Mở nhà hàng trong siêu thị nội thất, chuỗi bán lẻ tăng trưởng gấp đôi

Chuỗi bán lẻ Crate & Barrel hợp tác với tập đoàn nhà hàng Cornerstone để triển khai một nhà hàng bên trong siêu thị của họ. Sáng kiến ấy khiến tốc độ tăng trưởng và số lượt khách vào siêu thị đều tăng gấp đôi.

Đối với các thương hiệu bán lẻ mới hoặc cũ, kỳ vọng của người tiêu dùng tiếp tục nâng cao. Và những ngày này, kì vọng của họ - chịu ảnh hưởng lớn từ Amazon - là thương mại điện tử tiện lợi, trải nghiệm xuyên suốt và vận chuyển nhanh, miễn phí.

Làm thế nào để nhà bán lẻ thôi thúc người mua hàng rời khỏi nhà của họ? Đó là một thách thức nữa. Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng nhất cũng hiểu người mua chỉ vào cửa hàng, siêu thị khi họ có cơ hội trải nghiệm những thứ mà họ không thể có ở nơi khác.

3 giám đốc điều hành thuộc Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ khẳng định nhiệm vụ dường như không thể đó không phải quá khó khăn. Họ đưa ra ba lời khuyên về cách để các nhà bán lẻ có thể dẫn đầu nền kinh tế trải nghiệm ngày nay, theo INC.

Mở nhà hàng trong siêu thị nội thất

Neela Montgomery, giám đốc điều hành của nhà bán lẻ Crate & Barrel, hiểu rằng việc công ty đã tồn tại 58 năm không có nghĩa là tương lai của nó sẽ ổn định trong 58 năm tới. Vì thế, Crate & Barrel đã thử nghiệp những cách mới để đưa khách hàng vào các chuỗi siêu thị nội thất và đồ gia dụng của họ.

Năm ngoái, Crate & Barrel hợp tác với tập đoàn nhà hàng Cornerstone để triển khai một nhà hàng bên trong siêu thị của họ. Neela Montgomery tiết lộ rằng sáng kiến ấy khiến tốc độ tăng trưởng và số lượt khách vào siêu thị đều tăng gấp đôi.

Nữ giám đốc cũng nhận định rằng, bằng việc bỏ ý tưởng công ty nên vận hành dịch vụ đăng kí quà cưới và thay thế bằng giải pháp để một doanh nghiệp khác vận hành dịch vụ, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đã tăng vọt.

Mở nhà hàng trong siêu thị nội thất, chuỗi bán lẻ tăng trưởng gấp đôi - Ảnh 1.

Một siêu thị nội thất của thương hiệu Crate & Barrel. Ảnh: Crate & Barrel

Đăng kí quà cưới là một tập tục thú vị ở Mỹ, theo đó một đôi uyên ương sắp cưới thường công bố danh sách những món quà mà họ muốn để những khách mời có thể tặng. Đôi uyên ương có thể tự công bố danh sách, hoặc nhờ một doanh nghiệp công bố. Thông thường, khách mời sẽ mua luôn sản phẩm của công ty công bố danh sách để làm quà cưới.

"Quan điểm của tôi là chúng ta nên tìm những mối quan hệ hợp tác có thể đáp ứng những xu hướng mới khiến bạn cảm thấy bất an. Sự bất an sẽ khiến bạn phải suy nghĩ. Đó là những yếu tố rất lành mạnh đối với mọi nhà bán lẻ", Neela Montgomery phát biểu.

Không hứa hẹn sự hoàn hảo

Rent the Runway, một doanh nghiệp cho thuê trang phục, lâm vào cảnh khốn khó trong mùa thu năm ngoái, khi những thay đổi trong vận hành dẫn tới những vấn đề của chuỗi cung ứng khiến khách hàng không thể nhận trang phục thuê đúng hạn. 

Những khách hàng giận dữ tràn lên mạng xã hội để phàn nàn về tình trạng chậm giao trang phục, và giám đốc điều hành Jennifer Hyman đã phải phản hồi trực tiếp khách hàng trên mạng xã hội Twitter.

Mở nhà hàng trong siêu thị nội thất, chuỗi bán lẻ tăng trưởng gấp đôi - Ảnh 2.

Một nhà hàng trong siêu thị nội thất Crate & Barrel. Ảnh: INC

Jennifer giải thích rằng công ty đã quyết định giải thích cặn kẽ với khách hàng về thực trạng đang diễn ra và bồi thường cho những người nhận trang phục muộn.

"Tôi nghĩ đó là kiểu quan hệ với khách hàng mà các doanh nghiệp nên có. Đó là mối quan hệ mà chúng tôi không hứa hẹn sự hoàn hảo", Jennifer thổ lộ.

Đầu tư vào tương lai, không sao chép đối thủ

Ron Johnson, giám đốc điều hành công ty bán lẻ Enjoy, nhận định rằng khi khách hàng thấy một thứ sao chép, họ sẽ coi thường nó. Một ví dụ về sao chép ý tưởng mà ông nêu ra là chuyện Microsoft mở cửa hàng bán lẻ giống hệt cửa hàng của Apple. Họ thường khai trương cửa hàng ngay gần hoặc đối diện với cơ sở của "Táo khuyết" trên phố. 

Enjoy chuyên phái nhân viên bán hàng tới nhà người dân để giải thích và cài đặt những sản phẩm công nghệ như điện thoại, tivi. Trước khi sáng lập Enjoy, bản thân Ron từng là giám đốc một công ty khác và ông đã giúp Apple thành lập các cửa hàng bans lẻ từ năm 2000 tới tận năm 2012.

Giám đốc Enjoy nhận định phần lớn nhà abns lẻ chi tiền cho những thứ không mang lại lợi thế và cũng không tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.

"Khi tôi làm việc với Apple, cố tỉ phủ Steve Jobs đã nói một câu rất thú vị. Ông nói: Tôi chi tiêu doanh thu của Apple khác biệt như thế nào? Làm thế nào tôi có thể chi tiêu hiệu quả hơn?", Ron kể.

Theo Ron, đó là một bài học đối với những nhà bán lẻ. "Mọi đồng USD mà chúng ta chi tiêu nên được đầu tư vào một thứ mới, hoặc tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai", ông nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mo-nha-hang-trong-sieu-thi-noi-that-chuoi-ban-le-tang-truong-gap-doi-20200114235408192.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/