Loạt sai phạm sử dụng đất sau cổ phần hóa, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.360 tỉ đồng, thu hồi 760ha đất

KTNN kiến nghị Chính phủ xử lý tài chính 1.368,8 tỉ đồng, bao gồm các khoản tăng thu 577,6 tỉ đồng và xử lý tài chính khác 791,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, xử lý, xem xét thu hồi đất nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật 7.591.427 m2 đất (tương đương hơn 759,1 ha) và 3 thửa đất trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương...

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 – 2017.

Theo đó, về việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, KTNN kết luận, nhiều trường hợp không xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất (PASDĐ) khi cổ phần hóa, một số doanh nghiệp không lập PASDĐ theo quy định nhưng vẫn được phê duyệt phương án cổ phần hóa; mặt khác, không ít trường hợp DN đã xây dựng PASDĐ nhưng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Loạt sai phạm sử dụng đất sau cổ phần hóa, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.360 tỉ đồng, thu hồi 760ha đất - Ảnh 1.

Loạt sai phạm sử dụng đất sau cổ phần hóa, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.360 tỉ đồng, thu hồi 760ha đất. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, xây dựng PASDĐ khi hồ sơ pháp lý về đất đai chưa đảm bảo; PASDĐ được phê duyệt chưa đầy đủ diện tích đất DN đang quản lý, sử dụng.

Ngoài ra, xây dựng và phê duyệt PASDĐ không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà đất được duyệt; không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; PASDĐ không nêu rõ hình thức sử dụng đất sau cổ phần hóa; xây dựng và phê duyệt PASDĐ sau thời điểm xác định giá trị DN.

Đối với các DN trước đây được nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, phải chuyển sang thuê đất và phải nộp tiền thuê đất theo quy định của Luật đất đai 2003; sau cổ phần hóa được thuê đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, trong đó bao gồm đất giao khoán ổn định lâu dài cho các hộ nông trường viên theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 04/01/1995 (Quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các DNNN) khi thực hiện truy thu tiền thuê đất theo quy định còn khó khăn, vướng mắc.

KTNN chỉ ra trường hợp cụ thể đó là tại Yên Bái, đối với diện tích 3.481.068,8 m2 đất trồng cây lâu năm của Công ty CP chè Nghĩa Lộ, theo báo cáo địa phương, việc truy thu tiền thuê đất trồng chè (đất nông nghiệp trồng cây lâu năm) của DN từ năm 2014 (thời điểm hết ưu đãi đầu tư) gặp vướng mắc do trong quá trình quản lý và sử dụng, DN đã giao khoán ổn định 50 năm cho 680 hộ nông trường viên làm Chè với diện tích giao khoán 388,207 ha và toàn bộ giá trị vườn chè Công ty đã bán cho các hộ dân và thu hồi vốn năm 2002.

Mặt khác, trong phương án cổ phần hóa DN, toàn bộ diện tích đất trồng chè đã giao khoán ổn định cho nông trường viên không xác định vào giá trị DN khi thực hiện cổ phần hóa năm 2000. Vì vậy, nếu DN phải nộp tiền thuê đất thì trên cùng một địa bàn người nông dân cùng sử dụng đất vào việc trồng chè, nếu không phải là hộ nông trường viên được giao đất để sản xuất thì được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng nếu là hộ nông trường viên nhận khoán thì phải nộp tiền thuê đất (khoản thuế sử dụng đất nông nghiệp mà hộ nông trường viên phải nộp được ghi trong hợp đồng giao khoán).

Theo báo cáo của địa phương còn có Công ty CP Chè Trần Phú với diện tích 661.427 m2 và Công ty CP Chè Liên Sơn với diện tích 1.977.032 m2 là các DN trước khi cổ phần hóa là DNNN trung ương đóng trên địa bàn đang có tình hình và thực trạng quản lý đất đai tương tự như Công ty CP Chè Nghĩa Lộ.

KTNN cũng đưa ra báo cáo về kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất tại một số sản phẩm bất động sản chưa có quy định pháp lý như căn hộ khách sạn (condotel), văn phòng lưu trú (officetel).

Theo KTNN, Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chưa có quy định cụ thể về quản lý quy hoạch, quản lý kinh doanh, khai thác sử dụng đối với loại hình condotel, officetal hoặc tương tự - dẫn tới việc một số dự án được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất có các loại hình này chưa được quy hoạch, tính toán xác định đầy đủ khả năng gia tăng dân số, làm ảnh hưởng đến hạ tầng khu vực (coi như đất thương mại hoặc đất sản xuất kinh doanh). Trong quá trình khai thác sử dụng, không có cơ sở pháp lý ngăn chặn sự biến tướng thành kinh doanh căn hộ để ở lâu dài, từ đó xác định tiền thu sử dụng đất có nguy cơ không phản ánh đúng thực tế, gây thất thu NSNN.

Từ các bất cập, sai phạm nêu ra, KTNN kiến nghị Chính phủ xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng, bao gồm các khoản tăng thu 577,6 tỷ đồng (Tiền thuê đất: 345,3 tỷ đồng; tiền sử dụng đất: 224,2 tỷ đồng; các khoản thuế và thu khác 8,1 tỷ đồng), và xử lý tài chính khác 791,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xử lý, xem xét thu hồi đất nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật 7.591.427 m2 đất (tương đương hơn 759,1 ha) và 3 thửa đất (chưa xác định diện tích) trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương.

Tiếp đó, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương.

Ngoài ra, KTNN kiến nghị Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng thanh tra làm rõ để xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật đối với việc giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất ở đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài cho 2 doanh nghiệp không đúng các quy định, tạo điều kiện cho các DN chuyển tài sản nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, sau đó tiếp tục chuyển nhượng lại cho tư nhân hoặc góp vốn kinh doanh để thu lợi.

KTNN chỉ rõ 2 DN nêu trên là Công ty CP Lương thực Đà Nẵng và Công CP Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng.

Tại Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, có 7/8 thửa đất chuyển nhượng lại cho tư nhân, gồm thửa đất 294 Cách mạng tháng 8 (884,9m2), thửa đất 60 Hùng Vương (558,5m2), thửa đất 16 Lý Thường Kiệt (diên tích 4.105,2m2), thửa đất 52 Nguyễn Chí Thanh (239,3m2), thửa đất 751 Ngô Quyền (118,6m2), thửa đất 49 Lý Thường Kiệt (976,6m2), thửa đất 62 Tôn Đức Thắng (591m2); 1/8 thửa đất (số 95 Lê Lợi, 466,2m2) góp vốn kinh doanh để hình thành pháp nhân mới.

Còn Công CP Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng chuyển nhượng lại cho tư nhân thửa đất "vàng" tại số 158 Nguyễn Chí Thanh (301,8m2), TP Đà Nẵng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loat-sai-pham-su-dung-dat-sau-co-phan-hoa-ktnn-kien-nghi-xu-ly-tai-chinh-hon-1360-ti-dong-thu-hoi-760ha-dat-20190522120259154.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/