Mất hết tiền khi đầu tư vào nông nghiệp, Chủ tịch iBosses nói về 'hạnh phúc kiểu khác' sau thất bại trong kinh doanh

Chủ tịch Công ty iBosses nói rằng dù mất hết tiền do đầu tư vào nông nghiệp, ông vẫn yêu nông nghiệp vô cùng, vì đó là lĩnh vực mang đến cho ông tình yêu và đam mê.

"Khi khó khăn nhất, nếu các bạn vẫn còn nuôi một giấc mơ, viễn cảnh của các bạn sẽ vẫn còn sáng sủa. Rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh nếu con người không dám mơ", ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBosses, phát biểu trong một buổi tọa đàm gần đây.

Mất hết tiền vì nông nghiệp nhưng vẫn yêu

Ông Hòa từng sống và làm việc ở nước ngoài trước khi về nước. 10 năm sau khi về nước, ông dồn hết vốn liếng mà ông tích cóp ở nước ngoài vào nông nghiệp để rồi mất trắng.

"Mọi dự án đầu tư vào nông nghiệp của tôi đều lỗ - từ gà, gạo tới hoa anh đào - và tôi mất hết tiền. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn yêu nông nghiệp vô cùng. Tôi chưa bao giờ thù ghét nông nghiệp vì tôi mất tiền. Tình yêu và đam mê sẽ tạo ra niềm tin cho con người, và hạnh phúc nằm ở chỗ ấy", ông thổ lộ.

Chủ tịch iBosses Việt Nam nhấn mạnh rằng, trong tình cảnh khó khăn, nếu doanh nhân từ bỏ giấc mơ, đam mê, họ sẽ mất tất cả.

"Chừng nào vẫn còn ước mơ và đam mê, các bạn vẫn chưa mất tương lai", ông nhắc lại.

Từng là Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược của Tập đoàn VNPT, Nguyễn Hữu Thái Hòa hiện đã quyết tâm rời các tập đoàn lớn, quay về chỉ làm một công việc duy nhất là xây dựng cầu nối và một hệ thống khởi nghiệp bài bản cho Việt Nam.

Ông hiện là Chủ tịch Công ty iBosses Việt Nam với “Chương trình đào tạo, tư vấn và phát triển doanh nhân Việt Nam” qua việc mua lại toàn bộ bản quyền tri thức của Tập đoàn iBosses Singapore.

Chia sẻ về lý do lựa chọn khởi nghiệp để dồn mọi tâm huyết trong những năm tháng tới, Nguyễn Hữu Thái Hòa khẳng định đây là con đường ngắn nhất tạo ra động lực thay đổi Việt Nam.

"Nhiều người nghĩ rằng tôi điên khi theo đuổi giấc mơ như vậy", ông thổ lộ trong buổi tọa đàm.

Giấc mơ tạo ra hàng trăm mô hình giống Uber

Trong một sự kiện năm 2018, ông Hòa nhận định khi các ngành nghề như công nghiệp nặng đã diễn ra quá lâu, việc khởi nghiệp sẽ có tác dụng đẩy các bạn trẻ vào những thị trường ngách, những chỗ nhỏ nhất để tạo ra tài sản. Ông lấy ví dụ về sự thành công của Uber khi công ty này xâm nhập thị trường Việt Nam, tạo ra một phần mềm trên nền tảng có sẵn của xe ô tô, các hãng taxi và rõ ràng “giải pháp của họ đã đánh bại tất cả”.

Vị chủ tịch Bosses Việt Nam kì vọng rằng, tinh thần của Uber sẽ đi vào Việt Nam một cách bài bản thông qua chương trình của iBosses, có tác dụng tạo ra hàng trăm loại Uber khác trong mọi doanh nghiệp: “Tôi hay nói đùa là chúng ta sẽ có những ‘Uber đánh giày’, ‘Uber đồng nát’, ‘Uber mua rau mua thịt mua cá’, tất cả những gì đang có trong đời sống hàng ngày”.

Theo ông, đây là xu thế mới và chắc chắn tạo ra quyết tâm thay đổi cho khởi nghiệp Việt Nam. Khởi nghiệp hiện nay đang được đầu tư rất nhiều tiền nhưng hệ thống hóa và bản chất cũng như khung khoa học về khởi nghiệp đang rất rối loạn và “mọi người đang loạn lên để làm khởi nghiệp”.

Mất hết tiền khi đầu tư vào nông nghiệp, Chủ tịch iBosses nói về 'hạnh phúc kiểu khác' sau thất bại trong kinh doanh - Ảnh 1.

Hiện tại ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chỉ làm một công việc duy nhất là xây dựng cầu nối và một hệ thống khởi nghiệp bài bản cho Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hữu Thái Hòa

Trăn trở về thực trạng hiện nay, ông khẳng định: “99% các dự án khởi nghiệp chết yểu và hiện tại, đầu tư tiền tỉ vào các dự án này cũng như đầu tư vào niềm tin của những người khởi nghiệp kiểu này rất dễ mất tiền”.

Chủ tịch iBosses Việt Nam chỉ ra ba lí do chính các dự án khởi nghiệp không thành công. Thứ nhất, họ không có sự đầu tư bài bản và vấn đề không phải là đầu tư tiền mà là đầu tư về con người và chuyên gia. “Khi các bạn không có hệ thống đầu tư về chuyên gia và nguồn nhân lực, các bạn chết là chắc”, ông Hòa nhận định.

Lí do thứ hai là các dự án không được tiếp cận với các nền công nghiệp, những nơi đặt đầu bài cho sản phẩm, cho nên ngay cả khi đã có những sản phẩm rất tốt nhưng lại không có cầu nối đưa đến đúng tay người cần.

Toàn bộ hệ thống xã hội và chính trị Việt Nam đang nhìn những người khởi nghiệp qua các cuộc thi, họ đã “đẩy các bạn đi thi nhưng khi rớt thì các bạn tự chịu, không có cầu nối để đỡ đần”. 

Thực tế ấy, theo ông Hòa, rất khác so với Singapore hay Mỹ do ở các nơi đó, từ các giáo sư bậc đại học cho đến các tập đoàn thế giới đều ủng hộ mạnh mẽ các dự án.

Yếu tố thứ ba liên quan tới vai trò của Nhà nước và việc tạo ra một thước đo về khởi nghiệp. Bộ Khoa học và công nghệ hiện đang viết lại chương trình về khởi nghiệp và với khung của iBosses, tương lai kỳ vọng sẽ tạo ra được một tiêu chuẩn Việt Nam về khởi nghiệp.

Khi đó, thông tin, thước đo về khởi nghiệp sẽ có và khởi nghiệp sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn đó, qua từng mức độ, “bản thân các bạn khởi nghiệp sẽ tự tin hơn và quan trọng hơn cả, nhà đầu tư sẽ biết thu được gì sau khi bỏ tiền vào”.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mat-het-tien-khi-dau-tu-vao-nong-nghiep-chu-tich-ibosses-noi-ve-hanh-phuc-kieu-khac-sau-that-bai-trong-kinh-doanh-2020070907553791.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/