Làn sóng tị nạn dồn dập đang làm khó châu Âu

Người tị nạn từ châu Á, châu Phi và Ukraine đang tới châu Âu với tốc độ chóng mặt, đe dọa lặp lại kịch bản của cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria năm 2015-16.

Làn sóng từ khắp nơi đổ về

Theo Financial Times, anh Shafiullah Sadat mất gần 10 tháng để đi từ quê nhà Afghanistan đến Bỉ, chạy trốn chế độ Taliban. Kể từ khi nộp đơn xin tị nạn vào 6 tuần trước, anh đã gia nhập vào đoàn người di cư, không có nhà ở, đang ngày một nhiều lên tại thủ đô Brussels.

“Nơi nào tôi đến cũng có người ngủ trên đường”, người thanh niên 27 tuổi cho biết. Anh Sadat đang sống ở Petit-Château, tòa nhà tiếp nhận tị nạn được chính phủ Bỉ dựng lên. “Tôi chưa từng tưởng tượng rằng cuộc sống tại [châu Âu] sẽ khó khăn thế này”.

Số lượng đơn xin tị nạn đang ngày một lên cao trên khắp châu Âu. Vào tháng 8, số đơn xin tị nạn tại Liên minh châu ÂU (EU), Na Uy, Thụy Điển, Iceland và Liechtenstein, đã tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 578.875 người.

Người tị nạn từ châu Á, châu Phi và Ukraine đang tràn tới châu Âu.

Sự gia tăng gần đây có nguyên nhân một phần từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại thời COVID. Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng tị nạn dồn dập, cùng lúc phải tiếp nhận lượng lớn người từ châu Á, châu Phi cũng như Ukraine. 

Khi tính đến những người đang chạy khỏi cuộc xung đột ở Đông Âu, số đơn tìm kiếm sự bảo trợ tại riêng nước Đức đã là 1,1 triệu, chỉ thấp hơn một chút so với lượng người đến nước này trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria năm 2015-16.

Dòng người nhập cư đang làm dấy lên lo ngại về sự chia rẽ giữa các thành viên EU, tương tự như cuộc khủng hoảng 6 năm trước, liên quan tới chính sách chia sẻ gánh nặng và tị nạn, đồng thời tạo áp lực lên các thành phố trong khu vực.

Theo ước tính của UNHCR, châu Âu đã tiếp nhận thêm khoảng 5 triệu người tị nạn trong năm 2022.

Lều và túi ngủ đã trở thành cảnh tượng thường thấy dọc theo con kênh tại trung tâm Brussels cũng như gầm cầu và ga đường sắt. Một vài người đã buộc phải đợi hàng tháng sau khi nộp đơn xin tị nạn.

Ông David Vogel của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF), cho biết: “Hệ thống tiếp nhận đã bị quá tải hoàn toàn”.

Tình trạng y tế kém, bao gồm cả việc bùng phát bệnh ghẻ và bạch hầu, đã khiến MSF phải thực hiện động thái chưa từng có là thành lập một phòng khám khẩn cấp ngay trên con phố bên ngoài tòa nhà chính phủ ở trung tâm Brussels. Ông Vogel mô tả tình hình y tế hiện nay là “thảm khốc”.

Tại Đức, các thị trấn đang gấp rút xây dựng nơi ở tạm, chuyển đổi các phòng tập và ký túc xá. Ông Helmut Dedy, người đứng đầu Hiệp hội các thành phố và thị trấn của Đức, đã phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về số lượng người tị nạn ngày càng gia tăng.

Ông Dedy nói: “Khả năng tiếp nhận của nhiều thành phố đã cạn kiệt". Các thành phố đã hết nơi để dạy học và “những khóa học hòa nhập” dành cho người tị nạn trưởng thành.

Berlin cho biết các cơ sở tạm trú đã chật kín, với 1.600 người xin tị nạn và 1.200 người Ukraine đang tìm chỗ ở. Thành phố này đang lên kế hoạch dựng lều, mỗi chiếc có sức chứa 400 người, tại các sân bay Tegel và Tempelhof.

Căng thẳng nội bộ

Thái độ đón nhận lạnh nhạt hiện nay trái ngược với cách mà EU từng xử lý dòng người tị nạn Ukraine vào đầu năm.

Các quốc gia thành viên EU từng được khen ngợi vì phản ứng nhanh chóng với hàng triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột Ukraine. Giờ đây, căng thẳng về vấn đề di cư lại bắt đầu lan rộng.

Thủ tướng cánh hữu mới của Italy, bà Giorgia Meloni, đã từ chối tiếp nhận một con tàu chở 231 người di cư được giải cứu khỏi một bến tàu ở Địa Trung Hải. Bà đã mô tả dòng người di cư bất thường, không được kiểm soát từ châu Phi và châu Á như một mối đe dọa với Italy.

Bà đã phàn nàn rằng thật không công bằng khi Italy phải chịu gánh nặng tiếp nhận những người xin tị nạn, trong khi đối với nhiều người, đất nước này chỉ là một cửa ngõ để tới phần còn lại của châu Âu.

Ngày 21/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã phác thảo một kế hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng “di cư bất thường và không an toàn” trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ vào ngày 25/11.

Người di cư ngủ trên một cây cầu ở Brussels. (Ảnh: Life on White/Alamy). 

Trong khi đó, chính phủ Bỉ đang phải chịu hai phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu về việc không cung cấp chỗ ở cho người tị nạn.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hoàn thành nghĩa vụ quốc tế [...], nhưng với dòng người tị nạn tăng cao, chúng tôi phải thừa nhận rằng mình đã đạt tới giới hạn”, người phát ngôn của bà Nicole de Moor, Bộ trưởng về vấn đề Tị nạn và Di cư của Bỉ, cho biết.

Bỉ đang phải đối phó với “những tình huống đặc biệt”, bao gồm tình trạng thiếu nhân sự tại các trung tâm dành cho người xin tị nạn, thiếu chỗ ở phù hợp và chính quyền địa phương không sẵn sàng mở các trung tâm tiếp nhận. Quốc gia này đang cần cung cấp chỗ ở cho khoảng 60.000 người tị nạn từ Ukraine.

Fedasil, cơ quan chính phủ về người xin tị nạn của Bỉ, cho biết nước này đang cố gắng tăng cường năng lực, bao gồm cả việc mở hai trung tâm tiếp nhận tạm thời với sức chứa 500 người/trung tâm. 

Khu vực Brussels có kế hoạch bổ sung 1.200 địa điểm tiếp nhận khẩn cấp bên trong mạng lưới các nhà tạm trú cho người vô gia cư.

Tuy vậy, Voyaach Helpdesk, một sáng kiến ​​hỗ trợ pháp lý miễn phí liên quan đến các công ty luật hàng đầu, ước tính có ít nhất 4.000 người xin tị nạn ở Bỉ đang chờ nơi tạm trú.

Bà Cécile Ghymers, một luật sư của công ty luật DNH Legal, người đại diện cho những người xin tị nạn trẻ tuổi, nói rằng do số lượng chỗ ở ít ỏi có sẵn, ngay cả những đối tượng được ưu tiên hàng đầu như trẻ em cũng đang phải ngủ ngoài đường.

Bà cho biết biết những người tị nạn đã đăng ký có quyền hợp pháp về chỗ ở bất kể độ tuổi. Tuy vậy, “thật trớ trêu và nguy hiểm khi trẻ em phải ở trên đường phố”.

Vào đầu tháng này, cảnh sát Bỉ đã giải tán rất nhiều người ngủ bên ngoài trung tâm nhập cư. Trong vài phút, những người này lại xếp hàng để chuẩn bị cho một đêm chờ đợi tiếp.

Ông Nathan Torrini, Giám đốc của Serve the City, một tổ chức từ thiện cung cấp bữa sáng cho những người xin tị nạn, cho biết: “Bạn có thể cảm thấy sự căng thẳng. Những gì chính phủ đã làm cho người Ukraine là minh chứng rằng có cách tốt hơn [để tiếp nhận người tị nạn]”. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lan-song-ti-nan-don-dap-dang-lam-kho-chau-au-2022112375256675.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/