Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong sản xuất dầu thô và khí đốt

Mỹ vẫn là quốc gia sản xuất dầu thô và khí tự nhiên lớn nhất thế giới mặc dù các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ thấp hơn và buộc nước này phải cắt giảm sản lượng.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong sản xuất dầu thô và khí đốt - Ảnh 1.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong sản xuất dầu thô và khí đốt. Ảnh: Daily Sabah

Cuộc cách mạng đá phiến đã cho phép Mỹ sử dụng rộng rãi các phương pháp như bẻ gãy thủy lực và khoan ngang, khiến sản lượng dầu thô nước này tăng vọt từ mức trung bình hàng năm là 5 triệu thùng/ngày trong năm 2008 lên mức cao kỉ lục 13,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 28/2, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Tuy nhiên, do nhu cầu và giá dầu thấp gây ra bởi đại dịch COVID-19, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm xuống còn 11,6 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 8/5 và dự kiến sẽ đạt trung bình 11,7 triệu thùng/ngày vào năm nay.

Theo số liệu mới nhất dựa trên báo cáo thống kê về năng lượng thế giới của BP được công bố năm 2019, Mỹ vẫn đứng đầu về tổng sản lượng dầu thô và sản phẩm dầu toàn cầu với mức trung bình hàng năm là 15,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018.

Theo sau là Saudi Arabia với mức trung bình 12,2 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và Nga với mức trung bình 11,4 triệu thùng/ngày.

Nhập khẩu dầu thô giảm, xuất khẩu tăng

Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến Mỹ cắt giảm dần khối lượng nhập khẩu dầu thô trong những năm qua và bắt đầu hướng tới xuất khẩu.

Vào cuối năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kí thông qua đạo luật gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ được thực hiện ở nước này từ những năm 1970.

Kể từ đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng từ mức trung bình 591.000 thùng/ngày trong năm 2016 lên mức cao kỉ lục 3,71 triệu thùng/ngày vào tháng 2 năm nay, EIA cho biết.

Đối với nhập khẩu, Mỹ đã đạt kỉ lục 10,12 triệu thùng/ngày trong năm 2006 trước khi cuộc cách mạng đá phiến bắt đầu.

Tuy nhiên vào năm 2019, nhập khẩu dầu thô đã giảm xuống mức trung bình hàng năm là 6,79 triệu thùng/ngày và xuống mức thấp 5,81 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2019.

Mỹ tiếp tục nhập khẩu phần lớn dầu thô từ nước láng giềng phía bắc Canada, trung bình 3,81 triệu thùng/ngày vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Đông - nơi Mỹ nhập khẩu dầu thô từ Saudi Arabia với mức trung bình 500.000 thùng/ngày trong năm 2009, theo dữ liệu từ EIA. Nhưng con số này đã giảm đáng kể so với kỉ lục 1,7 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 1991 ngay sau Chiến tranh vùng Vịnh.

Mexico đứng thứ hai sau Saudi Arabia với lượng nhập khẩu của Mỹ đạt trung bình hàng năm là 600.000 thùng/ngày vào năm 2019.

Sản lượng khí đốt tăng vọt sau cách mạng dầu đá phiến

Kể từ cuộc cách mạng dầu đá phiến, sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng tăng vọt từ 21,1 Tcf (597,5 Bcm) trong năm 2008 lên 36,2 Tcf (1,02 Tcm) vào năm 2019, theo dữ liệu từ EIA.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới trong sản xuất khí đốt, trung bình khoảng 832 Bcm vào năm 2018, theo báo cáo thống kê năng lượng thế giới của BP.

Sản xuất khí đốt của Nga xếp thứ hai với 669 Bcm, Iran ở vị trí thứ ba với sản lượng là 239 Bcm.

Trong khi đó, Qatar - quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) thế giới trong hơn một thập kỉ, đã rơi xuống vị trí thứ 4 vào năm 2018 với 175 Bcm.

Canada vẫn là quốc gia cung cấp khí đốt hàng đầu của Mỹ. Năm 2019, nhập khẩu khí đốt của Mỹ từ Canada đạt tổng cộng 2,68 Tcf (75,9 Bcm), theo EIA.

Mỹ đã nhập khẩu LNG nhiều nhất từ Trinidad vào năm ngoái với trung bình 46,8 Bcf (1,32 Bcm), theo sau đó là Nigeria với 3,1 Bcf (87,8 Bcm) và Pháp với 2,6 Bcf (73,6 Mcm).

Xuất khẩu LNG tăng

Mỹ đã xuất khẩu nhiều khí đốt hơn so với nhập khẩu vào năm 2017 do xuất khẩu LNG và xuất khẩu bằng đường ống đến Mexico tăng trong khi nhập khẩu khí đốt từ Canada ít hơn.

Mỹ bắt đầu xuất khẩu LNG từ 48 tiểu bang lục địa, ngoại trừ Mexico, vào tháng 2/2016, khi nhà máy khí hóa lỏng Sabine Pass của công ty Cheniere Energy tại tiểu bang Louisiana vận chuyển lô hàng đầu tiên ra nước ngoài.

Kể từ đó, nhà máy Cove Point bắt đầu hoạt động ở Maryland và nhà máy Corpus Christi ở Texas bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm 2018.

Hai cơ sở xuất khẩu LNG khác, Cameron LNG ở Louisiana và Freeport LNG ở Texas, cũng được đưa vào hoạt động, trong khi nhà máy Elba Island LNG ở Georgia gần như đạt đủ công suất để xuất khẩu.

Theo dữ liệu EIA, xuất khẩu LNG của Mỹ chỉ đạt mức 3,3 Bcf vào tháng 2/2016 khi chỉ có một trạm đầu mối và tăng vọt lên mức kỉ lục gần 250 Bcf (7,1 Bcm) vào tháng 1/2020.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-tiep-tuc-dan-dau-trong-san-xuat-dau-tho-va-khi-dot-20200604110344149.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/