Kinh tế Trung Quốc - mối nguy của thị trường chứng khoán toàn cầu

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ và các nước mới nổi diễn biến tiêu cực mà một trong những nguyên nhân là nguy cơ giảm tốc và bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần trước có nguyên nhân là lợi suât trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, lên hơn 3,2%.

Tuy nhiên ngoài ra còn có thể có một lý do khác: ngày 8/10 Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của cả Trung Quốc, Mỹ và kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Cụ thể, GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 6,2%, giảm từ mức 6,6% của dự báo trước đó, tăng trưởng của kinh tế Mỹ được kỳ vọng đạt 2,5% thay vì 2,9% như dự báo ban đầu.

Ông Liu Chang, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại công ty tư vấn Capital Economics cho rằng tăng trưởng thực tế có thể còn thấp hơn: “Chúng tôi không tin tưởng số liệu GDP mà Trung Quốc công bố, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng thực tế là 5,5% chứ không phải 6,7%. Và các thước đo của chúng tôi cho thấy tăng trưởng nhiều khả năng sẽ còn chậm lại trong năm sau”.

Trung Quốc có nhiều cách để vực dậy nền kinh tế mà các quốc gia khác không làm theo được, chẳng hạn như hạ lãi suất, tăng chi tiêu công – và thực tế là Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện các biện pháp này. Tuy nhiên nếu tăng trưởng chậm lại nhiều hơn dự kiến, các thị trường chứng khoán toàn cầu có thể lâm nguy.

Ông Liu Chang nói thêm: “Nếu các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc hạ cánh cứng tại Trung Quốc (hiện tôi vẫn chưa cảm nhận thấy điều này), thì rất có thể lịch sử của năm 2016 sẽ lặp lại”.

Tháng 1/2016, chỉ số S&P 500 mất 10,5%, đợt điều chỉnh đầu tiên của chỉ số này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nguyên nhân là sự lo ngại về tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc. Khi đó, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cắt giảm từng phần lớn của gói kích thích kinh tế được nước này bơm vào để hỗ trợ tăng trưởng. Kể từ đó, tốc độ tăng GDP của Trung Quốc luôn dưới ngưỡng 7% - thấp hơn nhiều các năm trước.

Trung Quốc chậm lại, thế giới không thể đi nhanh

Như các nhà đầu tư đã từng thấy trong quá khứ, những gì diễn ra tại Trung Quốc không chỉ tác động tới Trung Quốc, ít nhất là xét trên khía cạnh thị trường tài chính.

Mỹ đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và Tổng thống Trump đe dọa sẽ còn áp thuế lên nhiều tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nữa. Trước những diễn biến này, thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục giảm sâu.

Hôm thứ Tư tuần này, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút ra khỏi một hiệp ước bưu điện toàn cầu, trước nay hiệp ước này cho phép các công ty Trung Quốc chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng Mỹ với mức phí được chiết khấu sâu.

Chỉ số Shanghai Composite (Thượng Hải) đã giảm khoảng 22% so với hồi tháng 1, còn quỹ ETF iShares China Large-Cap – quỹ ETF liên quan đến Trung Quốc với quy mô tài sản quản lý lớn nhất – đã giảm 13,3% tính từ đầu năm. Các quỹ ETF theo dõi biến động của 300 cổ phiếu lớn nhất trên sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến như X-Trackers Harvest CSI 300 China A Shares ETF hay SPDR S&P China ETF thậm chí còn giảm mạnh hơn.

Các thị trường mới nổi cũng bị kéo tụt, một phần vì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Quỹ ETF iShares MSCI South Korea (Hàn Quốc) giảm 17,44% tính từ tháng 1, còn các quỹ ETF iShares MSCI Hong Kong và iShares MSCI Taiwan (Đài Loan) giảm lần lượt 13,4% và 6,8%. Nhìn chung, các thị trường mới nổi đều đi xuống, chỉ số iShares MSCI Emerging Markets đã giảm 14,6% từ đầu năm tới nay.

kinh te trung quoc moi nguy cua thi truong chung khoan toan cau
Biến động của các quỹ ETF của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong một năm qua. Nguồn: CNBC.

Các thị trường chứng khoán thường phản ứng tiêu cực với tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc vì một số lý do, nhưng lý do chính là quy mô: Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo ông Louis Lau, giám đốc đầu tư tại Brandes Investment Partners cho rằng, nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, kinh tế toàn cầu cũng không thể đi nhanh.

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng mua một lượng lớn hàng hóa xa xỉ trên khắp thế giới, nước này cũng tiêu thụ rất nhiều dầu mỏ và nhiều loại hàng hóa. Các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và Đức đều có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Thực tế, Liên minh Châu Âu EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. “Nếu nhu cầu từ Trung Quốc giảm, điều này chắc chắn tác động xấu tới tăng trưởng toàn cầu”, ông Lau nói.

Mắc nợ đầm đìa

Còn một vấn đề khác, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt: nền kinh tế đang chìm sâu trong nợ nần của nước này có thể gặp rủi ro lớn nếu tăng trưởng chậm lại đáng kể. Sau cuộc suy thoái 2008, Trung Quốc chi hàng nghìn tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến cho tỉ lệ nợ/GDP tăng vọt lên trên 260%. “Đây là một con số khá cao”, ông Lau nói.

Bên cạnh đó, nợ xấu có thể tăng lên ngưỡng 476 tỉ USD vào năm 2020. Nếu tỉ lệ doanh nghiệp phá sản tăng và nếu ngành ngân hàng ngầm (shadow banking) quy mô 20.000 tỉ USD không được kiểm soát, nhà đầu tư có thể sẽ hoảng sợ và tháo chạy. “Trong trường hợp đó, nhà đầu tư sẽ rút khỏi Trung Quốc và thị trường chứng khoán Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm sâu hơn hiện nay”.

Trong kịch bản xấu nhất, nếu các ngân hàng Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nợ xấu chuyển thành nợ mất vốn và tăng trưởng kinh tế chậm lại quá nhiều, các ngân hàng toàn cầu như HSBC và JP Morgan Chaseđang hoạt động tại Trung Quốc và có quan hệ mật thiết với ngân hàng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. “Tôi không nghĩ đây là một vấn đề quá lớn nhưng hệ thống ngân hàng toàn cầu đúng là có quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng Trung Quốc và nếu các ngân hàng Trung Quốc sụp đổ, hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng”.

Tiền tệ là một vấn đề khác mà các chuyên gia đang chú ý tới. Nếu nhà đầu tư dự báo đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục mất giá (giá trị đồng NDT so với USD đã giảm khoảng 9% trong năm nay), thị trường có thể rơi vào hoảng loạn.

Ông Liu Chang cho rằng giá trị đồng NDT quả thực có thể còn tiếp tục giảm, từ 6,9 NDT đổi một USD xuống 7,3 NDT đổi một USD. “Nếu thị trường cho rằng Trung Quốc đang vũ khí hóa đồng NDT hoặc cố tình phá giá, dòng vốn sẽ chảy ra rất nhanh, gây bất ổn cho thị trường”.

Các chuyên gia đều không cho rằng tình hình sẽ diễn biến tiêu cực tới mức gây ra khủng hoảng nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại luôn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. “Nếu thuế quan tăng lên và nếu ông Trump áp thuế vào tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc, thị trường sẽ lành ít dữ nhiều”, ông Liu Chang nói.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-te-trung-quoc-moi-nguy-cua-thi-truong-chung-khoan-toan-cau-100692.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/