KLF cho doanh nghiệp liên quan FLC vay hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm hơn nửa tổng tài sản

Thời điểm cuối quí I, KLF đang cho các doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn FLC vay hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm trên 50% tổng tài sản của công ty. Bản thân KLF cũng có chung nhiều lãnh đạo với FLC.

CTCP Liên doanh đầu tư quốc tế KLF (Mã: KLF) vừa công bố báo cáo tài chính quí I/2019 với doanh thu thuần 204,5 tỉ đồng, lợi nhuận gộp xấp xỉ 3 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi gộp 1,46%.

Đáng chú ý công ty có doanh thu từ hoạt động tài chính 4,32 tỉ đồng, giúp lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 4,53 tỉ đồng và lợi nhuận ròng đạt 3,63 tỉ đồng – tương ứng với biên lãi ròng 1,77%.

So với cùng kì năm ngoái, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của quí này tăng trưởng lần lượt 13,2% và 18,2%.

Nợ phải trả của KLF chỉ 195 tỉ đồng, chiếm hơn 10% tổng nguồn vốn. Tổng tài sản thời điểm 31/3 đạt 1.924 tỉ đồng, tăng gần 60 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là 798,3 tỉ đồng, chiếm 41,5%; phải thu dài hạn chiếm 37,3% tổng tài sản. Giá trị tiền và tương đương tiền chỉ gần 4 tỉ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tổng giá trị phải thu về cho vay của KLF tại ngày 31/3 là hơn 1.101 tỉ đồng, chiếm 57,2% tổng tài sản. Những công ty có tên trong danh sách cho vay của KLF cũng rất đáng chú ý.

KLF cho doanh nghiệp liên quan FLC vay hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm hơn nửa tổng tài sản - Ảnh 1.

Các công ty mà KLF cho vay tại ngày 31/3/2019. Nguồn: Báo cáo tài chính quí I.

Cụ thể, Công ty TNHH Newland Holdings Việt Nam (dư nợ 381 tỉ đồng với KLF) có trụ sở chính tại tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội – trùng với tòa nhà trụ sở chính của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC).

Thêm vào đó, bà Trịnh Thị Thúy Nga – em gái ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) là cổ đông góp 10 tỉ đồng vào Newland Holdings, một cá nhân khác là ông Vũ Anh Tuân – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc góp 490 tỉ đồng còn lại.

Công ty TNHH Hải Châu (dư nợ 392 tỉ đồng với KLF) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, có trụ sở tại Vĩnh Phúc. Đây là công ty liên kết của KLF. 

Theo giấy đăng kí kinh doanh cấp đổi ngày 24/4/2018, KLF góp 141 tỉ đồng tương ứng 23,48% vốn điều lệ của Hải Châu. Bên cạnh đó, bà Trịnh Thị Thúy Nga - em gái ông Quyết cũng góp gần 217 tỉ đồng vào Hải Châu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 36,1%.

Một cá nhân khác là ông Nguyễn Văn Mạnh góp 242,7 tỉ đồng, tương ứng sở hữu 40,42% vốn của Hải Châu. Chồng của bà Trịnh Thị Thúy Nga cũng mang tên Nguyễn Văn Mạnh, nhưng hiện chưa có đủ cơ sở để khẳng định hai cá nhân trùng tên này là một người.

(Theo báo cáo tài chính quí I vừa công bố, KLF đầu tư hơn 156 tỉ đồng vào Công ty TNHH Hải Châu, có tỉ lệ lợi ích 26% và tỉ lệ biểu quyết 49%.)

Ngoài ra, Hải Châu còn có người đại diện theo pháp luật là Giám đốc Trần Thị My Lan – người đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và thành viên HĐQT của KLF. Bà Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch HĐQT và ông Trần Thế Anh - thành viên HĐQT của KLF là hai Phó Tổng Giám đốc khác của Tập đoàn FLC.

KLF cho doanh nghiệp liên quan FLC vay hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm hơn nửa tổng tài sản - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Bình Phương trao quyết định bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc KLF cho ông Nguyễn Đức Công. Ảnh: FLC.

Công ty TNHH Máy nông nghiệp và bao bì tự phân hủy SIP (dư nợ 289 tỉ đồng với KLF) có người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch hội đồng thành viên là một cá nhân họ Trịnh sinh năm 1991 là ông Trịnh Văn Nam. Ông Nam sở hữu 80 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty, tương ứng tỉ lệ 80%.

Ngoài SIP, ông Trịnh Văn Nam còn là lãnh đạo của 4 doanh nghiệp khác là:

CTCP Thương mại và Dịch vụ Trà Cổ: Công ty được thành lập tháng 6/2018. Trong 100 tỉ đồng vốn điều lệ, ông Trịnh Văn Nam góp 33%, Tập đoàn FLC góp 7% và một cá nhân có tên Nguyễn Minh Quang góp 60%. Tuy không phải là cổ đông cá nhân lớn nhất nhưng ông Nam vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất Nhập khẩu Damexco: Trước ngày 19/12/2017, Damexco có vốn điều lệ 4,5 tỉ đồng do hai cá nhân đóng góp là Trịnh Thị Út Xuân (500 triệu đồng) và Đỗ Thị Huyền Trang (4 tỉ đồng). Bà Trịnh Thị Út Xuân, sinh năm 1987, đồng thời là Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Damexco.

Tuy nhiên theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi được cấp ngày 19/12/2017, ông Trịnh Văn Nam đã nhận chuyển nhượng số vốn 500 triệu đồng của bà Xuân trước đây và thay bà Xuân làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Damexco.

Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát: Công ty được thành lập ngày 16/4/2018, ông Trịnh Văn Nam là người góp vốn nhiều nhất với tỉ lệ 35%, tương đương giá trị 1,75 tỉ đồng. Các thành viên góp vốn khác gồm các cá nhân Đoàn Trọng Báu (20%), Phạm Minh Hoàn (30%) và Nguyễn Văn Tiến (15%).

CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn: Công ty được thành lập ngày 8/6/2018 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng do ba cổ đông sáng lập là cá nhân đóng góp gồm: bà Vũ Thị Bích Hồng góp 30 tỉ đồng tương đương 30%, ông Trịnh Văn Nam góp 50 tỉ đồng (50%), và ông Nguyễn Thanh Tùng góp 20 tỉ đồng (20%). Ông Trịnh Văn Nam là Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.

Chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 27/7 công ty Bình Sơn được cấp giấy đăng kí kinh doanh thay đổi, theo đó vốn điều lệ của công ty tăng "sốc" lên 800 tỉ đồng, tức gấp 8 lần mức cũ. Tỉ lệ vốn góp của ba cổ đông sáng lập không thay đổi, tức là ông Nam vẫn góp 50% vốn điều lệ, tương đương 400 tỉ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/klf-cho-doanh-nghiep-lien-quan-flc-vay-hon-1000-ti-dong-chiem-hon-nua-tong-tai-san-20190423183848769.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/