Microsoft từng cài gián điệp vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Nokia?

Trước khi trở thành CEO Nokia vào năm 2010, Stephen Elop từng là người của Microsoft.

Cách đây tròn 8 năm, Microsoft đã mua lại mảng sản xuất điện thoại của Nokia vào năm 2013 trong một thoả thuận trị giá 7 tỷ USD. Đó là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành di động thế giới bởi Nokia là một tượng đài trong ngành và việc mua lại đã cho phép Microsoft tiếp cận với rất nhiều bằng sáng chế và kiến thức chuyên môn liên quan.

Thật không may, lịch sử lại cho thấy cả Nokia và Microsoft đã thất bại trong việc phát triển một hệ điều hành di động riêng, đủ sức cạnh tranh với Android và iOS trong một thời gian dài.

Năm 2017, Microsoft tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường smartphone. Công ty mới chỉ quay lại vào năm ngoái với sản phẩm Surface Duo chạy Android. Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác Microsoft/Nokia và thoả thuận cuối cùng của hai gã khổng lồ đã làm dấy lên một thuyết âm mưu, theo Android Authority.

Microsoft từng cài gián điệp vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Nokia? - Ảnh 1.

CEO Microsoft Steve Ballmer (trái) và CEO Nokia Stephen Elop trong buỗi ra mắt một chiếc Windows Phone. (Ảnh: Android Authority).

Gián điệp của Microsoft ở Nokia?

Một thuyết âm mưu nổi tiếng cho rằng CEO Nokia lúc bấy giờ là ông Stephen Elop là một gián điệp do Microsoft cài vào. Thuyết âm mưu này đã xuất hiện trước khi Microsoft mua lại Nokia.

Một khách mời tham dự MWC 2011, nơi mà Microsoft và Nokia công bố mối quan hệ hợp tác đầu tiên, đã hỏi Elop rằng liệu ông có phải là một "con ngựa thành Troy" hay không? CEO Nokia khi ấy đã phủ nhận điều này và nói rằng toàn bộ đội ngũ lãnh đạo Nokia quyết định đồng hành cùng Microsoft.

Tất nhiên chẳng có ý nghĩa gì khi một người ngoài cuộc hỏi câu hỏi trên. Song từ năm 2011, chính những nhân viên Nokia đã đưa ra thảo luận vấn đề này. Tờ Global Post lần đầu đưa tin về nghi vấn trên vào tháng 10/2011 (hơn 8 tháng sau khi Nokia và Microsoft hợp tác phát triển Windows Phone), trong một bài viết có tựa: "Nhân viên Nokia thắc mắc liệu CEO của họ có phải là người của Microsoft hay không?"

"Tôi nghĩ rằng Microsoft sẽ đợi giá cổ phiếu của Nokia giảm thêm một chút nữa rồi sẽ mua lại", một nhân viên Nokia cho biết vào thời điểm đó. Tất nhiên điều này cuối cùng đã xảy ra vào năm 2013.

Microsoft từng cài gián điệp vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Nokia? - Ảnh 2.

CEO Nokia trong ngày ra mắt một chiếc Lumia chạy Windows Phone. (Ảnh: Reuters).

"Tôi thấy rất đáng ngờ", một nhân viên Nokia khác nói. "Nếu ông ta (Elop - NV) muốn tốt cho công ty, tại sao ông ta lại cố gắng phá huỷ nó và khiến giá cổ phiếu đi xuống? Có rất nhiều thuyết âm mưu ở đây". "Đôi khi thật khó để biết lòng trung thành của ông ấy nằm ở đâu", một cựu nhân viên khác nói vào thời điểm đó.

Những bình luận này được đưa ra chỉ sau vài tháng khi Elop công bố một bản thông báo nội bộ choáng váng khi cho rằng Nokia đang lụi tàn. Elop đã được tuyển thẳng vào Nokia khi trước đó ông là người đứng đầu bộ phận kinh doanh Microsoft Office của gã khổng lồ Windows.

Công bằng mà nói, giai đoạn này, Nokia đang đứng trước hai ngã rẽ. Hệ điều hành di động Symbian của họ là một mớ hỗn độn cũ nát, không được thiết kế với tính năng kết nối ngay từ đầu. Công ty cũng đã thử làm việc trên nền tảng MeeGo nội bộ đầy tham vọng nhưng cuối cùng cũng sụp đổ.

Elop không phải là con ngựa thành Troy

Thật sự có một thuyết âm mưu ở đây hay không? Ngoài câu trả lời bên trên từ chính Elop, có lẽ câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi này có thể được tìm thấy qua một cuốn sách được viết bởi hai nhà báo Phần Lan vào năm 2014 - "Chiến dịch Elop". Hai nhà báo Pekka Nykänen và Merina Salminen đã ghi lại rất nhiều cuộc phỏng vấn và được chứng kiến tận mắt những gì xảy ra tại Nokia trong những ngày tháng đó.

"Sau hơn 100 cuộc phỏng vấn, chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng: Câu chuyện về thuyết âm mưu liên quan tới Elop hoàn toàn không có cơ sở nào", hai nhà báo này viết.

"Elop không phải là con ngựa thành Troy. Microsoft đã không cài cắm ông vào Nokia với mục đích sau này mua lại mảng điện thoại với giá rẻ. Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi không chỉ ra dấu hiệu nào. Không có, bất cứ điều gì có thể gợi ý rằng câu chuyện này là khả thi", nội dung trong cuốn sách cho biết.

Các nhà báo nhấn mạnh rằng thuyết âm mưu là vô lý bởi Elop đã được chọn bởi một hội đồng quản trị của Nokia. Hơn thế nữa, một số nhân vật lớn trong Microsoft lúc đó như Bill Gates hay CEO tương lai Satya Nadella bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước ý định thâu tóm Nokia ngay từ đầu.

Tuy nhiên, cuốn sách gợi ý rằng Elop ở nhiều khía cạnh, là một CEO tồi nhất thế giới, nếu không muốn nói là tồi tệ nhất. Các tác giả lưu ý rằng Nokia được định giá 29,5 tỷ euro một ngày trước khi Elop trở thành CEO và 11,1 tỷ euro khi nó được bán lại cho Microsoft.

Họ cũng chỉ trích cách tiếp cận cứng nhắc của Elop thay vì cách tiếp cận đa hướng cho smartphone như chúng ta từng thấy trên Samsung - công ty đã sản xuất cả điện thoại Android, Windows Phone lẫn Bada.

Mặc dù vậy, một hành động khác của những người có liên quan lại đặt ra nghi vấn về tính xác thực của giả thuyết này. Cụ thể, sau khi Microsoft bán quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho HMD Global, HMD đã ngay lập tức chấm dứt hợp tác với Elop. 

Khi đang làm việc trong một ấn phẩm khác, tình cờ phóng viên của Android Authority khi đó đã gặp CEO HMD Arto Nummela và hỏi suy nghĩ của ông này về thuyết âm mưu năm xưa. "Tôi không thể bình luận. Bạn sẽ phải hỏi Stephen Elop", Mummela cười nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/microsoft-tung-cai-gian-diep-vao-bo-may-lanh-dao-cao-nhat-cua-nokia-20210913170154674.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/