Một con cá lội mấy người buông câu và hành trình rẽ lối vào bất động sản của đế chế bồn nước Tân Á Đại Thành

Sau khi đạt được những thành công nhất định trên thị trường cung cấp bồn đựng nước - một thị trường đã bước vào giai đoạn bão hoà, Tân Á Đại Thành đang cho thấy định hướng chuyển tài sản của mình vào các bất động sản.

Khoảng 7-8 năm trước, Tân Á Đại Thành nổi lên như một nhà cung cấp các giải pháp về nguồn nước tại Việt Nam, với những sản phẩm như bồn đựng nước, bình nước nóng, máy nước nóng năng lượng mặt trời.

Chiến dịch quảng cáo trên kênh sóng của VTV trong các khung giờ vàng với slogan nổi tiếng "Tân Á Đại Thành - Phồn vinh cuộc sống Việt", đã giúp những sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp được nhiều người tiêu dùng biết tới.

Tân Á Đại Thành: Đế chế bồn đựng nước gần 3 thập kỷ

Xét riêng mảng kinh doanh cung cấp các giải pháp về nguồn nước, đến nay Tân Á Đại Thành sở hữu trong tay hơn 30.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, hơn 300 chi nhánh trực thuộc cùng hệ sinh thái 9 dòng sản phẩm.

Theo thông tin tự công bố, Tân Á Đại Thành đang chiếm giữ thị phần số 1 trong mảng sản xuất bồn inox - bồn nhựa, bình nước nóng và bình nước nóng năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Ngoài sản phẩm kinh doanh chủ lực, Tân Á Đại Thành còn cung cấp các thiết bị ngành nước khác như: máy lọc nước, bồn tự hoại, ống nhựa Stroman, sen vòi, chậu rửa,...

Tập đoàn hiện đang sở hữu hệ thống 19 công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào. Các sản phẩm chính này đều được sản xuất tại Nhà máy Tân Á Đại Thành Hưng Yên - nhà máy lớn nhất của Tập đoàn với qui mô 10 ha, được đưa vào vận hành từ năm 2015 và CTCP Nhựa Stroman.

Hai công ty này là hai đơn vị quan trọng nhất, đóng góp phần lớn doanh thu cho Tập đoàn Tân Á Đại Thành trong gần 20 năm qua.

Theo số liệu chúng tôi có được, 4 năm gần nhất Tân Á Đại Thành Hưng Yên luôn ghi nhận doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng, tăng đều đặn qua các năm. Năm ngoái, Tân Á Đại Thành đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, rất bất ngờ là mức lãi sau thuế của Tân Á Đại Thành Hưng Yên chỉ đạt vài tỉ đồng mỗi năm. Năm ngoái, công ty ghi nhận 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) chỉ đạt 0,27%. Đây là tỷ suất thấp hơn nhiều so với con số 2,4% của CTCP Quốc tế Sơn Hà, doanh nghiệp hoạt động cùng ngành đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Đế chế kín tiếng đứng sau thương hiệu bồn nước Tân Á Đại Thành - Ảnh 2.

Riêng CTCP Nhựa Stroman Việt Nam cũng lựa chọn Hưng Yên là nơi đặt "đại bản doanh", được thành lập từ tháng 6/2010 chuyên sản xuất các ống nhựa và phụ kiện, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu nhanh qua các năm. 

Năm 2019 doanh nghiệp đạt mức doanh thu cao nhất, 256 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2018 và tăng gần 4 lần so với 3 năm trước đó. Song, cũng như Tân Á Đại Thành Hưng Yên, lợi nhuận của Nhựa Stroman là khá thấp trong những năm gầy đây. 

Riêng năm 2019, Nhựa Stroman có lãi 11 tỷ đồng trong khi năm liền trước công ty vẫn báo lỗ tới 17 tỷ đồng.

Đế chế kín tiếng đứng sau thương hiệu bồn nước Tân Á Đại Thành - Ảnh 3.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Stroman là 403 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 172 tỷ đồng; Tân Á Đại Thành Hưng Yên có tổng tài sản là 1.337 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 204 tỷ đồng.

Không khó để nhận ra, tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp như Tân Á Đại Thành hay đối thủ cùng ngành là Quốc Tế Sơn Hà cũng đã cho thấy sự chững lại đáng kể, khi hàng chục doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chia nhau "miếng bánh" thị trường bồn nước inox. 

"Một con cá lội mấy người buông câu" là thực tế kinh doanh tại Việt Nam những năm gầy đây. Cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn rất nhiều so với khoảng chục năm trước, khi thị trường vốn chỉ nằm trong tay một vài doanh nghiệp.

Để tiếp tục lớn mạnh, năm 2019, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã thực hiện tái cấu trúc. Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương đã góp vốn thành lập loạt pháp nhân mới như: CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Kim khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành - đơn vị sở hữu Tân Á Hưng Yên.

Trong đó, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập vào tháng 2/2019, với vốn điều lệ ban đầu 510 tỷ đồng đã nâng lên 1.657 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2020. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985) đảm nhiệm. Ông Chính là con trai của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương. 

Bước chân vào lĩnh vực bất động sản

Và mặc dù chỉ ghi nhận mức lợi nhuận khá khiêm tốn hàng năm, chủ doanh nghiệp Tân Á Đại Thành cho thấy nguồn lực tài chính khủng sau hàng chục năm tích luỹ. Điểm nhấn là sự xuất hiện của hương hiệu MeyLand.

Tháng 4/2019, CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng.

Trong đó bà Nguyễn Thị Mai Phương vẫn nắm số cổ phần lớn nhất với 45% vốn điều lệ; ông Nguyễn Minh Ngọc nắm 27%; ông Nguyễn Anh Tuấn nắm giữ 18% và bà Nguyễn Phương Anh nắm giữ 10% vốn điều lệ công ty.

Dù mới được thành lập, song Bất động sản Tân Á Đại Thành là một trong 12 nhà đầu tư có tên trong danh sách đủ năng lực tham gia đấu giá theo lô cổ phần Công ty Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang, được Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) thông báo.

Điểm hấp dẫn của HUD Kiên Giang đến từ việc đơn vị này sở hữu Khu du lịch sinh thái Bãi Chén - huyện Kiên Hải và Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn – huyện Phú Quốc. Dự kiến nếu muốn mua trọn cổ phần của HUD Kiên Giang, các nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền khoảng gần 1.200 tỷ đồng.

Trước đó, cũng liên quan tới bất động sản Phú Quốc, MeyLand đang đầu tư và phát triển dự án Meyhomes Capital Phú Quốc tại đây.

Đây là dự án đầu tay của CTCP Tập đoàn Bất động sản Tân Á Đại Thành, được đầu tư xây dựng tại thị trấn An Thới, Phú Quốc với quy mô 56,09 ha, gồm 1.435 căn hộ.

Tháng 9 năm nay, MeyLand đã bắt tay với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank), để MBBank đứng ra hỗ trợ tài chính (mua, chuyển nhượng, góp vốn,… ) cho các khách hàng của dự án Meyhomes Capital Phú Quốc.

Trước khi CTCP Tập đoàn Bất động sản Tân Á Đại Thành được thành lập, doanh nghiệp sản xuất bồn chứa nước Tân Á cũng đã đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác, đơn cử như dự án Khu Du lịch sinh thái Bãi Lữ tại Nghệ An.

Dự án Du lịch sinh thái Bãi Lữ tại Nghệ An có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, quy mô 51,7 ha thuộc địa phận hai xã ven biển Nghi Yên và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Meyland cho biết đang sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Nội, TP HCM, Phú Quốc, Nghệ An, Bình Thuận, Long An… với hơn 20 dự án đang triển khai. 

Theo số liệu cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này là 915 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 498 tỷ đồng. Con số này có thể sẽ còn tăng thêm nhiều vào cuối năm nay, đặc biệt là khi Tân Á Đại Thành gia nhập cuộc đua mở rộng quỹ đất thông qua phiên đấu giá HUD Kiên Giang.

Có thể nói, quyết định chuyển hướng đầu tư của Tân Á Đại Thành không quá khó hiểu. Bởi với nguồn lực của một doanh nghiệp gần 30 năm chiếm lĩnh trên thị trường, thực tế quy mô tài sản của Tập đoàn này vẫn còn rất nhỏ bé so với rất nhiều doanh nghiệp đi theo con đường kinh doanh bất động sản tại Việt Nam cùng thời như Nam Long hay nhiều cái tên mới nổi khác.

Thực tế, Tân Á Đại Thành cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng tiến sâu vào thị trường bất động sản. "Tầm nhìn của Tân Á Đại Thành là đưa Meyland phát triển trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Bất động sản tại Việt Nam", doanh nghiệp cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-con-ca-loi-may-nguoi-buong-cau-va-hanh-trinh-re-loi-vao-bat-dong-san-cua-de-che-bon-nuoc-tan-a-dai-thanh-20201215010652027.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/