Là thiên tài công nghệ nhưng cả Steve Jobs và Bill Gates đều mắc phải điểm mù giống nhau trong việc chọn người kế nhiệm khi rời công ty

Microsoft bước vào thế kỷ 21 với vị thế của nhà thống trị lĩnh vực máy tính. Nhưng chỉ trong mười sáu năm, đế chế đó đã trở nên xơ xác vì sự lãnh đạo của người kế nhiệm. Và Apple, gã khổng lồ công nghệ hùng mạnh nhất kỷ nguyên di động đang có nguy cơ mắc phải những sai lầm tương tự.

Tại sao những CEO vĩ đại không bao giờ tìm được người kế nhiệm có tầm nhìn xa? - Ảnh 1.

Để tồn tại lâu dài trong thị trường thay đổi nhanh chóng như lĩnh vưc công nghệ, sự sáng tạo có lẽ sẽ là yếu tố quan trọng hơn cả. (Ảnh: hbr.org).

Một bài viết của Steve Blank được đăng tải trên Harvard Business Review.

Đề cao lợi ích ngắn hạn và một thập kỷ chạy theo lợi nhuận của Microsoft

Sau 25 năm điều hành Microsoft, Bill Gates đã nhường lại vị trí CEO cho Steve Ballmer vào tháng 1/2000. Trong 14 năm tiếp theo, Ballmer đã thành công ngoạn mục trong việc tăng doanh số bán hàng khi đưa doanh thu của Microsoft lên gấp ba lần đạt 78 tỷ USD và lợi nhuận từ mức 9 tỷ USD lên 22 tỷ USD. 

Việc ra mắt Xbox, Kinect và mua lại Skype, Yammer là các sự kiện đã góp phần làm nên những con số đáng ngưỡng mộ ấy. Nhưng nếu mục đích của Microsoft chỉ đơn giản là kiếm tiền thì những nỗ lực của Ballmer xứng đáng được công nhận. Nhưng Ballmer đã thất bại ở vị trí của một CEO khi quá coi trọng lợi ích ngắn hạn.

Bất chấp thành tích tài chính đáng nể, Ballmer chưa từng dẫn đầu bất kỳ xu hướng công nghệ quan trọng nào của thế kỷ 21: về tìm kiếm - thua Google; về điện thoại thông minh - thua Apple; về hệ điều hành di động - thua Google / Apple; về truyền thông - thua Apple / Netflix; và về điện toán đám mây - thua Amazon. 

Vào thời kỳ hoàng kim ở cuối thế kỷ 20, Microsoft từng sở hữu hơn 95% hệ điều hành chạy trên máy tính, thống lĩnh thị trường máy tính để bàn. Song, khi bước vào thế kỷ 21, thị phần hệ điều hành di động của Microsoft chỉ còn 1% với 2 tỷ chiếc điện thoại thông minh xuất xưởng. Nhưng vì sao một CEO tài năng như Ballmer lại phung phí cơ hội dài hạn và mắc phải những sai lầm ở thị trường di động và điện toán đám mây, nơi mà Microsoft đang hướng tới?

Microsoft không hề thiếu các kỹ sư tài ba chuyên về lĩnh vực tìm kiếm, truyền thông, di động và điện toán đám mây nhưng họ đã và đang phải thực hiện rất nhiều dự án. Vấn đề nằm ở cách Ballmer tổ chức công ty. Ông quá chú trọng vào các điểm mạnh hiện tại của Microsoft như mảng kinh doanh Windows và Office nhưng chưa bao giờ thực sự quan tâm hay nghiêm túc đầu tư nguồn lực để phát triển những khía cạnh khác.

Microsoft sẽ không bao giờ giành lại được vị thế đã từng có ở thế kỷ XX

Đối với Microsoft, việc chuyển đổi thành một công ty dịch vụ là hướng giải quyết cho những lần đánh mất cơ hội trong quá khứ. Điều đó đã ngăn cản họ tạo ra những sản phẩm đột phá với chất lượng vượt trội. Ballmer là một nhà điều hành đẳng cấp thế giới khi tốt nghiệp Harvard và đầy kinh nghiệm trong mảng tiếp thị toàn cầu nhưng ông lại bỏ lỡ những mô hình kinh doanh quan trọng chỉ vì theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn.

Cuối cùng, sau hơn một thập kỷ nắm quyền tại Microsoft, vào năm 2014, Ballmer đã nghỉ hưu và Satya Nadella được chọn làm người kế nhiệm tiếp theo. Nadella đã giúp Microsoft trở lại thị trường điện toán đám mây với Microsoft Azure. Nhờ Nadella, Office và Azure đã được giải phóng khỏi Windows. Anh ấy đang chuyển công ty sang lĩnh vực AR (thực tế tăng cường) và Conversational AI (công nghệ cho phép các máy tính mô phỏng các cuộc hội thoại thực sự). 

Mặc dù, Microsoft có khả năng sẽ không bao giờ giành lại được vị thế thống trị thị trường đã từng có trong thế kỷ 20, nhưng mô hình kinh doanh kế thừa vẫn mang đến lợi nhuận khổng lồ. Và Nadella chính là vị cứu tin của Microsoft.

"CEO thực thi" và những sai lầm lập lại với Apple của Tim Cook

Để gầy dựng được để chế hùng mạnh của Apple, Steve Jobs đã định hướng phát triển đội ngũ của mình trong các lĩnh vực: phần cứng, phần mềm, thiết kế sản phẩm, chuỗi cung ứng và sản xuất. Chỉ trong vòng bảy năm, từ 2001 đến năm 2008, ông ba lần đổi mới công ty và đưa doanh thu, lợi nhuận của Apple lên tầm cao. Có thể thấy một trong những điểm mạnh của các CEO có tầm nhìn xa khả năng xây dựng đội ngũ nhân sự gồm các giám đốc điều hành đẳng cấp thế giới. 

Nhưng dường như, mỗi tập thể chỉ có quyền sở hữu một thiên tài sáng tạo. Khi những người sáng lập có tầm nhìn xa rời đi, các giám đốc điều hành thực thi sẽ được bổ nhiệm trong sự chúc phúc của cựu CEO. Tại Microsoft, Bill Gates đã chọn Steve Ballmer, và tại Apple, Steve Jobs đã giao trọng trách này cho Tim Cook. Những CEO mới nhậm chức sẽ phải đối mặt với sự hỗn loạn và bất ổn do vòng xoáy chết chóc của sự sáng tạo gây ra. Bởi lẽ, khác với sự tiên phong của những nhà sáng lập, người kế nhiệm (các CEO thực thi) coi trọng tính ổn định, quy trình và sự lặp đi lặp lại. 

Theo đó, họ thuê rất nhiều nhân viên thực thi và bỏ lỡ những bộ óc sáng tạo. Văn hóa này đã khiến sứ mệnh thay đổi thế giới vốn có của những gã khổng lồ công nghệ dần lệch hướng. Và các CEO mới dường như không hứng thú với việc tạo ra sản phẩm. Sau 5 năm điều hành, Tim Cook đã biến Apple thành công ty của ông thay vì của Steve Jobs. Và không thể phũ nhận sự đồng điệu kỳ lạ giữa bộ đôi Gates và Ballmer với Jobs và Cook. 

Dưới thời Tim Cook, Apple đạt doanh thu khủng với 200 tỷ USD, đồng thời tăng gấp đôi lợi nhuận và tăng gấp ba lượng tiền mặt trong ngân hàng (1/4 nghìn tỷ USD). Song, dù liên tục nâng cấp và cải tiến iPhone theo từng năm nhưng sản phẩm mới quy nhất mà Cook tạo ra trong nhiệm kỳ của mình là Apple Watch. Nếu không nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới thì liệu Apple đã giao nhiệm vụ gì cho 115.000 nhân viên của họ? Đó có lẽ là việc những công việc đề cao quy trình.

Thế giới sẽ phá vỡ Apple giống như cách nó từng làm với Microsoft

Thế giới sắp phá vỡ Apple giống như cách nó làm với Microsoft dưới thời Ballmer. Apple đã làm chủ xuất sắc giao diện người dùng và thiết kế sản phẩm để tạo ra sức mạnh thống trị của iPhone. Nhưng họ đang đối diện với mối đe dọa từ Google và Amazon với sự ra đời của dịch vụ AI (ứng dụng và phần cứng điều khiển trí thông minh máy). Mọi thứ tại Amazon Alexa và Google Home and Assistant đều được điều khiển bằng nhận dạng giọng nói được hỗ trợ bởi Conversational AI.

Trên thực tế, Conversational AI không phải là một điểm yếu của Apple khi họ đang sở hữu Siri và triển khai các dự án xe hơi tự lái điều khiển bằng giọng nói. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở Tim Cook, một CEO thiếu niềm đam mê với các sản phẩm. Ông vẫn chưa làm rõ con đường và sứ mệnh trong tương lai của Apple. Nếu không xác định được điều đó, Tim Cook sẽ làm thế nào để đổi mới mô hình kinh doanh và tạo ra những sản phẩm phù hợp với diễn biến chóng mặt của thị trường?

Sự rời đi của một CEO sáng tạo sẽ khiến hội đồng quản trị của bất kỳ công ty nào (kể cả Microsoft và Apple) rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Liệu họ nên tiếp tục phát triển những thành tựu của thế hệ trước hay tìm ra một người tiên phong mới?

Steve Jobs, Bill Gates và thậm chí Walt Disney, biểu tượng sáng tạo của thế kỷ XX đều có chung một điểm mù: Việc đề xuất giám đốc điều hành - Người kế nhiệm. Họ đã nhầm lẫn giữa khả năng thực thi chuyên nghiệp (đẳng cấp thế giới) với niềm đam mê đối với sản phẩm (gồm cả khách hàng và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường). Lịch sử đã chứng minh rằng, đó là hai kiểu tài năng khác nhau. Và để tồn tại lâu dài trong một thị trường thay đổi nhanh chóng, sự sáng tạo có lẽ là yếu tố quan trọng hơn hết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/la-thien-tai-cong-nghe-nhung-ca-steve-jobs-va-bill-gates-deu-mac-phai-diem-mu-giong-nhau-trong-viec-chon-nguoi-ke-nhiem-khi-roi-cong-ty-20210828193330977.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/