Lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ có thể thúc đẩy ngành bán dẫn Trung Quốc

Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra một gói hỗ trợ mới cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước để thay thế công nghệ của Mỹ.

Theo Financial Times, những hạn chế mới nhất trong việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn của Mỹ tới  Trung Quốc đã gặp phải phản ứng gay gắt. Tuy nhiên đằng sau những tuyên bố ngoại giao, Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra một gói tài trợ mới nhằm thúc đẩy ngành sản xuất bán đã trong nước.

Washington đang dần dần bóp nghẹt lĩnh vực công nghệ  của Trung Quốc bằng việc giới hạn khả năng tiếp cận tới những linh kiện và máy móc tiên tiến. 

Nhà Trắng vừa đưa ra những yêu cầu giấy phép khó khăn nhằm chặn việc xuất khẩu những bộ vi xử lý cao cấp từ những nhà sản xuất chip như Nvidia và AMD, thường được sử dụng trong những hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI).

Vào hôm 1/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ cố gắng áp đặt “phong tỏa công nghệ” nhằm duy trì “quyền bá chủ” về lĩnh vực này. Bắc Kinh cũng cho rằng Washington đã đẩy khái niệm an ninh quốc gia đi quá xa.

Một quan chức cao cấp thuộc ngành bán dẫn cho biết “các hạn chế sẽ thúc đẩy Trung Quốc tìm đến những sự thay thế trong nước”.

Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực sản xuất chip, với các quỹ đầu tư của chính phủ ủng hộ những công ty khởi nghiệp hứa hẹn có thể thay thế sản phẩm nước ngoài.

Những khoản tiền khổng lồ này đã dẫn đến các cáo buộc về lãng phí, tham nhũng và quản lý yếu kém. Nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup vỡ nợ vào năm 2020 mặc dù nhận được hàng chục tỷ USD hỗ trợ của chính phủ.

Hai doanh nghiệp đúc bán dẫn của Trung Quốc chỉ chiếm gần 9% thị phần quốc tế. HuaHong Group chủ yếu sản xuất những chip bán dẫn từ 22 nm trở lên. Hiện chỉ có Samsung và TSMC đang sản xuất hàng loạt tiến trình 5 nm. 

Nỗ lực không thể ngăn cản

Các nhà phân tích tin rằng một chuỗi các thất bại lớn sẽ không thể ngăn cản Bắc Kinh trong nỗ lực tự chủ trong ngành bán dẫn, khi Washington đang tăng tốc độ bao vây lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc với những biện pháp kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn.

Động thái cấm xuất khẩu sản phẩm bán dẫn tiên tiến của Nvidia và AMD diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ ra lệnh cấm bán sang Trung Quốc phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cần thiết để thiết kế những loại chip cao cấp.

Công ty quản lý tài sản HWAS Assets cho biết những động thái trên sẽ chỉ thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyển sang các nhà sản xuất chip trong nước để chuẩn bị trước cho kịch bản bị cắt đứt khỏi nhà cung ứng nước ngoài.

Vào tháng 7, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản tài trợ trị giá 52,7 tỷ USD để xây dựng nhiều nhà máy (xưởng đúc chip) tại Mỹ cho những công ty từ chối đầu tư vào hoạt động sản xuất linh kiện bán dẫn cao cấp ở Trung Quốc.

Ông Randy Abrams, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về chất bán dẫn châu Á của Credit Suisse, cho rằng rằng lệnh cấm đầu tư vào các xưởng đúc chip tiên tiến ở Trung Quốc sẽ “hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận tài năng nước ngoài và đầu tư để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Bắc Kinh”.

Trong quá khứ, các nhà máy sản xuất chip hoặc "fab" ở Trung Quốc do Samsung của Hàn Quốc, Intel của Mỹ và UMC của đảo Đài Loan điều hành. Những cơ sở này là "đã là một cơ hội cho Trung Quốc để giúp xây dựng tài sản trí tuệ, nhân tài và nguồn lực để phát triển ngành bán dẫn trong nước", ông Abrams nói.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết những khách hàng lớn nhất đối với các sản phẩm Nvidia bị cấm là nhà cung cấp dịch vụ đám mây, internet và công ty AI.

Những nhà phân tích trên dự đoán Trung Quốc sẽ nỗ lực tìm đến các vi xử lý đồ họa (GPU) thay thế. Tuy nhiên, việc các GPU của Nvidia được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng AI sẽ tạo ra các vấn đề liên quan tới tương thích.

Ông Abrams cho biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc phát triển phần mềm EDA nội địa. Các công cụ của Mỹ “cực kỳ phức tạp và tinh vi, vì vậy không thể sao chép chúng trong một sớm một chiều, nhưng với đủ tiền bạc và sự khéo léo, bạn có thể đến rất gần mục tiêu”, ông nói.

Tuy nhiên, những người khác không đồng ý rằng Trung Quốc có thể thành công. Ông Stephen Ezell, Giám đốc tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin ở Washington, cho biết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển một “hệ sinh thái bán dẫn khép kín” đã thất bại.

“Việc một quốc gia trong ngành công nghệ cao tự mình làm mọi thứ là tự chuốc lấy thất bại”, ông nói.

Chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Tác động tàn khốc của các biện pháp trừng phạt mà Washington áp vào Huawei đã cho thấy rõ bản chất liên kết của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Quyết định của Mỹ vào năm 2020 đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei.

Hà Lan cũng đã nhượng bộ trước áp lực của Washington và cấm xuất khẩu máy quang khắc siêu cực tím (EUV) sang Trung Quốc. Loại máy này đóng vai trò không thể thiếu trong sản xuất chip có hiệu suất cao được dùng trong AI hay blockchain (công nghệ chuỗi khối).

Thất bại trong quá khứ

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ thành công trong việc hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ bán dẫn tiên tiến, những người trong ngành vẫn hoài nghi về khả năng của Washington trong việc đẩy Bắc Kinh ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Một người dày dặn kinh nghiệm trong ngành bán dẫn của Nhật Bản nói rằng nỗ lực gần đây nhất của Washington nhằm cạnh tranh với một đối thủ khác đã kết thúc trong thất bại sau khi khẩu vị chính trị thay đổi và ngân quỹ cạn kiệt.

Vào cuối những năm 1980, Mỹ đã thành lập một liên đoàn các công ty bán dẫn do lo ngại rằng Nhật Bản đã soán ngôi vị thống trị trong lĩnh vực này.

“[Kế hoạch của Mỹ] đã thành công trong một thời gian, chủ yếu là do các công ty lớn như Intel đã ủng hộ rất nhiều. Nhưng nguồn tài trợ của chính phủ không ổn định và cạn kiệt với sự thay đổi của chính quyền Washington”, ông nói.

“Ngành công nghiệp bán dẫn mang tính toàn cầu, và rất khó để một quốc gia có thể cạnh tranh với cả đồng minh lẫn đối thủ", ông nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lenh-cam-xuat-khau-cua-my-co-the-thuc-day-nganh-ban-dan-trung-quoc-20229614542764.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/