Một công ty Trung Quốc sa thải hơn 60.000 nhân sự trong năm

Mất 90% giá trị thị trường, doanh thu giảm 80% và phải sa thải 60.000 nhân sự trong năm 2021, ông lớn dịch vụ dạy thêm Trung Quốc đang điêu đứng trước chính sách thắt chặt quản lý với các công ty công nghệ của Bắc Kinh.

Theo một tiết lộ mới nhất từ Bloomberg, New Oriental Education & Technology Group, một công ty thuộc lĩnh vực Edtech đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên kể từ khi Trung Quốc thắt chặt quản lý với các công ty công nghệ. Đây được xem là mức sa thải lớn nhất trong năm của một doanh nghiệp tư nhân. 

Yu Minhong, người sáng lập kiêm Chủ tịch ứng dụng dạy thêm lớn nhất Trung Quốc tiết lộ trong một bài đăng trên WeChat cuối tuần qua rằng công ty đã sa thải 60.000 công nhân vào năm 2021 và doanh thu giảm 80% sau khi chấm dứt tất cả các dịch vụ dạy kèm K-9. Vào tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc đã có những chính sách chấn chỉnh dịch vụ dạy thêm ở quốc gia tỷ dân này.

"Năm 2021, giá trị thị trường của New Oriental giảm 90%, doanh thu giảm 80% và 60.000 nhân sự bị sa thải," ông Yu viết trên tài khoản WeChat cá nhân của mình vào cuối tuần. 

"Chúng tôi đã trả gần 20 tỷ nhân dân tệ (3,1 tỷ USD) cho các khoản hoàn trả học phí, sa thải nhân viên, cũng như hủy bỏ hợp đồng thuê địa điểm giảng dạy", người sáng lập New Oriental cay đắng chia sẻ. Tuy vậy, New Oriental vẫn chưa phải lo lắng khi họ vẫn còn khoảng 50.000 nhân sự gồm cả giáo viên. 

Một công ty sa thải hơn 60.000 nhân sự trong năm - Ảnh 1.

New Oriental đã phải cắt giảm 60.000 nhân sự trong năm vừa rồi do các chính sách khắc nghiệt từ Bắc Kinh. (Ảnh: Sohu).

Từng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, New Oriental đã chứng kiến 90% giá trị thị trường bị xóa sổ vào năm ngoái sau khi Bắc Kinh cấm các công ty dạy thêm kiếm lợi nhuận và huy động vốn. 

Với việc thanh toán các khoản bồi thường thôi việc, hoàn trả học phí và hợp đồng thuê địa điểm giảng dạy đã khiến công ty này tiêu tốn gần 20 tỷ nhân dân tệ (3,1 tỷ USD.

Theo Bloomberg, tiết lộ mới nhất của ông Yu đã phơi bày sự khắc nghiệt của chính sách đối với lĩnh vực giáo dục sau giờ học của Trung Quốc - một thị trường có giá trị 100 tỷ USD vào thời kỳ hoàng kim.

Catherine Lim, nhà phân tích ngành cấp cao của Bloomberg Intelligence cho biết New Oriental và đối thủ TAL có thể chứng kiến khoản lỗ kéo dài đến năm 2024 khi chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả đối với các lớp học và lệnh cấm vào các buổi học cuối tuần, ngày lễ. 

New Oriental đã tìm cách tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp nhắm đến sinh viên đại học và thị trường Hoa kiều, đồng thời khám phá các lĩnh vực mới như livestream và bán các sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT. 

Theo Chủ tịch Yu, tìm ra hướng đi mới sẽ là trọng tâm vào năm 2022 của công ty, đồng thời nhà sáng lập New Oriental cho biết thêm rằng ông đã tham gia một buổi phát sóng trực tiếp kéo dài một giờ vào tuần trước và bán được gần 200.000 cuốn sách. 

Những thay đổi về quy định trong lĩnh vực Edtech đã phần nào thể hiện tác động của các chính sách từ phía Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ ở Trung Quốc. Điều này buộc những người chơi lớn phải thích nghi để tồn tại, họ tìm cách mở rộng các chương trình giảng dạy phi học thuật và cung cấp một số lớp học thêm miễn phí. 

Không chỉ riêng Edtech, nhiều lĩnh vực khác cũng phải chịu tác động. ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã sa thải ít nhất vài trăm người vào năm ngoái. TAL, đối thủ của New Oriental được cho là đã cắt 90.000 việc làm. 

Theo tờ Caixin, New Oriental nằm trong số ít nhất 10 công ty, bao gồm cả ByteDance và Yuanfudao do Tencent Holdings hậu thuẫn, đã có giấy phép hoạt động các lớp học trực tuyến.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-cong-ty-trung-quoc-sa-thai-hon-60000-nhan-su-trong-nam-20220111104508672.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/