Lạm phát tại Trung Quốc bất ngờ hạ nhiệt trong tháng 8 nhưng không phải chuyện đáng vui

Lạm phát ở Trung Quốc bất ngờ dịu bớt vào tháng 8. Đây có thể là dấu hiệu mới cho thấy rắc rối trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi các đợt phong toả ở một số thành phố lớn một lần nữa cản trở tăng trưởng.

Lạm phát hạ nhiệt

Theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tháng 8 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này giảm nhẹ so với mức tăng 2,7% của tháng 7. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal dự đoán lạm phát giá tiêu dùng của tháng 8 sẽ đạt khoảng 2,8%.

Sự sụt giảm bất ngờ của giá tiêu dùng chủ yếu liên quan tới việc giá thực phẩm cũng như giá nhiên liệu giảm. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy nguồn cung thịt heo bằng cách xả kho dự trữ. Giá trái cây và rau củ cũng tăng ít hơn dự kiến.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).

Cũng theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lạm phát giá sản xuất của tháng 8 đạt khoảng 2,3% - giảm gần một nửa so với mức 4,2% của tháng 7.

Đây là kết quả yếu nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 10 liên tiếp tỷ lệ tăng giá chậm lại. Con số trên cũng thấp hơn dự báo 3% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal.

Theo lý giải của Bắc Kinh, lạm phát giá sản xuất tháng 8 cho thấy giá dầu và kim loại công nghiệp toàn cầu đang giảm xuống. Hồi đầu năm, do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt, nguồn cung bị gián đoạn đã dẫn đến việc giá cả phi mã.

Đồng thời, số liệu giá sản xuất của tháng 8 cũng phản ánh nhu cầu thép yếu hơn trong lĩnh vực xây dựng và sản lượng than trong nước cao hơn.

Lạm phát chững lại đã phần nào giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình tại Trung Quốc, giữa lúc nhiều người phải gánh chịu thiệt hại của các biện pháp chống dịch hà khắc và thị trường nhà đất lao dốc.

Tuy nhiên, số liệu mới cũng làm lộ thêm dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 cũng giảm tốc nhanh hơn dự kiến và nhập khẩu thì đình trệ.

Là dấu hiệu đáng lo

Gần đây, hạn hán nghiêm trọng đã đe doạ mùa màng và làm eo hẹp nguồn cung cấp điện ở các khu vực công nghiệp trọng điểm của Trung Quốc.

Cùng lúc, sự bùng phát của COVID khiến giới chức trách phải áp đặt các hạn chế mới tại một loạt thành phố lớn như Thâm Quyến và Thành Đô.

Giữa tuần này, chính quyền Bắc Kinh đã công bố các yêu cầu xét nghiệm mới đối với hoạt động du lịch nội địa trước dịp Tết Trung thu - một kỳ nghỉ dài ngày tại nước này.

 

Dẫu vậy, lạm phát hạ nhiệt có thể giúp các nhà hoạch định chính sách thoải mái điều chỉnh chính sách để kích thích nền kinh tế hơn. Trung Quốc hiện đặt mục tiêu giữ lạm phát tiêu dùng ở mức 3% hoặc thấp hơn trong năm nay.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) lại đang hạ chi phí đi vay để hỗ trợ tăng trưởng.

Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Huang Zichun - chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn Capital Economics, cho biết ông dự đoán PBoC sẽ cắt giảm lãi suất hơn nữa vào cuối năm nay.

Song, các nhà phân tích khác nhận thấy dư địa chính sách của PBoC đang bị hạn chế do nhu cầu đi vay yếu và áp lực lên đồng nhân dân tệ lớn khi các nhà đầu tư mang dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.

Đầu tuần này, PBoC thông báo họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ - một động thái nhằm hạn chế sự trượt giá của đồng nội tệ so với đồng bạc xanh của Mỹ, giới chuyên gia cho hay.

Đối với phần còn lại của thế giới, tăng trưởng chậm lại và lạm phát hạ nhiệt tại Trung Quốc có thể giúp kìm hãm áp lực giá cả trên toàn cầu, bởi nhu cầu hàng hoá của nước này sẽ giảm bớt và doanh nghiệp trong nước cũng sẽ hạn chế việc tăng giá sản phẩm.

So với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II năm nay. Hầu như mọi hy vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm đã tan biến.

Các nhà kinh tế tại Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng quý III từ 2,9% xuống 2,6%. Họ kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 2,7% trong cả năm 2022 - thấp đáng kể so với mức 8,1% trong năm 2021.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đầu tuần này đã công bố một loạt chính sách nhằm giúp đỡ người lao động và doanh nghiệp, bao gồm trợ cấp cho những người trẻ tuổi thất nghiệp và những cá nhân trong nền kinh tế tự do (gig-economy).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lam-phat-tai-trung-quoc-bat-ngo-ha-nhiet-trong-thang-8-nhung-khong-phai-chuyen-dang-vui-202299151428846.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/