Mua cổ phiếu quỹ: Sẽ không… dễ như hiện hành

Tình trạng doanh nghiệp (DN) công bố mua cổ phiếu quỹ một cách thiếu trách nhiệm, mua làm giảm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường nhưng không thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ có thể sẽ chấm dứt khi Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi ban hành.

mua co phieu quy se khong de nhu hien hanh Hodeco ước lãi sau thuế 2018 gần 134 tỉ đồng, hủy phát hành ESOP và muốn mua 5 triệu cổ phiếu quỹ
mua co phieu quy se khong de nhu hien hanh

Mua cổ phiếu quỹ, DN phải giảm vốn điều lệ

Theo quy định hiện hành của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, việc mua cổ phiếu quỹ đến 10% tổng số cổ phần đang lưu hành của DN thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông và DN phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ khi tiến hành.

Theo quy định tại Điều 35, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình phải đáp ứng một số điều kiện, bao gồm: Có nghị quyết đại hội đồng cổ đông về việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, phương án mua lại, trong đó nêu rõ số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại.

Theo tinh thần của Dự thảo, DN sẽ chỉ được mua cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, mà không được thực hiện các nghiệp vụ mua lại cổ phần nhằm mục đích bình ổn giá hoặc các mục đích khác (ví dụ sử dụng cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân, thưởng…).

Chỉ các trường hợp mua lại cổ phiếu quỹ theo yêu cầu của cổ đông theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; hoặc mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu hay trường hợp công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ… thì mới không yêu cầu có nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua phương án và các yêu cầu khác về điều kiện mua cổ phiếu quỹ.

So với quy định hiện hành, Dự thảo luật có phần chặt chẽ hơn nhiều, khi hạn chế mục đích và thẩm quyền của ban lãnh đạo trong việc ra quyết định mua cổ phiếu quỹ.

Điểm mới này được xây dựng phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, Luật Doanh nghiệp quy định, trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất mua vào cổ phiếu quỹ, DN phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá lượng cổ phiếu mua vào.

Với quy định mới trong Dự thảo, việc thực hiện nghiệp vụ doanh nghiệp đứng ra mua lại cổ phiếu của chính mình với mục đích để bán cho một nhà đầu tư tiềm năng sẽ không thể thực hiện được.

Ngoài việc thay đổi về thẩm quyền ra quyết định mua vào cổ phiếu quỹ, công ty chứng khoán thực hiện, nguồn vốn mua cổ phiếu quỹ…, Dự thảo cũng yêu cầu về tình trạng tài chính DN mua cổ phiếu quỹ.

Cụ thể, công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình nếu đang có nợ quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán (trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phiếu quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, việc xác định nợ quá hạn được căn cứ vào báo cáo tài chính bán niên gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét);

Các DN đang trong giai đoạn chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn hoặc đang là đối tượng chào mua công khai, hay đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong vòng 6 tháng tính từ ngày báo cáo kết quả mua lại hoặc vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn…

Quan điểm từ thị trường

Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép hội đồng quản trị được quyết định mua vào đến 10% vốn điều lệ trong vòng 12 tháng và yêu cầu DN phải giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày kể từ khi kết thúc mua vào, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp đã mở ra ngoại lệ cho DN đại chúng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi không sử dụng điều khoản mở này.

Về vấn đề trên, đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, quy định hiện hành cho phép mua cổ phiếu quỹ có nhiều mục đích và trong thực tế, việc công bố mua cổ phiếu quỹ của DN cũng có hiệu quả nhất định.

Công ty này đặt vấn đề: nếu Dự thảo yêu cầu việc giảm vốn phải thực hiện ngay lập tức sau khi mua xong, trong khi điều kiện phát hành cũng rất chặt…, liệu có phù hợp hay không? Phải chăng nên nghiên cứu một quy định phù hợp hơn, ví dụ sau một khoảng thời gian nhất định phải thực hiện giảm vốn hoặc các quy định khác.

Trong một phản ánh khác đến Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho rằng, trong một số trường hợp, Công ty đàm phán được với đối tác nước ngoài để nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư; một số trường hợp khác lại phải thực hiện mua cổ phiếu quỹ để bán lại cho nhà đầu tư.

Như vậy, với quy định mới trong Dự thảo, việc thực hiện nghiệp vụ DN đứng ra mua lại cổ phiếu của chính mình với mục đích để bán cho một nhà đầu tư tiềm năng sẽ không thể thực hiện được.

Theo một số ý kiến, dự thảo Luật nên để không gian cho DN trong việc mua cổ phiếu quỹ bằng việc để ngoại trừ trường hợp mua cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng, mua để bán cho đối tác chiến lược…

Cùng với đó, nên quy định DN phải thực hiện giảm vốn điều lệ trong thời gian 6 tháng (hoặc 1 năm) kể từ khi hoàn thành mua cổ phiếu quỹ, thay vì yêu cầu thực hiện ngay sau khi hoàn tất giao dịch mua.

Theo Dự thảo, doanh nghiệp sẽ chỉ được mua cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, không được thực hiện các nghiệp vụ mua lại cổ phần nhằm bình ổn giá hoặc các mục đích khác.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mua-co-phieu-quy-se-khong-de-nhu-hien-hanh-109717.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/