Mỹ áp thuế, Trung Quốc chuẩn bị kích thích kinh tế

Trung Quốc đang lên kế hoạch tăng cường kích thích kinh tế bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ đầu tư cơ sở hạ tầng tới khuyến khích các ngân hàng tăng vốn.

Reuters đưa tin, Hội đồng nhà nước Trung Quốc mới đây cho biết nước này dự định sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế thông qua các hoạt động đầu tư hạ tầng, phát triển vùng, đồng thời duy trì chính sách tiền tệ thận trọng với thanh khoản dồi dào "ở mức hợp lí".

Thông tin trên được công bố sau cuộc họp của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC) cuối tuần qua. Hội đồng nhà nước Trung Quốc khẳng định:

"Chúng tôi đặc biệt coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi công nghiệp truyền thống, các dịch vụ xã hội, và các vùng tăng trưởng mới".

Ủy ban FSDC do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu. Ông Hạc đồng thời là cố vấn thương mại cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình và là trưởng phái đoán đàm phán thương mại của Trung Quốc trong nhiều lần thương lượng với Mỹ.

Hội đồng nhà nước Trung Quốc còn khuyến khích các ngân hàng sử dụng các biện pháp cải tiến hơn để bổ sung vốn qua nhiều kênh khác nhau, tuy nhiên cơ quan này không nói cụ thể biện pháp gì.

Định hướng chính sách này được công bố chỉ một ngày trước khi đợt thuế quan bổ sung 15% mà Mỹ áp lên khoảng 110-120 tỉ USD hàng Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực ngày 1/9.

Cũng từ ngày 1/9, Trung Quốc đã áp thuế lên dầu thô và một số mặt hàng khác nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa. Theo kế hoạch, hai nước sẽ áp thuế quan đợt hai lên hàng hóa của nhau vào ngày 15/12.

Tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị áp thuế trong hai đợt là khoảng 75 tỉ USD, còn tổng giá trị hàng Trung Quốc bị áp thuế là 270 tỉ USD.

Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Trump công bố kế hoạch áp thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Sau đó, ông Trump quyết định không áp thuế với một số mặt hàng và hoãn thời điểm áp thuế một số mặt hàng khác tới ngày 15/12 để giảm tác động tiêu cực tới hoạt động mua sắm mùa lễ hội.

Hôm 23/8, Trung Quốc công bố kế hoạch đánh thuế 5-10% lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa, chỉ vài giờ sau ông Trump đã quyết định nâng thuế suất từ 10% theo thông báo trước đó lên thành 15%.

Dù không ai nhường ai và liên tiếp leo thang căng thẳng thương mại, hai bên vẫn nhất trí sẽ gặp nhau để đàm phán trong tháng 9 này.

Theo số liệu công bố ngày 31/8 vừa qua, hoạt động sản xuất đóng vai trò rất quan trọng của Trung Quốc đã có tháng suy giảm thứ 4 liên tiếp.

pmi tq

Các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hàng tháng của Trung Quốc. Chỉ số có giá trị trên 50 được đánh giá là tức cực hơn tháng liền trước, dưới 50 thể hiện sự suy giảm. Nguồn: Bloomberg.

Trong quí II, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,2% - mức thấp nhất trong 27 năm qua kể từ khi có số liệu so sánh.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại làm cho kinh tế giảm tốc, Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu tích hợp các chính sách tài khóa, tài chính và tiền tệ một cách hiệu quả hơn, cải cách thị trường vốn sâu rộng hơn và tiếp tục mở cửa khu vực tài chính.

Mới đây hôm 27/8, Hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố đồng loạt 20 biện pháp kích thích tiêu dùng trên rất nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thương mại điện tử, phân phối hàng hóa, nghỉ dưỡng, ... Các hàng hóa dù là phục vụ mục đích xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước cũng được yêu cầu phải có chất lượng ngang nhau.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-ap-thue-trung-quoc-chuan-bi-kich-thich-kinh-te-20190902110735666.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/