Mỹ đồng ý gửi xe tăng chủ lực Abrams tới Ukraine trước đợt tiến công của Nga

Sau khi Đức tuyên bố viện trợ 14 xe tăng Leopard, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đồng ý đưa 31 xe tăng chủ lực M1A1 Abrams tới Ukraine nhằm giúp Kiev chống lại đợt tiến công mùa xuân của Nga.

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ trong một cuộc tập trận. (Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ).

Gói hỗ trợ 31 xe tăng M1A1 Abrams sắp tới đây sẽ là bước mở rộng tiếp theo của chương trình viện trợ trị giá 27 tỷ USD mà Mỹ đã cam kết dành cho Ukraine trong gần một năm kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát.

31 xe tăng sẽ đủ để lập thành một tiểu đoàn thiết giáp trong biên chế quân đội Ukraine. Phát biểu tại Phòng Roosevelt của Nhà Trắng hôm 25/1, Tổng thống Joe Biden cho biết số xe tăng này sẽ “tăng cường khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ lãnh thổ và đạt được những mục tiêu chiến lược”.

“Chuyển những xe tăng này ra chiến trường sẽ tốn thời gian. Chúng tôi sẽ dùng thời gian này để giúp cho phía Ukraine chuẩn bị sẵn sàng”, ông Biden nói.

Sau đó, Tổng thống Mỹ cho biết thêm: “Gói viện trợ này là để giúp Ukraine phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ Ukraine, đây không phải là mối đe dọa tấn công nhằm vào Nga”.

Xe tăng Abrams của Mỹ do tập đoàn General Dynamics sản xuất có ba phiên bản chính lần lượt là M1, M1A1 và M1A2, loại sau hiện đại hơn loại trước. Một chiếc M1A1 có trọng lượng khoảng 60 tấn, tốc độ di chuyển tối đa 72 km/giờ, cao 2,44 mét, rộng 3,66 mét, chiều dài thân (không kể nòng pháo chính) 7,93 mét.

Xe tăng được trang bị pháo chính nòng trơn 120 mm, một súng máy hạng nặng 12,7 mm, hai súng máy cỡ nòng 7,62 mm. Kíp chiến đấu gồm 4 người: Chỉ huy, pháo thủ, nạp đạn, và lái xe.

Xe tăng Abrams có mặt trong mọi cuộc chiến lớn mà Mỹ tham gia kể từ thập niên 1980 cho đến nay. 

M1A1 Abrams, Challenger 2 và Leopard 2 đều là các dòng xe tăng hiện đại bậc nhất hiện nay và rất ít khi bị quân địch phá hủy trên chiến trường. 

Trong gói hỗ trợ an ninh mới nhất trị giá gần 400 triệu USD đợt này, Mỹ cũng sẽ cung cấp 8 xe thiết giáp cứu hộ M88 để hỗ trợ cho các xe tăng M1A1 Abrams.

Chỉ vài giờ trước phát biểu của Tổng thống Mỹ, Đức tuyên bố sẽ gửi 14 xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời cho phép các quốc gia khác đưa xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới Ukraine.

Ukraine đã đề nghị đồng minh hỗ trợ xe tăng chủ lực hạng nặng trong nhiều tháng qua, Anh là nước đầu tiên đồng ý gửi 14 chiếc Challenger 2. Pháp tuyên bố sẽ viện trợ xe bọc thép AMX-10, Mỹ sẽ gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức đã cam kết gửi xe bọc thép Marder.

Ukraine và một số nước châu Âu đã kêu gọi đích danh Mỹ và Đức viện trợ các xe tăng chủ lực Abrams và Leopard nhưng hai cường quốc đều tỏ ra ngần ngại vì không muốn leo thang quân sự với Nga.

Mặt khác, các khí tài hiện đại như xe tăng Abrams và Leopard đòi hỏi các binh sỹ cần được đào tạo kỹ càng và hệ thống sửa chữa, bảo trì phức tạp mà Ukraine hiện không có. Vì vậy, trong thời gian tới, Mỹ và Đức sẽ cần tổ chức các khóa huấn luyện để giúp binh sỹ Ukraine vận hành các xe tăng mới một cách hiệu quả nhất trên chiến trường.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu cạnh một xe tăng Leopard 2, ngày 17/10/2022. (Ảnh: dpa, AP).

Khi nào Ukraine sẽ nhận được xe tăng từ Mỹ, Đức?

Washington dự định dùng 400 triệu USD trong gói hỗ trợ mới nhất đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt để mua các xe tăng Abrams cho Ukraine.

Ông John Kirby, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hôm 25/1 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ không có xe tăng để viện trợ cho Ukraine luôn và ngay.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là không có sẵn [xe tăng]”, ông Kirby nói, đồng thời cho biết thêm rằng “cho dù có sẵn xe tăng thì cũng sẽ phải mất nhiều tháng”. Ông cũng không cung cấp một thời gian biểu của quá trình viện trợ xe tăng cho Ukraine.

CNBC dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nói hôm 25/1: “Chúng tôi sẽ cần nhiều tháng chứ không chỉ vài tuần” để đưa xe tăng tới Ukraine.

Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã được giao nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ bảo dưỡng, hậu cần cho các xe tăng M1A1. Một quan chức Mỹ khác cho biết việc huấn luyện cách sử dụng xe tăng sẽ mất nhiều tháng và được tổ chức ở bên ngoài biên giới Ukraine.

Vấn đề lớn hiện nay là liệu Ukraine sẽ nhận được tổng cộng bao nhiêu xe tăng từ Mỹ, Đức và các đồng minh khác. Kiev tuyên bố cần hàng trăm xe tăng hạng nặng để chống lại quân Nga, đặc biệt là trong đợt tiến công được dự báo diễn ra vào mùa xuân sắp tới.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết mục tiêu của Đức là "nhanh chóng xây dựng hai tiểu đoàn gồm các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine". Trong giai đoạn đầu, Đức sẽ chuyển 14 chiếc Leopard 2 A6 từ biên chế của  Bundeswehr - Lực lượng vũ trang Đức.

Các nước châu Âu khác cũng sẽ chuyển Leopard 2 cho Ukraine sau khi Đức bật đèn xanh. Quá trình huấn luyện kíp chiến đấu người Ukraine sẽ sớm bắt đầu tại Đức. Mỹ và đồng minh sẵn sàng cung cấp vũ khí và trang thiết bị hiện đại, đồng thời tập huấn cho binh sĩ Ukraine cách sử dụng, nhưng không có binh sỹ phương Tây nào được phép đặt chân tới Ukraine.

Thông cáo chính thức của chính phủ Đức viết: "Gói hỗ trợ sẽ bao gồm chương trình huấn luyện cũng như thu xếp hậu cần, đạn dược và bảo trì hệ thống [cho xe tăng Leopard 2]".

Binh sỹ Ukraine đang được huấn luyện tại Anh trước khi trở về quê nhà chiến đấu với quân Nga. (Ảnh: Bộ Tổng Tham mưu Ukraine).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-dong-y-gui-xe-tang-chu-luc-abrams-toi-ukraine-truoc-dot-tien-cong-cua-nga-202312675212377.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/