Mỹ có lợi thế đặc biệt để dập lửa lạm phát, ít nước nào bì kịp

Các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy Mỹ vẫn đang phải chịu áp lực giá cả lớn, nhưng trên thực tế nền kinh tế số một thế giới có những đặc điểm lý tưởng để đánh bại lạm phát.

 

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Lạm phát của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 8, bằng chứng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy đây là con số đáng thất vọng, nhưng nhà kinh tế Dambisa Moyo tin rằng quyết tâm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chắc chắn sẽ dập được lửa lạm phát thông qua việc tiết chế nhu cầu. 

Triển vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đã giúp tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD, giúp giảm thiểu áp lực giá từ hàng nhập khẩu.

Nhưng đà tăng của lạm phát toàn cầu ngày nay không chỉ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước. Gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, tác động của chiến sự Nga-Ukraine tới giá năng lượng và lương thực, và chi phí lao động gia tăng đều đóng vai trò không nhỏ, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết. 

Những yếu tố nguồn cung trên nằm ngoài khả năng kiểm soát của Fed. Nhưng nền kinh tế Mỹ lại ở trong vị thế đặc biệt thuận lợi để vượt qua kiểu lạm phát này nhờ sự độc lập tương đối trong lĩnh vực thực phẩm và năng lượng, nguồn lao động nhập cư dồi dào, năng lực sản xuất mạnh mẽ và khả năng tiếp cận nguồn vốn cần thiết để duy trì và tăng cường hoạt động sản xuất trong nước.

Ưu thế lớn

Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng leo thang hơn châu Âu vì là nước xuất khẩu năng lượng ròng. Năm 2021, xuất khẩu năng lượng của Mỹ đạt 25,2 triệu tỷ đơn vị nhiệt Anh (Btu), cao hơn nhập khẩu năng lượng khoảng3,8 triệu tỷ Btu.

Và trong nửa đầu năm 2022, Mỹ xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngược lại, châu Âu nhập khẩu 58% năng lượng mà họ tiêu thụ vào năm 2020. Trên thực tế, toàn bộ 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đều là nước nhập khẩu ròng năng lượng kể từ năm 2013.

Tiền lương ở Mỹ tăng đáng kể trong những tháng gầy đây - một thước đo về chi phí lao động tăng 9,3% trong khoảng thời gian từ mùa hè năm 2021 đến tháng 6/2022. Tuy vậy, luồng lao động nhập cư mà Mỹ thu hút được đã phần nào triệt tiêu lạm phát tiền lương.

Một số nhà nghiên cứu đã tranh luận về ảnh hưởng của nguồn lao động nhập cư đối với tiền lương. Năm 2017, tạp chí Cato Journal đã phân tích các cuộc nghiên cứu và phát hiện rằng trung bình, số lượng người nhập cư tăng 10% thì tiền lương sẽ sụt giảm 2%.

Dù hiệu ứng này có độ trễ và lương không giảm trong ngắn hạn, số người nhập cư cao hơn rất có thể sẽ làm tăng nguồn cung lao động và hạ thấp lạm phát tiền lương theo thời gian.

Cuối cùng, Mỹ là nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, đóng góp khoảng 18% năng lực sản xuất toàn cầu. Lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 2.300 tỷ USD trong GDP của Mỹ, tuyển dụng 12 triệu nhân công, và đang trên đà phục hồi về 10 năm trước khi đại dịch ập đến. Theo McKinsey, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 1,3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong giai đoạn 2010-2019.

Khi COVID-19 xuất hiện, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nhập khẩu tăng cao trong khi các hộ gia đình Mỹ lại phụ thuộc lớn vào hàng tiêu dùng nhập khẩu. Do các hạn chế nguồn cung này, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ tiếp tục ưu tiên cho tính bền vững thay vì cắt giảm chi phí và đa dạng hóa, đồng nghĩa với việc họ sẽ đưa hoạt động sản xuất quay trở về Mỹ.

Xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất về nước (reshoring) có thể sẽ khiến chi phí lao động gia tăng trong một khoảng thời gian bởi lao động tại Mỹ nhận mức lương cao hơn những nước khác.

Nhưng dần dần, Mỹ sẽ tránh được sự biến động thất thường của giá cả do quá dựa dẫm vào nguồn cung tại nước ngoài. Năng lực sản xuất nội địa mạnh mẽ sẽ che chắn cho Mỹ trước cú sốc lạm phát bắt nguồn từ hàng nhập khẩu và do đó, reshoring sẽ làm giảm biến động giá và giảm thiểu lạm phát. 

Triển vọng lạc quan 

Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ có thể đang hạ nhiệt. Giá nhập khẩu của Mỹ (không tính thuế quan) đã giảm 1,4% trong tháng 7, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021.

Trong khi đó, lạm phát lõi (không kể năng lượng và lương thực) giảm còn 5,9% trong tháng 7 sau khi leo lên 6,5% vào tháng 3, trước khi tăng trở lại vào tháng 8. Tuy những áp lực giá này nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed, Mỹ có công cụ để giảm thiểu tác động của chúng.

Những điều trên không có nghĩa là chúng ta nên kỳ vọng lạm phát sẽ sớm quay trở về mục tiêu 2% của Fed. Nhưng chúng ta có thể dự kiến lạm phát sẽ ổn định quanh mức 4-6%. Triển vọng này có thể đem lại sự tự tin cho các dòng vốn.

Trên thực tế, nhìn từ góc độ đầu tư, hiếm có nền kinh tế nào có thể bì được với Mỹ: nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, quản trị hiệu quả, lịch sử nhập cư và đồng tiền dự trữ toàn cầu. Đây chính là bộ công cụ dập tắt lạm phát lý tưởng.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác lại phụ thuộc nhiều hơn hẳn vào nền kinh tế toàn cầu. Trong thế giới ngày nay, điều đó sẽ khiến những nước này càng dễ bị tổn thương bởi lạm phát.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-co-loi-the-dac-biet-de-dap-lua-lam-phat-it-nuoc-nao-bi-kip-202292182337341.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/