Lạm phát hạ nhiệt nhưng Fed chưa thể vui: NHTW Mỹ cần làm gì với bảng cân đối kế toán?

Trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt thời gian gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa, ngay trước thời điểm họ dự kiến sẽ tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ.

Bài toán hóc búa mới phát sinh

Hiện tại, Fed đang tăng tốc độ thắt chặt định lượng (QT) để làm suy yếu lạm phát. Nói cách khác, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ rút bớt các kích thích thời đại dịch khỏi hệ thống tài chính và tăng chi phí đi vay đối với các tài sản dài hạn.

Tuy nhiên, động thái QT lại đang diễn ra cùng lúc với việc tăng lãi suất, mục đích cũng là để chế ngự lạm phát đang cao gần gấp ba lần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này, Reuters lưu ý.

Việc thắt chặt chính sách kép khiến Fed khó đạt được “cuộc hạ cánh mềm”, tức là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ tránh được suy thoái. Do một số nhà đầu tư tin nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái, thị trường đang đồn đoán rằng Fed có thể thay đổi kế hoạch QT trong tương lai gần.

Ông Yung-Yu Ma - chiến lược gia đầu tư trưởng tại BMO Wealth Management, cho hay: “Có một số khả năng là Fed sẽ làm chậm tốc độ thắt chặt định lượng hoặc thậm chí kết thúc chương trình sớm hơn dự kiến. Song, thật khó để biết họ sẽ cân bằng mọi thứ ra sao”.

“Đến lúc nào thì Fed mới cho rằng các điều kiện tài chính đã thắt chặt vừa đ ? Thật khó mà biết chính xác…và chúng ta sẽ không thực sự biết được câu trả lời cho đến khi Fed đã đi quá xa”, ông Ma nhấn mạnh.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phải đương đầu với bài toán mới. (Ảnh minh hoạ: Financial Times).

Tăng trưởng GDP của Mỹ đã suy giảm trong hai quý đầu năm nay. Điều này càng làm phức tạp hoá cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay, rằng liệu Mỹ có đang hoặc sẽ sớm suy thoái hay không.

Cùng với sự co lại của nền kinh tế, hai báo cáo tuần trước có thể giúp giảm bớt áp lực lên đôi vai của Fed. Có thể các nhà hoạch định chính sách không cần tăng lãi suất mạnh tay tại cuộc họp tháng 9 khi mà lạm phát có thể đã đạt đỉnh vào tháng 7.

Sau khi leo vọt lên 9,1% trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn so với dự báo của giới chuyên gia. Cùng lúc, chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng 7 bất ngờ giảm 0,5% so với tháng trước đó.

Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai gắn với lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện dự đoán khả năng ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 là khoảng 63,5%, theo Reuters.

Bà Kathy Jones, chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab, cho biết: “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng Fed sẽ sớm làm chậm quá trình QT. Dữ liệu [lạm phát] đang bắt đầu điều chỉnh và nền kinh tế đang chững lại”.

Tuy nhiên, kịch bản cơ sở của vị chuyên gia là Fed vẫn sẽ thực hiện QT như hiện tại, nhưng sẽ sử dụng công cụ này như một đòn bẩy có thể điều chỉnh được trong lúc tăng lãi suất chuẩn.

“Nếu việc tăng lãi suất diễn ra quá nhanh chóng và dữ dội và đột ngột đảo ngược thì Fed phải dừng QT”, bà Jones nói. “Nếu tốc độ tăng lãi suất chậm lại, họ có thể tiếp tục QT trong một khoảng thời gian dài hơn và thắt chặt chính sách thông qua cửa hậu thay vì cửa trước”.

 

Sau khi số liệu CPI được công bố, một số quan chức Fed cho biết còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trên mặt trận chống lạm phát. Nhà kinh tế này không tin rằng số liệu lạm phát đi xuống sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch QT của Fed.

Ông Jamie Dannhauser - nhà kinh tế tại hãng quản lý tài sản Ruffer, bình luận: “Lạm phát vẫn còn rất cao, giá cả khó mà được coi là ổn định. Fed vẫn còn một chặng đường rất dài để đưa lạm phát về mức chấp nhận được”.

Bảng cân đối kế toán chưa giảm mấy

Tính tới tuần trước, bảng cân đối kế toán của Fed đang ở mức gần 8.900 tỷ USD. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp không giảm đáng kể kể từ tháng 6 - thời điểm Fed bắt đầu QT, nhưng sẽ giảm dần theo thời gian.

Ông Thomas Simon - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Jefferies, cho biết: “Các tác động của QT hiện tại là rất nhỏ”.

 

Tuy nhiên, dự trữ tiền mặt của hệ thống ngân hàng thương mại do Fed nắm giữ đã giảm khoảng 1.000 tỷ USD từ 4.300 tỷ USD hồi tháng 12/2021 xuống còn 3.300 tỷ USD. Các nhà phân tích nói dự trữ thu hẹp nhanh hơn nhiều người dự đoán.

Trong đợt QT trước đó của Fed, 1.300 tỷ USD thanh khoản đã được rút ra trong vòng 5 năm, theo thông tin từ Reuters.

Ngân hàng trung ương Mỹ chưa công bố quy mô mục tiêu của bảng cân đối kế toán. Ông Gennadiy Goldberg - chiến lược gia lãi suất tại TD Securities, cho rằng mục tiêu cuối cùng của Fed sẽ là giảm bảng cân đối kế toán sao cho dự trữ tiền mặt của các ngân hàng thương mại về khoảng 9% GDP.

Theo các nhà phân tích, Fed có thể phải làm chậm tốc độ QT nếu chương trình này khiến hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt dữ trữ tiền mặt, từ đó gây rắc rối cho các hoạt động ngân hàng như cho vay hoặc tạo lập thị trường.

Ông Jay Hatfied, Giám đốc đầu tư tại tổ chức Cơ sở Quản lý Vốn Cơ sở Hạ tầng, cho rằng Fed nên làm chậm tốc độ QT vì thị trường hẳn không muốn dự trữ tiền mặt của các ngân hàng bị rút thêm 1.000 tỷ USD.

“Đó sẽ là thảm hoạ đối với thị trường trái phiếu và cổ phiếu”, ông Hatfield cảnh báo. “Thật không may, Fed hầu như đang bỏ qua vấn đề thanh khoản và cung tiền. Đó là lý do tại sao họ vĩnh viễn đi sau trong cuộc chiến chống lạm phát và dự báo lạm phát”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lam-phat-ha-nhiet-nhung-fed-chua-the-vui-nhtw-my-can-lam-gi-voi-bang-can-doi-ke-toan-2022816212511284.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/