Kỳ vọng gì từ báo cáo GDP 'bom tấn' của Trung Quốc?

Sáng ngày 16/4, Trung Quốc dự kiến sẽ báo cáo mức tăng trưởng kinh tế hàng quý cao nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố GDP định kỳ cách đây 30 năm. Tuy nhiên, con số tăng trưởng cao ngất đó không cho thấy bức tranh chân thực nhất về sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán GDP quý I năm nay của Trung Quốc sẽ tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu là do số liệu tham chiếu của quý I năm ngoái sụt giảm chưa từng có vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các nhà đầu tư cần nhìn xa hơn con số tăng trưởng GDP để đánh giá đúng tình trạng phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế tỷ dân, Bloomberg cảnh báo. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý trong báo cáo GDP mà Bắc Kinh dự kiến công bố vào sáng ngày 16/4:

Cẩn trọng số liệu tham chiếu

Nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm kỷ lục 6,8% trong quý I năm ngoái vì Bắc Kinh là chính phủ đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Song, nền kinh tế này nhanh chóng phục hồi sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, phục hồi toàn diện vào cuối tháng 9 cùng năm và tiếp tục mở rộng kể từ đó.

Để hiểu rõ hơn về kết quả kinh tế ba tháng gần nhất, nhà đầu tư nên so sánh với số liệu GDP của quý trước thay vì cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, nhà đầu tư có thể nắm bắt động lực hiện tại của nền kinh tế và loại bỏ ảnh hưởng của giai đoạn phong tỏa ra khỏi phép so sánh.

Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, mức tăng trưởng 18,5% so với ba tháng đầu năm 2020 cho thấy kinh tế Trung Quốc thực sự đi ngang so với quý trước. Con số này là một ranh giới cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đã đạt đỉnh vào cuối năm 2020 hay vẫn đang tiếp tục.

Kỳ vọng gì từ báo cáo GDP 'bom tấn' của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Có một dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế tỷ dân đang dần chững lại sau khi Bắc Kinh thắt chặt chính sách tín dụng từ cuối năm ngoái cũng như tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội đến tháng 2 để ngăn đại dịch bùng phát.

Theo ước tính trung vị của các nhà kinh tế, tăng trưởng hàng quý của Trung Quốc sẽ giảm từ 2,6% trong quý IV năm ngoái xuống còn 1,4% trong quý I năm nay, Bloomberg cho hay.

Mặt khác, xuất khẩu tăng mạnh nhờ nhu cầu ổn định ở thị trường nước ngoài có thể giúp thương mại đóng góp một phần đáng kể vào sản lượng kinh tế chung của Trung Quốc. Đồng thời, doanh số máy móc công nghiệp cũng tiếp tục tăng cao trong tháng 3, cho thấy hoạt động đầu tư tại Trung Quốc tăng trưởng vững chắc.

Sản lượng công nghiệp

Năm ngoái, sản lượng công nghiệp đi lên là nhờ vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng, cũng như sản xuất thiết bị y tế và đồ điện tử cho mục đích xuất khẩu. Dữ liệu hàng tháng của chính phủ Trung Quốc sẽ cho nhà đầu tư thấy liệu các ngành công nghiệp tại đất nước tỷ dân có tiếp tục mở rộng hay không.

Dù vậy, tăng trưởng sản lượng công nghiệp sắp tới cũng được dự báo là cao bất thường khi mà số liệu tham chiếu năm ngoái khá thấp vì hàng loạt nhà máy phải đóng cửa cho đến tháng 3 cùng năm.

Một số nhà kinh tế sẽ đánh giá mức tăng trưởng trung bình trong hai năm để có cái nhìn chính xác hơn về sức khỏe của lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc. Ngân hàng Morgan Stanley áp dụng kỹ thuật này và dự đoán tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đi từ 6,5% trong quý IV/2020 lên 7,6% trong quý I/2021, một phần là do nhu cầu xuất khẩu mạnh.

Tiêu dùng và việc làm

Doanh số bán lẻ cũng sẽ là một lăng kính để biết liệu chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc có tăng tiến hay không. Cho đến nay, đây vẫn là yếu tố cấu thành yếu nhất trong chặng đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Các chỉ số ban đầu, ví dụ như chi tiêu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cho thấy một sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn so với mức trước đại dịch.

Kỳ vọng gì từ báo cáo GDP 'bom tấn' của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Dựa trên cơ sở trung bình hai năm, Morgan Stanley dự đoán nhờ người dân tăng chi tiêu cho các dịch vụ như ăn uống mà tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ đạt 3,8% trong tháng 3 - cao hơn so với mức 3,1% trong hai tháng đầu năm nay.

Chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào tốc độ tăng trưởng của thị trường việc làm và tiền lương. Mặc dù thu nhập khả dụng của người dân Trung Quốc có thể tăng mạnh trong quý I năm nay so với mức thấp cùng kỳ năm ngoái, nhưng họ sẽ không rút hầu bao vào các dịch vụ bán lẻ.

Một khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy niềm tin của người lao động Trung Quốc về thị trường việc làm và thu nhập vẫn dưới mức trước đại dịch.

Đầu tư

Đầu tư của doanh nghiệp và chính phủ sẽ tiếp tục là động lực chính cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Bloomberg lưu ý. Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách dựa vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm nay, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty bất động sản kiềm chế vay nợ để tránh rủi ro vỡ nợ trên diện rộng.

Số liệu về đầu tư tài sản cố định hàng tháng sẽ cho nhà đầu tư biết liệu các biện pháp của Bắc Kinh có làm suy yếu đầu tư chung hay không, hay liệu chi tiêu cơ sở hạ tầng của chính phủ và nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước sẽ bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư ở lĩnh vực bất động sản.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ky-vong-gi-tu-bao-cao-gdp-bom-tan-cua-trung-quoc-20210415082228694.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/