Liệu khủng hoảng trần nợ có giúp Fed kết thúc cuộc chiến chống lạm phát?

Trong 14 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng các đợt tăng lãi suất có chủ đích để kìm hãm lạm phát. Cuộc khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của Fed.

Tòa nhà của Fed. (Ảnh: Financial Times). 

Hai phương án

 

Fed có hai lựa chọn chính sách để đối phó với áp lực giá cao. Lựa chọn thứ nhất là tăng lãi suất một cách có hệ thống để cố gắng ổn định lại giá cả. Lựa chọn thứ hai là thi hành chính sách tiền tệ cơ hội, tức là thay vì kéo lãi suất lên cao và thắt chặt chính sách, các quan chức chỉ ngồi yên và chờ đợi.

Những người ủng hộ cách tiếp cận thứ hai nói rằng khi lạm phát đã dịu bớt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách không nên tiến hành động thái có chủ đích nào mà nên chờ đợi một yếu tố bên ngoài nào đó sẽ tự khiến lạm phát hạ nhiệt, ví dụ như suy thoái. 

Ông Laurence Ball, nhà kinh tế tại Đại học Johns Hopkins, là người đã giúp phổ biến ý tưởng về chính sách tiền tệ cơ hội trong thập niên 1990. Ông thừa nhận: “Khái niệm này có vẻ kỳ lạ. Tuy nhiên, nội dung chính của chính sách tiền tệ cơ hội là nếu chúng ta không cố tình ngáng trở nền kinh tế, một lúc nào đó nền kinh tế sẽ vô tình chậm lại và lạm phát sẽ đi xuống”.

Theo tờ CNN, lãi suất chính sách của Fed đã ở ngưỡng đủ cao để điều tiết hoạt động kinh tế và lạm phát cũng đã xuống thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 6/2022. Một số nhà kinh tế nghĩ rằng đã đến lúc Fed nên dừng tay.

Các nhà đầu tư cũng có vẻ đồng tìn với ý kiến trên. Công cụ CME FedWatch cho thấy thị trường đang phản ánh rằng có 72% khả năng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tháng 6.

 

 

Cơ hội

Cuộc khủng hoảng ngân hàng và mối nguy Mỹ vỡ nợ đã tạo ra không ít lực cản kinh tế có khả năng đưa được lạm phát đi xuống.

Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lưu ý rằng sự sụp đổ của hai ngân hàng SVB và Signature Bank đã giải quyết một phần công việc hộ ông.

 

 

Trò chuyện với cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke trong một cuộc hội thảo, ông Powell nói rằng lãi suất có thể không cần phải tăng nhiều như dự kiến trước đó bởi sự hỗn loạn của ngành ngân hàng đã tự động khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt lại.

Nhà kinh tế Ball cho rằng cuộc khủng hoảng trần nợ cũng có thể là một sự kiện gây ra tác động thiểu phát. Ông nói: “Tranh cãi trần nợ có thể trở thành thứ mà chúng ta cần để khiến nền kinh tế chậm lại”.

Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, từng nói trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance hồi đầu tháng 5 rằng tranh cãi về trần nợ rất có thể sẽ khiến tín dụng bị thắt chặt hơn nữa. Ông cho biết: “Fed cần ước lượng xem bao nhiêu phần việc của chính sách tiền tệ đã được hoàn thành thông qua các điều kiện tín dụng”.

 

Ngờ vực

 

Ông Julian Brigden, Giám đốc công ty nghiên cứu Macro Intelligence 2 Partners, nhận xét rằng chính sách tiền tệ cơ hội nghe khá hay nhưng không mang tính thực tiễn.

Và ông Bernanke, người đã chèo lái Fed trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cũng nghĩ rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa thể ngơi tay trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ông Bernanke và nhà kinh tế Olivier Blanchard đưa ra kết luận trong nghiên cứu mới rằng nhiều khả năng Fed sẽ phải làm chậm nền kinh tế hơn nữa để hạ nhiệt lạm phát.

Hai vị chuyên gia viết: “Trong bối cảnh thị trường lao động vẫn chưa chững về mức phù hợp và kỳ vọng lạm phát vẫn còn cao, chúng tôi kết luận rằng trong thời gian tới, Fed sẽ buộc phải làm chậm nền kinh tế để đưa lạm phát quay về mức mục tiêu”.

Nghiên cứu nói rằng thị trường lao động nóng bỏng đã thổi bùng ngọn lửa lạm phát và có thể trở thành yếu tố duy trì áp lực giá chủ chốt mà chỉ có thể được khắc phục bằng sự sụt giảm của nền kinh tế.

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lieu-khung-hoang-tran-no-co-giup-fed-ket-thuc-cuoc-chien-chong-lam-phat-202352583135427.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/