Lần theo con đường hàng triệu thùng dầu Nga đang chảy đến Mỹ giữa 'rừng' lệnh cấm vận

Nhờ được tinh chế tại một nước châu Âu, hàng triệu thùng dầu có nguồn gốc từ Nga vẫn tìm được đường đến các trạm xăng tại Mỹ. Doanh nghiệp thực hiện hoạt động tinh chế này cũng là một tập đoàn Nga.

Cảng tiếp nhận dầu tại bang New Jersey vẫn tiếp nhận dầu có nguồn gốc từ Nga. (Ảnh: Wall Street Journal).

Cuối tháng 5/2022, tức là ba tháng sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu Nga, xăng được sản xuất từ dầu thô của Moscow vẫn được chuyển tới một cảng tại bang New Jersey. Số nhiên liệu này sau đó được phân phối tới các trạm xăng dọc theo Bờ Đông nước Mỹ.

Điểm bắt đầu của lô xăng trên là từ một nhà máy lọc dầu ở Italy. Việc xăng có nguồn gốc từ Nga vẫn tìm tới được Mỹ là do một lỗ hổng trong lệnh trừng phạt, cho phép dầu của Moscow được tinh chế tại quốc gia thứ ba và gửi tới Mỹ.

Wall Street Journal đã theo dõi các tàu hàng, dữ liệu hàng hóa dài hàng tháng, tài liệu vận tải và hình ảnh vệ tinh để tiết lộ cách mà doanh nghiệp dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai của Nga là Lukoil đang gửi dầu Nga được tinh chế tại Italy tới những doanh nghiệp như Exxon Mobil mà không vi phạm trừng phạt.

Kẽ hở của trừng phạt

Cuộc điều tra của Wall Street Journal cho thấy nhà máy lọc dầu ISAB của Lukoil ở Syracuse, Sicily là một trong những ví dụ điển hình nhất về lỗ hổng để dầu Nga chảy đến Mỹ.

Phần lớn dầu cho nhà máy trên đến từ Nga và được tinh chế tại đảo Sicily (Italy). Sau đó, loại dầu này trở thành nhiên liệu có nguồn gốc từ Italy do quy định lâu đời trong ngành cho phép dầu đổi xuất xứ từ nơi khai thác sang nơi tinh chế.

Đường đi của dầu thô Nga tới Mỹ. (Ảnh: Wall Street Journal, Việt hóa: Minh Quang).

Vào cuối tháng 2, Mỹ đã áp đặt một loạt các biện pháp như cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu, đưa các nhà tài phiệt và công ty Nga vào danh sách đen.

Không giống như Rosneft, công ty dầu khí nhà nước lớn nhất của Nga, Lukoil cho đến nay vẫn không nằm trong danh sách trừng phạt. Lukoil vẫn hiện diện ở Mỹ và phân phối các sản phẩm tới 11 bang.

Lý do duy nhất mà Lukoil có thể bán xăng có nguồn gốc từ Nga vào Mỹ là bởi điểm dừng chân của nhiên liệu này ở nhà máy lọc dầu tại Sicily. Nhà máy trên có công suất lớn thứ hai Italy và thứ 5 tại châu Âu.

Trước xung đột, nhà máy này đã nhập và pha trộn dầu thô từ 15 quốc gia, với trung bình khoảng 30% đến từ Nga. Hiện nay, các ngân hàng châu Âu đã từ chối cho ISAB vay tiền sau khi Nga tấn công Ukraine. Do vậy, nhà máy lọc dầu của Lukoil không còn có khả năng mua dầu từ những quốc gia khác mà chủ yếu mua từ Nga. Kể từ tháng 4, có tới 93% nhiên liệu dự trữ cho sản xuất của ISAB là dầu thô nguyên chất từ Nga.

Theo dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa Vortexa, phần còn lại là hỗn hợp dầu Nga-Kazakhstan hoặc hoàn toàn Kazakhstan. Tất cả dầu thô đều đến từ các cảng của Nga, phần lớn là Primorsk.

Wall Street Journal đã tìm thấy một lô hàng từ Nga thông qua ảnh vệ tinh từ cuối tháng 3. Con tàu SCF Baltica, thuộc đội tàu của công ty vận tải nhà nước Sovcomflot, hiện đang trong danh sách trừng phạt, đã vận chuyển nhiên liệu từ Primorsk (Nga) tới nhà máy lọc dầu ở Sicily (Italy).

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu chở dầu SCF Baltica được nhìn thấy tại cảng Primorsk của Nga vào cuối tháng 3. Vài tuần sau, con tàu này xuất hiện tại Sicily. (Ảnh: Wall Street JournalPlanet Labs, Việt hóa: Minh Quang). 

Sovcomflot đã không trả lời yêu cầu bình luận. Một phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ cũng đã từ chối bình luận. Về nguyên tắc, các lệnh trừng phạt Mỹ nêu rõ một ngoại lệ đối với bất kỳ hàng hóa nào có xuất xứ từ Nga đã bị biến đổi đáng kể, trở thành sản phẩm do nước khác sản xuất. 

Nhìn chung, sự biến đổi đáng kể có nghĩa là dầu đã qua quá trình chế biến hoặc sản xuất, chẳng hạn như lọc dầu. Quy trình này về mặt kỹ thuật đã biến dầu thô thành một sản phẩm khác, ví dụ như xăng hay diesel. Tuy vậy, việc đưa nguyên liệu thô cho nhà máy ISBA của Lukoil đến Mỹ trực tiếp sẽ vi phạm lệnh trừng phạt.

Nhà máy này đã xuất khẩu gần 5 triệu thùng các sản phẩm từ dầu sang Mỹ kể từ tháng 3 năm nay, Khoảng 2,5 triệu trong số đó là xăng. Theo Viện Dầu khí Mỹ, số lượng xăng này đủ để đổ đầy khoảng 7 triệu chiếc ô tô.

Phân phối khắp nước Mỹ

Wall Street Journal đã theo dõi các lô hàng được giao cho ít nhất 7 người mua ở 13 địa điểm khác nhau. Một phần trong số này là xăng. 

Dữ liệu cho thấy dầu và xăng được mua lại bởi các doanh nghiệp như Exxon, và công ty kinh doanh dầu Litasco, chi nhánh thương mại của Lukoil. Hầu hết các sản phẩm được gửi từ Sicily tới Mỹ kể từ tháng 3 đều đã đến nhà ga của Exxon ở Baytown, Texas, ngay bên ngoài thành phố Houston.

Gần đó, một nhà ga thuộc sở hữu của Magellan Midstream Partners, một công ty vận chuyển và phân phối các sản phẩm dầu, đã nhận được lượng xăng lớn nhất. 

Đa số dầu Nga được tinh chế tại Sicily tìm đến Bờ Đông nước Mỹ. (Ảnh: Wall Street Journal).

Người phát ngôn của Magellan xác nhận việc nhận được những lô hàng trên. Tuy vậy, Magellan khẳng định mình không phải người mua và dữ liệu vận chuyển không có trong danh sách.

Một chuyến hàng khác lên tới 300.000 thùng xăng được Wall Street Journal theo dõi đã cập bến tại New Jersey. Dữ liệu cho thấy người nhận chuyến hàng này là Exxon.

Một phát ngôn viên của Exxon cho biết công ty đang tuân thủ tất cả biện pháp trừng phạt. Các chuyến hàng mà Exxon nhận được là các sản phẩm đã được chứng nhận có xuất xứ từ Italy. Phía Lukoil đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận.

Số dầu Nga chảy tới Mỹ trong những tháng vừa qua chỉ tương đương với lượng sản phẩm từ dầu mà Mỹ nhập khẩu trong 2 ngày.

Các lô hàng từ nhà máy lọc dầu ISAB tại Sicily của Lukoil có thể chỉ chiếm một phần nhỏ lượng dầu nhập khẩu của Mỹ. Tuy vậy, chúng cho thấy việc theo dõi vào loại bỏ dầu Nga trong chuỗi cung ứng năng lượng tại Mỹ khó khăn đến thế nào.

Nhà máy lọc dầu của Lukoil tại Sicily có thể sớm phải ngừng nhập khẩu dầu Nga và đóng cửa khi lệnh trừng phạt của châu Âu có hiệu lực vào ngày 5/12. Cho tới lúc đó, tại một số trạm xăng trên khắp đất Mỹ, người dân vẫn đổ xăng và trả tiền cho nhiên liệu của Nga.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lan-theo-con-duong-hang-trieu-thung-dau-nga-dang-chay-den-my-giua-rung-lenh-cam-van-202211375750978.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/