Muôn màu muôn vẻ qui định 'ngắt mạch' thị trường chứng khoán ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, ...

Các đợt bán tháo ồ ạt những ngày vừa qua đã khiến nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường. Trong tương lai, những sự kiện kiểu này có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Điểm khác biệt của các công cụ ngắt mạch thị trường tại các nước lớn - Ảnh 1.

Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: Getty Images

Từ Mỹ cho đến châu Á, các đợt bán tháo gần đây đã khiến nhiều công cụ ngắt mạch thị trường trên các sàn giao dịch được kích hoạt. Theo CNBC, trong tương lai, sự kiện hiếm thấy này có thể sẽ trở nên phổ biến trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tác động của COVID-19.

Riêng tại Mỹ, trong tuần này đã có hai lần thị trường phải tạm ngừng giao dịch 15 phút sau khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% - giới hạn đầu tiên để kích hoạt công cụ ngắt mạch. 

Nếu sau khi giao dịch trở lại chỉ số S&P 500 tiếp tục giảm quá ngưỡng 13%, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch 15 phút lần hai. Nếu sau đó chỉ số giảm quá 20%, thị trường ngừng giao dịch tới phiên hôm sau.

Các sàn giao dịch áp dụng biện pháp này nhằm ngăn chặn giá chứng khoán biến động quá mạnh. Ngắt mạch thị trường có thể được thực hiện dưới hình thức tạm ngừng mọi giao dịch, hoặc hạn chế mua và bán chứng khoán trong một khung thời gian nhất định.

Các khu vực pháp lí và sàn giao dịch chứng khoán khác nhau có những qui tắc riêng về công cụ ngắt mạch, như điều kiện kích hoạt và hiệu lực được áp dụng. Dưới đây là thông tin về công cụ ngắt mạch tại một số sàn giao dịch chứng khoán lớn tại châu Á.

Trung Quốc

Cả Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải và Sàn Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến đều tạm ngưng giao dịch trong 15 phút khi Chỉ số CSI 300 tăng hoặc giảm từ 5% trở lên so với ngưỡng đóng cửa ngày hôm trước.

Nếu sau đó chỉ số này tăng hoặc giảm từ 7% trở lên so với ngưỡng đóng cửa trước đó, hoạt động giao dịch sẽ bị ngừng cho đến hôm sau.

Các chứng khoán phải ngừng giao dịch khi công cụ ngắt mạch kích hoạt bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quĩ tương hỗ và một số loại trái phiếu.

Điểm khác biệt của các công cụ ngắt mạch tại các thị trường chứng khoán lớn - Ảnh 2.

Hong Kong

Tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, hiện công cụ ngắt mạch chỉ áp dụng cho các cổ phiếu cấu thành Chỉ số Hang Seng và Chỉ số Hang Seng China Enterprise.

Ở Hong Kong, việc áp dụng công cụ ngắt mạch được dựa trên "giá tham chiếu" - tức là giá chứng khoán được giao dịch 5 phút trước đó.

Nếu giá một chứng khoán tăng hoặc giảm 5% so với giá tham chiếu, thì trong vòng 5 phút sau khi công cụ ngắt mạch được kích hoạt, nó chỉ được phép giao dịch trong biên độ biến động cố định là 10%.

Từ tháng 5/2020, Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong sẽ mở rộng phạm vi áp dụng công cụ ngắt mạch cho hơn 500 cổ phiếu khác. Ngoài ra, giá tham chiếu kích hoạt "giai đoạn hạ nhiệt" sẽ được điều chỉnh theo vốn hóa thị trường.

Nhật Bản

Japan Exchange Group – công ty quản lí các sàn giao dịch chủ chốt của Nhật Bản áp dụng các qui định tạm dừng giao dịch với mọi hợp đồng tương lai, quyền chọn và các sản phẩm phái sinh có liên quan tới HĐ tương lai và quyền chọn.

Mỗi sản phẩm phái sinh đều có "phạm vi giới hạn giá" riêng. Nếu biến động giá vượt quá giới hạn này, công cụ ngắt mạch thị trường sẽ được kích hoạt, giao dịch bị tạm ngưng trong 10 phút.

Điều kiện và thời gian kéo dài của một số công cụ ngắt mạch sẽ được sửa đổi sau vài tháng một lần, dựa theo một công thức có tính đến xu hướng giá trong quá khứ.

Hàn Quốc

Tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, giao dịch của mọi chứng khoán được niêm yết (ngoại trừ chứng khoán nợ) sẽ bị tạm ngưng trong 20 phút nếu Chỉ số Kospi hoặc Chỉ số Kosdaq giảm hơn 20% so với giá đóng cửa ngày hôm trước.

Công cụ ngắt mạch chỉ có thể được kích hoạt một lần trong một ngày.

Ấn Độ

Công cụ ngắt mạch thị trường tại Ấn Độ được kích hoạt khi Chỉ số Nifty 50 hoặc Chỉ số Sensex vượt quá một số giới hạn qui định.

Nếu một hoặc cả hai chỉ số này tăng hoặc giảm quá 10%, 15% hoặc 20% so với mức đóng cửa ngày hôm trước, giao dịch trên thị trường sẽ bị tạm ngưng.

Tùy theo giới hạn nào bị phá vỡ, thị trường chứng khoán sẽ phải tạm dừng 15 phút, 1 giờ 45 phút, hoặc thậm chí là cả ngày. Hôm 13/3, thị trường Ấn Độ đã phải tạm ngừng giao dịch khi chỉ số Nifty 50 giảm quá ngưỡng 10%.

Singapore

Sàn Giao dịch Singapore áp dụng công cụ ngắt mạch thị trường đối với các cổ phiếu cấu thành Chỉ số Straits Times, Chỉ số Singapore MSCI và các chứng khoán khác – bao gồm các cổ phiếu và quĩ ETF đáp ứng được một số tiêu chí nhất định.

Giống Hong Kong, công cụ ngắt mạch ở Singapore được áp dụng dựa trên giá chứng khoán được giao dịch trong vòng 5 phút trước đó, hay còn gọi là "giá tham chiếu".

Nếu giá giao dịch tiềm năng một chứng khoán nằm ngoài "biên độ giá", nghĩa là thấp hơn hoặc cao hơn 10% giá tham chiếu của nó, công cụ ngắt mạch sẽ được kích hoạt.

Trong vòng 5 phút sau khi hạn chế được áp dụng, chứng khoán sẽ chỉ được giao dịch với mức giá nằm trong biên độ giá.

Indonesia

Indonesia vừa mới sửa đổi các qui định về công cụ ngắt mạch thị trường trong tuần này. Theo luật mới, giao dịch sẽ bị tạm ngưng trong vòng 30 phút nếu Chỉ số Jarkarta Composit giảm 5% hoặc hơn so với mức đóng cửa trước đó.

Trước khi có thay đổi này, Chỉ số Jarkarta Composite phải giảm từ 10% trở lên mới có thể khiến công cụ ngắt mạch thị trường được kích hoạt.

Thái Lan

Toàn bộ chứng khoán được niêm yết bị tạm ngừng giao dịch trong 30 phút khi Chỉ số SET giảm 10% so với mức đóng cửa ngày hôm trước. Nếu Chỉ số SET giảm 20% so với mức đóng cửa ngày hôm trước, giao dịch sẽ bị ngừng trong một tiếng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/muon-mau-muon-ve-qui-dinh-ngat-mach-thi-truong-chung-khoan-o-my-trung-quoc-nhat-ban-thai-lan--20200313185555653.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/