'Lá bài' nào giúp nhiều doanh nghiệp lớn thoát lỗ ngoạn mục trong quý II?

Doanh thu tài chính, thu nhập khác hay khoản hoàn nhập dự phòng là "phao cứu sinh" giúp nhiều doanh nghiệp lớn thoát lỗ thậm chí ghi nhận khoản lãi kỷ lục trong quý II.

Doanh thu tài chính - "phao cứu sinh" cho nhiều doanh nghiệp

Theo định nghĩa trong kế toán thì doanh thu hoạt động tài chính gồm tiền lãi (lãi cho vay, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, lãi về chuyển nhượng chứng khoán, lãi do bán ngoại tệ), thu nhập từ cho thuê tài sản, cổ tức được hưởng, lợi nhuận được chia từ hoạt động liên doanh, lãi về chuyển nhượng vốn, chênh lệch tăng tỷ giá ngoại tệ và các khoản doanh thu khác (doanh thu nhượng bán bất động sản, giá cho thuê đất). 

Trong đó thu nhập từ việc thoái vốn tại công ty thành viên là hoạt động phổ biến không những giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn thu lớn mà thậm chí còn giúp công ty ghi nhận khoản lãi đột biến trong kỳ.

Điển hình là Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (Mã: SJG) , hoạt động tài chính đem về cho doanh nghiệp hơn 3.128 tỷ đồng quý II, gấp 41 lần cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính đột biến nhờ khoản thoái 41,7 triệu cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), tương ứng tỷ lệ sở hữu 36,65%. Tổng số tiền thu về từ đợt chào bán là 4.258 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí bào mòn lợi nhuận gộp của Sông Đà song nhờ khoản doanh thu đột biến không những giúp tổng công ty thoát lỗ nặng mà còn ghi nhận lãi sau thuế 1.028 tỷ, gấp gần 11,7 lần quý II/2021 và cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp. 

  Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của TCT Sông Đà. 

Không chỉ quý vừa qua mà nguồn thu từ hoạt động thoái vốn có thể coi là "phao cứu sinh" giúp CTCP Thaiholdings (Mã: THD) chuyển mình từ lỗ thành lãi trong nhiều quý qua. 

Trong quý II, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến lên hơn 241 tỷ đồng đến từ lãi chuyển nhượng khoản đầu tư ở CTCP Tôn Đản Hà Nội đã giúp Thaiholdings không những thoát lỗ đậm còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 132 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Thaiholdings đã tiến hành thoái 70 triệu cổ phần của Tôn Đản Hà Nội trong quý II với tổng giá chuyển nhượng 1.204 tỷ đồng và giá gốc 1.151 tỷ đồng.

Riêng năm 2021, nguồn thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi bán các khoản đầu tư) đã đem về cho Thaiholdings gần 1.083 tỷ đồng bên cạnh khoản lợi nhuận khác (chuyển nhượng nhà máy xi măng Minh Tâm) 590 tỷ, là hai yếu tố chính giúp doanh nghiệp lãi sau thuế trên 1.156 tỷ đồng cả năm bất chấp các chi phí bào mòn hết lợi nhuận gộp của công ty.

  Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Thaiholdings. 

Tương tự Thaiholdings thì nguồn thu tài chính là một nguồn thu chính của CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG)  nhiều năm qua. Riêng quý II, doanh thu tài chính đem về cho Bamboo Capital khoảng 930 tỷ, vượt cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính. Trong đó chủ yếu là khoản lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.

Tại ngày 30/6, Bamboo Capital có gần 1.000 tỷ đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, trong đó chủ yếu là khoản đầu tư vào TPBank (990 tỷ) cùng với 580 tỷ đầu tư trái phiếu, 425 tỷ tiền gửi có kỳ hạn.

  Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Bamboo Capital. 

Một trường hợp khác là CTCP Tasco (Mã: HUT), trong quý II, chi phí quản lý doanh nghiệp đặt biệt là chi phí lãi vay đã bào mòn lợi nhuận gộp của Tasco. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính đột biến và khoản hoàn thuế đã giúp doanh nghiệp vẫn ghi nhận lãi ròng gần 14 tỷ đồng quý II. Quý II năm ngoái do không có nguồn thu tài chính nên Tasco đã báo lỗ ròng hơn 47 tỷ.

6 tháng đầu năm, Tasco ghi nhận gần 156 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp 30 lần cùng kỳ năm ngoái, đây cũng nguyên nhân chính giúp Tasco thoát lỗ. Nguồn thu tài chính dồi dào nửa đầu năm nhờ Tasco liên tục đẩy mạnh thoái vốn khỏi các khoản đầu tư không trọng tâm theo chủ trương của HĐQT.

  Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Tasco. 

"Thu nhập khác" giúp Kinh Bắc lãi kỷ lục quý II

Thu nhập khác được định nghĩa là các khoản thu nhập chịu thuế và không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thu nhập khác có thể đến từ việc chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản hay dự án đầu tư. Hoặc cũng có thể đến từ hoạt động chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản cố định, tiền phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng hay tiền thưởng do thực hiện tốt cam kết,...

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC)  là một trường hợp điển hình trong quý vừa qua với giao dịch "lạ" giúp tổng công ty ghi nhận khoản thu nhập khác 1.918 tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp giải trình đây là "chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng”. 

Cuối quý II, HĐQT Kinh Bắc đã thông qua việc nhận chuyển nhượng thêm 5,7 triệu cổ phiếu tại Sài Gòn Đà Nẵng (vốn điều lệ 200 tỷ), tăng tỷ lệ sở hữu từ 19,5% lên 48%. 

Tại ngày 31/3, khoản đầu tư vào Sài Gòn - Đà Nẵng có giá trị khoảng 39 tỷ đồng. Tới ngày 30/6, sau khi nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% đồng thời đánh giá lại khoản đầu tư vào Sài Gòn - Đà Nẵng, giá trị khoản đầu tư vào Sài Gòn - Đà Nẵng của Kinh Bắc đã nâng lên 2.493 tỷ đồng. 

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng là doanh nghiệp liên quan tới ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Kinh Bắc. Ông Tâm từng là Tổng Giám đốc và Chủ tịch của CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng và hiện doanh nghiệp này đang là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI) do ông Tâm làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2006. 

Nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến đã giúp Kinh Bắc lãi ròng kỷ lục 1.893 tỷ đồng quý II, gấp 46,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ đi khoản thu nhập khác thì lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 72% so với quý II/2021.

Hoàn nhập dự phòng cứu lợi nhuận HAGL hai năm gần đây

Dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn. 

Căn cứ Thông tư 48 của Bộ Tài chính ban hành ngày 8/8/2019 Quy định về các khoản lập dự phòng cho biết các khoản dự phòng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau.

Khoản dự phòng sẽ được hoàn nhập khi có sự tăng lên sau đó của giá trị có thể thu hồi do sự kiện khách quan xảy ra sau khi khoản dự phòng được trích lập. 

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG)  là một ví dụ tiêu biểu ghi nhận chi phí hoàn nhập dự phòng trong quý II giúp doanh nghiệp chuyển mình từ lỗ thành lãi.

Trong quý II, riêng chi phí tài chính đã lên tới gần 834 tỷ đồng, gấp gần 4,8 lần cùng kỳ do trích lập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm HAGL Agrico đồng thời lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tăng cao. 

Chí phí ăn mòn lợi nhuận gộp nhưng nhờ nguồn thu từ doanh thu tài chính (chủ yếu từ tiền lãi cho vay), đặc biệt là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp âm 782 tỷ do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu đã giúp HAGL vẫn có lãi ròng gần 272 tỷ đồng, gấp 3,5 lần quý II/2021.

Bảng kết quả kinh doanh của HAGL giai đoạn 2020 - 2022. (Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất).

Tính tới cuối quý II, khoản phải thu ngắn hạn của HAGL là 5.874 tỷ đồng, trong đó chiếm 3/4 là phải thu về cho vay ngắn hạn và phải trích lập dự phòng 605 tỷ (giảm 861 tỷ so với đầu năm). Tại thời điểm đầu năm, khoản phải thu ngắn hạn là gần 6.536 tỷ và đã phải trích lập dự phòng 1.467 tỷ.

Bên cạnh đó, HAGL có 2.947 tỷ đồng phải thu dài hạn, chủ yếu là cho vay và đã trích lập dự phòng 143 tỷ (không đổi so với đầu năm). Đây đều là khoản cho vay tín chấp cho các bên liên quan có thời hạn hoàn trả từ tháng 1/2023 tới đến tháng 5/2025.

Khoản cho vay lớn nhất là cho CTCP Lê Me với 2.900 tỷ, tiếp đó là HAGL Agrico ghi nhận 1.984 tỷ tính tới cuối quý II.

Năm 2021, HAGL cũng ghi nhận hoàn nhập dự phòng 891 tỷ cả năm khiến chi phí quản lý doanh nghiệp âm 174 tỷ, góp phần giúp doanh nghiệp không những thoát lỗ mà còn có lãi ròng hơn 200 tỷ.

HAGL liên tục hoàn nhập dự phòng trong hai năm gần đây sau khi doanh nghiệp trích dự phòng 1.425 tỷ đồng vào năm 2020, khiến tập đoàn lỗ kỷ lục 1.257 tỷ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/la-bai-nao-giup-nhieu-doanh-nghiep-lon-thoat-lo-ngoan-muc-trong-quy-ii-202285105344185.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/