Mỹ sắp cấp vũ khí tầm xa mới cho Ukraine, Nga phải thay đổi hoặc chấp nhận tổn thất quân nhu

Mỹ dự kiến sẽ gửi một vũ khí tầm xa mới tới Ukraine, đáp lại lời thỉnh cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nga sẽ phải thích nghi với tình hình mới, hoặc có nguy cơ tổn thất nặng nề về quân nhu.

Quân nhân Ukraine đứng canh gác tại một khu vực gần Donetsk. (Ảnh: Reuters).

Mỹ dự kiến sẽ gửi một loại vũ khí tầm xa mới tới Ukraine. Như vậy, Tổng thống Joe Biden đã đáp lại lời kêu gọi của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về việc hỗ trợ các loại vũ khí có thể tấn công sâu vào phía Nga.

Giờ đây, quân đội Nga sẽ cần phải thích nghi với tình hình mới hoặc có nguy cơ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề, hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho hay.

Loại vũ khí mới - bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) - sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi khả năng tiếp cận của các tên lửa hiện được bắn từ hệ thống tên lửa pháo binh động cơ cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp trước đó.

Nếu GLSDB chính thức được đưa vào gói viện trợ vũ khí sắp tới của Mỹ, như Reuters đã đưa tin, nó sẽ có thể nhắm tới các tuyến tiếp tế của Nga ở phía đông Ukraine, cũng như một phần của bán đảo Crimea.

Điều này sẽ buộc Nga phải di chuyển quân nhu của mình ra xa tiền tuyến hơn, khiến binh lính của họ dễ bị tổn thương hơn cũng như sẽ làm phức tạp các kế hoạch tấn công sắp tới.

“Loại vũ khí mới của Mỹ có thể làm chậm đáng kể cuộc tấn công của Nga”, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận định. “GLSDB có thể ảnh hưởng rất nhiều đến diễn biến của cuộc chiến, hơn cả HIMARS”.

GLSDB là loại bom lượn dẫn đường bằng GPS có thể tấn công các mục tiêu khó tiếp cận như trung tâm chỉ huy. Được sản xuất bởi SAAB của Thuỵ Điển và Boeing của Mỹ, GLSDB kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) với động cơ tên lửa M26 - cả hai đều phổ biến trong kho vũ khí của Mỹ.

GLSDB chưa tương thích với HIMARS, nhưng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các bệ phóng mới, nguồn tin của Reuters cho hay. Washington có thể gửi GLSDB cho Ukraine sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, theo một tài liệu mà Reuters tiếp cận được.

 

Quân nhu của Nga lâm nguy?

Khi lần đầu gửi bệ phóng HIMARS cho Ukraine vào tháng 6 năm ngoái, Mỹ đã gửi kèm tên lửa có tầm bắn 77 km. Đó là một cú hích lớn cho quân đội Ukraine, cho phép nước này phá huỷ các bãi chứa đạn dược và cơ sở lưu trữ vũ khí của Nga.

Các chuyên gia quân sự cho rằng một khi Ukraine có được GLSDB, Nga sẽ cần phải dời quân nhu của mình đi xa hơn hơn nữa.

Chia sẻ với Reuters, nhà phân tích quân sự Ukraine Oleksandr Musiyenko cho hay: “Chúng tôi hiện chưa thể tiếp cận các cơ sở quân sự của Nga cách mình 80 km”.

“Nếu quân đội Ukraine có thể tiếp cận đến tận biên giới Nga hoặc bán đảo Crimea, thì tất nhiên khả năng binh lính Nga tấn công chúng tôi sẽ giảm bớt”, ông chỉ ra.

Quan trọng là Ukraine sẽ sớm có thể tiếp cận mọi điểm trên tuyến đường bộ tới Crimea qua Berdiansk và Melitopol. Tuyến đường này hiện vẫn đang bị Nga chiếm đóng.

Khi đó, Nga sẽ buộc phải chuyển hướng các xe tải tiếp tế tới cây cầu Crimea, vốn đã bị hư hại nặng nề trong một cuộc tấn công hồi tháng 10.

Ông Musiyenko nói thêm: “Nga đang sử dụng Crimea như một căn cứ quân sự lớn để gửi quân tiếp viện cho mặt trận phía nam. Nếu chúng tôi có loại vũ khí có thể tấn công họ từ khoảng cách 150 km, chúng tôi có thể tiếp cận và phá vỡ kết nối hậu cần của Nga với Crimea”.

Ngoài tác động về mặt hậu cần, việc chính quyền Tổng thống Zelensky bổ sung các loại vũ khí tầm xa hơn vào kho vũ khí của Ukraine có thể làm lung lay sự tự tin của Nga.

Ông Tom Karako, một chuyên gia về vũ khí và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết, GLSDB là “một bước thực sự quan trọng để quân đội Ukraine tiếp cận xa hơn và khiến lính Nga phải đoán già đoán non [chiến thuật sắp tới của mình]”.

Chưa có hệ thống ATACMS

Đối với chính quyền ông Biden, quyết định gửi GLSDB tới Ukraine là một bước đi nhằm đáp ứng yêu cầu của Ukraine về việc hỗ trợ hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn 297 km.

Cho đến nay, Washington vẫn từ chối cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại có thể gây leo thang cuộc xung đột.

GLSDB mặc dù không mạnh bằng ATACMS nhưng rẻ hơn, nhỏ hơn và dễ triển khai hơn. Loại vũ khí này rất phù hợp với mục tiêu hiện tại của quân đội Ukraine là làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Moscow và tạo ra lợi thế chiến thuật cho Kiev.

Tuy nhiên, ông Karako nói rằng có khả năng Ukraine sẽ nhận được một vũ khí tầm xa hơn nữa trong tương lai.

“Hết lần này đến lần khác, chúng ta đã thấy chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố họ chỉ hỗ trợ đến bước này chứ không hơn. Sau đó, khi tình hình thực tế xấu đi, Mỹ lại thấy họ cần phải giúp đỡ Ukraine nhiều hơn”.

Câu chuyện trên đã xảy ra với HIMARS, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và ngay trong tháng 1 năm nay là xe tăng Abrams.

Dù vậy, trọng tâm hiện tại là Mỹ sẽ cung cấp GLSDB cho Ukraine nhanh đến mức nào, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho hay. “Nếu Mỹ nhanh chân, điều này có thể sẽ thay đổi rất nhiều tình hình trên chiến trường”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-sap-cap-vu-khi-tam-xa-moi-cho-ukraine-nga-phai-thay-doi-hoac-chap-nhan-ton-that-quan-nhu-20232382227757.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/