lên mức cao hơn.

Thị trường kim loại trong đà tăng

Trong tuần bắt đầu từ ngày 17/1, giá của các kim loại cơ bản đã bật tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, lạm phát đạt đỉnh và nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt.

Ngân hàng ANZ cho hay: "Nickel là kim loại dẫn đầu đợt tăng của các kim loại cơ bản trong tuần qua, giá của nickel đã leo lên mức đỉnh 10 năm là khoảng 24.000 USD/tấn.

Nhà máy nickel Tagaung Taung ở Myanmar đã tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 1, trong khi căng thẳng tại Ukraine cũng đang làm dấy lên nguy cơ gián đoạn việc xuất khẩu nickel từ Nga".

Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa London, giá đồng và nhôm vẫn duy trì ở mức cao trong tuần qua do lo ngại về nguồn cung, lần lượt dao động quanh mức 9.965 USD/tấn và hơn 3.000 USD/tấn.

Ngoài ra, tính từ đầu năm đến phiên 21/1, giá vàng đã tăng khoảng 1%. Trang tin Bullion By Post nhận xét: "Mặc dù lạm phát đang là một chủ đề lớn, đó không phải là động lực duy nhất cho giá vàng. Các nhà lãnh đạo thế giới ngày càng quan ngại về hành động của Nga, khiến nhà đầu tư phải tìm tới các tài sản an toàn".

Nga là cường quốc về hàng hóa

Theo S&P Global Platts, Nga đang nắm giữ khoảng 10% trữ lượng đồng của thế giới. Đồng thời, Nga còn là nhà sản xuất nhôm hàng đầu, gần đây chiếm khoảng 6% tổng nguồn cung toàn cầu với Rusal là một trong các công ty tiên phong.

Trong khi đó, Nornickel là nhà cung ứng chính cho nickel và platinum - hai kim loại đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ngoài ra, theo ước tính của ngân hàng ING, Nga đang sản xuất khoảng 43% lượng palladium của thế giới.

Ông John Meyer, nhà phân tích tại công ty môi giới SP Angel, dự đoán giá quặng sắt và thép có thể sẽ tăng mạnh trong trường hợp Nga đánh chiếm Ukraine vì Ferrexpo - nhà sản xuất quặng sắt lớn tại Ukraine, có thể bị ảnh hưởng.

Nếu trừng phạt 'cường quốc hàng hóa' Nga, phương Tây sẽ lãnh đủ - Ảnh 1.

Bên trong một nhà máy của Rusal - nhà sản xuất nhôm lớn nhất tại Nga và lớn thứ hai trên thế giới. (Ảnh: Rusal).

Phương Tây trừng phạt Nga thế nào?

Giờ đây, các nhà phân tích đang đặt câu hỏi về quy mô và mức độ của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu có thể áp dụng đối với Nga nếu Moscow tấn công Ukraine trong tương lai gần.

Nghi vấn của giới chuyên gia được đưa ra giữa lúc các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không đạt được tiến triển đáng chú ý nào.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 19/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington và các đồng minh NATO đã chuẩn bị tâm thế "trừng phạt nghiêm khắc" Nga về kinh tế nếu Điện Kremlin xâm lược Ukraine.

Giới phân tích e ngại rằng bất ổn địa chính trị tại Đông Âu cùng nguy cơ phương Tây trừng phạt các nhà sản xuất kim loại lớn tại Nga có thể siết chặt hơn nữa thị trường nhôm, đồng và nickel.

Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING, bày tỏ: "Giá hàng hóa có thể tăng cao nếu cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang. Nga là một cường quốc về hàng hóa, nước này là nhà cung ứng chính cho các mặt hàng năng lượng, kim loại và nông sản".

"Các biện pháp trừng phạt gay gắt sẽ làm lũng đoạn thị trường hàng hóa. Có vẻ một số nhà đầu tư đã bắt đầu tin rằng rủi ro địa chính trị xoay quanh căng thẳng Nga - Ukraine sẽ dâng cao hơn", ông Patterson nhấn mạnh.

Mặc dù đề xuất của Đảng Dân chủ không nêu rõ các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ đối với Nga, ING lưu ý Tổng thống Biden có thể nhắm đến các ngành công nghiệp được cho là đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.

Ông Patterson nói: "Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Rusal từng khiến thị trường nhôm chao đảo vào năm 2018, vì Nga là nhà sản xuất nhôm lớn nhất sau Trung Quốc".

"Thị trường nhôm toàn cầu đang bị thâm hụt nguồn cung. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể đẩy thị trường vào cảnh thâm hụt nghiêm trọng hơn. Do châu Âu là khách hàng lớn của nhôm Nga, lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến giá nhôm ở châu Âu đi lên", ông Patterson ví dụ.

Nếu trừng phạt 'cường quốc hàng hóa' Nga, phương Tây sẽ lãnh đủ - Ảnh 2.

Người dân biểu tình phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào Ukraine. (Ảnh: AP).

Lạm phát năng lượng

Các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây đối với Nga cũng có thể kéo giá năng lượng lên cao hơn. "Giá khí đốt tự nhiên, giá dầu thô và năng lượng nói chung có khả năng tăng mạnh ở châu Âu…", ông Meyer của SP Angel cho hay.

Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 90% nguồn cung khí đốt của EU là hàng nhập khẩu và Nga là một trong các đối tác chính, bên cạnh Na Uy. Trong quá khứ, đa phần khí đốt từ Nga vào EU đều phải đi qua Ukraine.

Chia sẻ với CNBC, chuyên gia năng lượng Dan Yergin từng bày tỏ: "Thị trường khí đốt sẽ bị siết rất chặt. Nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta, đặc biệt là khi Nga cung ứng đến 35% khí đốt cho châu Âu".

Đồng quan điểm với ông Meyer, công ty nghiên cứu Capital Economics cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev tiếp tục leo thang, giá khí đốt ở châu Âu, vốn đã nhảy vọt lên mức cao hồi năm ngoái, có thể phi mã. Trong năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu đã phi mã hơn 800%.

Ông William Jackson, kinh tế trưởng tại Capital Economics, lưu ý: "Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu, có thể phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/neu-trung-phat-cuong-quoc-hang-hoa-nga-phuong-tay-se-lanh-du-20220124235803006.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/