Mỹ và châu Âu sắp hết vũ khí để viện trợ cho Ukraine

Kho vũ khí mà phương Tây dùng để viện trợ cho Ukraine đang cạn kiệt nhanh chóng. Các ông lớn sản xuất vũ khí quốc phòng như Mỹ cần kha khá thời gian để tăng sản lượng và điều này có thể gây ảnh hưởng đến cục diện trận chiến tại Ukraine.

Kho vũ khí eo hẹp của phương Tây

Trong thời bình, ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ có thể sản xuất khoảng 300.000 viên đạn pháo mỗi năm. Đây là loại đạn dùng trong khẩu lựu pháo 155 mm - vũ khí pháo hạng nặng tầm xa hiện đang được sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Theo phó giáo sư Dave Des Roches của Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ, các binh sĩ Ukraine bắn hết 300.000 viên đạn pháo chỉ trong khoảng hai tuần. Và đó là điều khiến vị chuyên gia lo lắng.

“Tôi rất quan ngại. Nếu không gia tăng sản lượng, chúng ta sẽ không có đủ đạn pháo để cung cấp cho người Ukraine…mà các nhà máy thường phải mất nhiều tháng để có thể bổ sung công suất”, ông Des Roches giải thích.

Đạn dược của châu Âu cũng đang ở mức thấp. Đầu tháng 9, ông Josep Borrell - đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho hay: “Kho dự trữ vũ khí quân sự của hầu hết các nước NATO tại châu Âu không hẳn cạn kiệt, nhưng đã tiêu hao nhanh chóng bởi chúng tôi cung cấp rất nhiều cho Ukraine”.

Hôm 27/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt với các lãnh đạo cấp cao trong liên minh để tìm cách bổ sung kho vũ khí cho các quốc gia thành viên, tờ CNBC đưa tin.

Theo các nhà phân tích quân sự, vấn đề gốc rễ nằm ở việc các nước phương Tây sản xuất ít vũ khí hơn trong thời bình. Chính phủ đã cắt gọt các quy trình tốn kém và chỉ sản xuất vũ khí khi cần thiết.

Một số vũ khí sắp cạn kiệt hiện không còn được sản xuất và để khởi động lại dây chuyền thì cần có công nhân tay nghề cao cũng như kinh nghiệm lâu năm. Đây là hai thứ đã vắng bóng trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ nhiều năm qua.

Tại một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, ông Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên NATO cần phải tái đầu tư vào các nhà máy sản xuất vũ khí quốc phòng.

Tuy nhiên, tăng cường sản lượng vũ khí quân sự không phải là một công việc có thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Một cậu bé đi qua bức tường vẽ binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin. (Ảnh: Getty Images).

Mỹ có hứng chịu rủi ro nào không?

Một số người nghi vấn rằng liệu năng lực tự vệ của Mỹ - siêu cường mạnh nhất thế giới, có gặp rủi ro nào khi nguồn cung vũ khí sụt giảm hay không? Câu trả lời ngắn gọn từ các chuyên gia là không.

Cho đến nay, Mỹ là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Kể từ khi Nga động binh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cung cấp cho Ukraine các gói vũ khí trị giá khoảng 15,2 tỷ USD.

Khá nhiều vũ khí do Mỹ sản xuất đã trở thành yếu tố thay đổi cục diện trận chiến, đặc biệt là khẩu lựu pháo 155 mm và các pháo hạng nặng tầm xa khác như HIMARS do Lockheed Martin sản xuất.

Washington đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho Kiev đến khi nước này đánh bại Nga. Song, Mỹ có thể đã hết lựu pháo 155 mm để viện trợ cho Ukraine; để gửi thêm, chính quyền ông Biden sẽ phải viện tới kho dự trữ dành riêng cho quân đội Mỹ.

 

Giới phân tích nói Lầu Năm Góc sẽ không làm vậy. Điều đó đồng nghĩa rằng nguồn cung vũ khí dành cho các hoạt động quân sự của Mỹ ít có khả năng bị ảnh hưởng.

Ông Mark Cancian - cựu đại tá Thuỷ quân lục chiến và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho hay: “Có một số hệ thống vũ khí mà tôi nghĩ Bộ Quốc phòng đã đến ngưỡng không còn sẵn lòng cung cấp cho Ukraine”.

Nguyên nhân là vì “chính phủ Mỹ cần duy trì kho dự trữ đáng kể để hỗ trợ các kế hoạch chiến đấu của riêng mình”, ông Cancian nhận định.

“Đối với một số vũ khí, Mỹ có thể để dùng cho xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan…; với số khác, đặc biệt là các hệ thống mặt đất, Mỹ có thể sẽ dùng để đối đầu Triều Tiên hoặc can thiệp tranh chấp tại châu Âu”, cựu đại tá Thuỷ quân cho hay.

Thế kẹt của quân đội Ukraine

Nếu Mỹ phải đảm bảo dự trữ vũ khí mà không cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ buộc phải thay thế một số vũ khí quan trọng bậc nhất với các dòng cũ và kém tối ưu hơn.

Chẳng hạn, khẩu lựu pháo 155 mm sẽ phải thay thế bằng khẩu lựu pháo 105 mm có trọng tải nhỏ hơn và tầm bắn ngắn hơn.

“Đó là một vấn đề lớn đối với binh sĩ Ukraine”, phó giáo sư Des Roches nói, bởi vì “tầm bắn rất quan trọng trong cuộc chiến này, đây là một cuộc chiến pháo binh”.

Các vũ khí khác mà Ukraine đang rất cần nhưng bị hạn chế nguồn cung từ Mỹ còn bao gồm bệ phóng HIMARS, tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa Stinger, lựu pháo M777 và đạn 155 mm.

Tên lửa Javelin - do Raytheon và Lockheed Martin sản xuất, đã gây được tiếng vang lớn trên chiến trường Ukraine, bởi khả năng xác định và phá huỷ xe tăng Nga.

Tuy nhiên, theo CSIS, sản lượng tên lửa Javelin của Mỹ hiện ở mức rất thấp, mỗi năm xuất xưởng khoảng 800 chiếc. Và Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 8.500 chiếc - hơn cả sản lượng của 10 năm.

Hồi tháng 5, ông Biden đã đến thăm một nhà máy sản xuất Javelin ở Alabama. Ông nói “sẽ đảm bảo Mỹ và đồng minh có thể bổ sung kho vũ khí để thay thế những gì đã gửi tới Ukraine”, nhưng lưu ý rằng “cuộc chiến này không hề rẻ”.

Lầu Năm Góc đã đặt hàng những chiếc Javelin mới trị giá hàng trăm triệu USD, song việc tăng sản lượng cần có thời gian bởi nhiều nhà cung ứng hoá chất và chip máy tính của Mỹ không thể cùng lúc nâng công suất.

Đồng thời, việc thuê, kiểm tra và đào tạo người phát triển công nghệ chế tạo Javelin cũng mất thời gian. Cựu đại tá Cancian nói Mỹ có thể cần 1 - 4 năm để tăng đáng kể sản lượng vũ khí nói chung.

Qua email tới CNBC, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bác bỏ nhận định nói nước này đã cạn kiệt nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn đang “phối hợp cùng ngành công nghệ vũ khí để nhanh chóng bổ sung lượng dự trữ bị mất đi”.

Lựu pháo M777 của Mỹ có tầm bắn xa và được cho là đã hỗ trợ cho Ukraine rất nhiều trong cuộc chiến. (Ảnh minh hoạ: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Ukraine còn những lựa chọn nào?

Hiện tại, Ukraine có thể tìm kiếm các nhà cung ứng ở nơi khác - chẳng hạn như Hàn Quốc. Seoul có năng lực sản xuất vũ khí đáng gờm và vào tháng 8 đã ký hợp đồng bán xe tăng cũng lựu pháo trị giá 5,7 tỷ USD cho Ba Lan.

Mặt khác, quân đội Ukraine cũng sẽ phải làm quen với các loại vũ khí thay thế kém tối tân hơn, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ của phương Tây.

Ông Jack Watling, một chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, tin rằng Ukraine vẫn còn có thể tự trang bị thêm nhiều vũ khí mà nước này cần.

Vị chuyên gia nói: “Ukraine vẫn còn đủ thời gian để xoay xở vũ khí trước khi vấn đề tăng sản lượng vũ khí trở nên cấp bách hơn”.

Theo ông Watling, Kiev có thể tìm kiếm một số loại đạn pháo từ những nước hiện không cần đến chúng ngay bây giờ hoặc có kho dự trữ sắp hết hạn sử dụng. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-va-chau-au-sap-het-vu-khi-de-vien-tro-cho-ukraine-202293016446754.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/