Một loạt tỷ phú châu Á nằm trong hồ sơ Pandora, có cả những cái tên quen thuộc với doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam

Hồ sơ Pandora đã phơi bày các giao dịch tài chính bí mật của các tỷ phú, chính trị gia và nhà lãnh đạo trên thế giới.

Ngày 4/10, cả thế giới chấn động với thông tin được Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố với hàng triệu file hồ sơ chứa đựng bí mật tài chính của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị, doanh nhân.

Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) cũng là đối tác của ICIJ trong nỗi lực đưa các trang tài liệu của Pandora Papers ra ánh sáng, bao gồm 2,94 terabyte tệp tài chính bí mật lên tới hơn 11,9 triệu tài liệu và các hồ sơ khác. Những thông tin này đến từ 14 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thành lập, quản lý các công ty bảo hiểm và ủy thác tại các thiên đường thuế trên khắp thế giới.

Tỷ phú Nhật Bản - Masayoshi Son

Theo Asashi Shimbum, tỷ phú Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm CEO Softbank Group - phù thuỷ đỡ đầu cho các startup đang hoạt động tại Việt Nam như Grab, TikTok, WeWork, Lazada,... đã mua lại SAM Cayman tại đảo Cayman, nơi được coi là thiên đường trốn thuế vào năm 2009. Đây là một công ty con của Son Assets Management có trụ sở tại Tokyo do chính tỷ phú Son đứng đầu. 

Tỷ phú ngân hàng Nhật Bản xuất hiện trong hồ sơ Pandora cùng nhiều cái tên châu Á khác - Ảnh 1.

Tỷ phú ngân hàng Nhật Bản liên quan đến Hồ sơ Pandora. (Ảnh: Economics Times).

Vào tháng 10/2014, công ty con này đã mua lại một chiếc máy bay phản lực và ký hợp đồng với công ty Wilmington Trust của Mỹ thuê chiếc máy bay này, song Wilmington Trust lại có quyền sở hữu ủy thác chiếc máy bay.

Đại diện của Son cho biết thỏa thuận này không cấu thành việc sử dụng thiên đường trốn thuế vì thu nhập của công ty con được tính vào thu nhập của công ty mẹ có trụ sở tại Nhật Bản. 

Phía vị tỷ phú cũng nói rằng các hoạt động cá nhân của ông không đáng bị lên án. Theo đó, những hoạt động này dựa trên hướng dẫn của một số chuyên gia trong các lĩnh vực như luật, kế toán và các vấn đề thuế. 

Về việc cho thuê máy bay, lợi ích chính của việc sử dụng các thiên đường thuế là dễ dàng thành lập công ty và chi phí liên quan rẻ hơn. Theo Asashi Shimbum, một nguồn tin cho biết: "Mặc dù nó sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng máy bay, nhưng cũng có những lợi ích lớn từ vấn đề bảo trì cho việc cho thuê máy bay và đăng ký máy bay ở Mỹ."

Ông Masayoshi Son hiện là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SoftBank Group Corp, từng được Forbes vinh danh trong top 50 người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản lên tới 28,7 tỷ USD.

Tỷ phú Nepal - Binod Chaudhury

Ngoài ông Mayayoshi Son, một vài cái tên nổi bật trong giới nhà giàu châu Á cũng xuất hiện trong hồ sơ Pandora. Đáng chú ý là Binod Chaudhury - tỷ phú đô la duy nhất của Nepal, người xuất hiện trong danh sách của Forbes.

Tỷ phú ngân hàng Nhật Bản xuất hiện trong hồ sơ Pandora cùng nhiều cái tên châu Á khác - Ảnh 2.

Tỷ phú Binod Chaudhaury. (Ảnh: Arabian Business).

Theo dữ liệu liên quan Hồ sơ Pandora, ông Binod có nhiều tài sản và công ty trên lãnh thổ quần đảo Virginia thuộc Anh đứng dưới tên vợ và ba con trai: Nirvana, Varun và Rahul.

Gia đình Chaudhary đã đăng ký các công ty Cinnovation Incorporated, CG Hotels and Resorts Limited, Sensei Capital Partners Inc. tại quần đảo Virginia và CG Hospitality Holdings Global Pte Ltd tại Singapore.

Đại diện phía tỷ phú Binod và con trai ông tuyên bố rằng tất cả các khoản đầu tư nước ngoài lẫn trong nước của ông đều hợp pháp 

Tuy vậy, sau đó luật sư phía tỷ phú Binod cũng thừa nhận đã sử dụng kẽ hở trong Đạo luật thuế thu nhập của Nepal cho phép công dân sống ở nước ngoài hơn 183 ngày để đầu tư trên khắp thế giới.

Tỷ phú Ấn Độ - Anil Ambani

Bên cạnh đó, tỷ phú "phá sản" của ngành ngân hàng Ấn Độ, Anil Ambani cũng được ICIJ tiết lộ sở hữu 18 công ty nước ngoài tại các thiên đường trốn thuế như đảo Sýp, đảo Virgin và Jersey.

Trước đó, vào tháng 2/2020, sau một vụ tranh chấp với ba ngân hàng nhà nước Trung Quốc, ông Anil Ambani đã khai trước một tòa án ở London rằng giá trị tài sản ròng của ông bằng 0 và phủ nhận có bất kỳ tài sản hoặc lợi ích đáng giá nào trong bất kỳ tổ chức nào trên toàn thế giới. 

Ông Anil Ambani không phải là người Ấn Độ duy nhất xuất hiện trong hồ sơ Pandora. Ngoài Chủ tịch của Reliance Group, hiện tại còn có Chủ tịch hãng dược phẩm Biocon Kiran Mazumdar cùng chồng là ông John Shaw; doanh nhân Nirav Modi, Vinod Adani.

Trong khi đó, Trung Quốc xuất hiện cái tên Du Shuanghua - tỷ phú ngành thép với khối tài sản lên tới 1,3 tỷ USD. Tỷ phú Joseph Tsai, nhà đồng sáng lập Alibaba cũng là cái tên xuất hiện trong bản danh sách. Tuy sống ở Hong Kong nhưng ông Tsai lại có quốc tịch Canada.

Ông trùm thực phẩm Philippines - Joselito Campos Jr

Philippines là quốc gia Đông Nam Á ghi nhận nhiều cái tên liên quan đến Hồ sơ Pandora nhất, hiện tại đã có hơn 10 cái tên và tổ chức tại quốc gia này. Nổi tiếng có ông trùm thực phẩm Joselito Campos Jr, nhà sáng lập NutriAsia và là chủ sở hữu của Del Monte Pacific Limited.

Tỷ phú ngân hàng Nhật Bản xuất hiện trong hồ sơ Pandora cùng nhiều cái tên châu Á khác - Ảnh 3.

Doanh nhân người Philippines, Joselito Campos Jr. (Ảnh: Empirics Asia).

Pandora Papers tiết lộ rằng trong năm 2011 và 2015, ông Campos đã mua các tác phẩm nghệ thuật thông qua Montefalco Limited, một công ty có trụ sở tại Hong Kong. 

Hồ sơ Asiaciti cho thấy Montefalco đã tạo điều kiện cho việc mua tác phẩm nghệ thuật của Campos ở nước ngoài. Hai giao dịch, có thời điểm liên quan đến việc mua một bức tranh sơn dầu của Fernando Amorsolo, trị giá lần lượt là 150.000 USD và 160.000 bảng Anh.

Trong một email gửi tới PCIJ, Antonio Ungson, cố vấn pháp lý nội bộ của Del Monte Pacific Limited cho biết tỷ phú Campos là "một công dân bình thường và chỉ mua các tác phẩm nghệ thuật với tư cách cá nhân của mình". Ông Ungson nhấn mạnh rằng ông Campos không nhận được lợi ích gì từ Montefalco Limited.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-loat-ty-phu-chau-a-nam-trong-ho-so-pandora-co-ca-nhung-cai-ten-quen-thuoc-voi-doanh-nghiep-dang-hoat-dong-tai-viet-nam-20211005111419675.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/