Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines

Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính của Chính phủ, quyết định gia hạn thanh toán các khoản vay, khoản phải trả của chủ nợ và đối tác, cũng như diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (ngồi giữa) phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 10/8/2020. (Ảnh: Đức Quyền)

Lỗ gần 6.700 tỉ đồng, nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020 được soát xét bởi công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam.

Đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần nhưng kèm theo một số ý kiến nhấn mạnh. Cụ thể, theo Deloitte Việt Nam, tại ngày 30/6/2020 nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn 18.444 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 6.678 tỉ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỉ đồng.

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Do vậy, "Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả […] cũng như các diễn biến của dịch COVID-19", đơn vị kiểm toán nêu rõ.

Deloitte Việt Nam cho rằng có "các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục" của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines chật vật tìm lối thoát

Về phần mình, Vietnam Airlines cho biết để duy trì tối đa khả năng hoạt động liên tục, Tổng công ty đã thực hiện một số giải pháp như:

- Điều chỉnh lại lịch bay và các chặng bay phù hợp với nhu cầu thị trường và các diễn biến của dịch bệnh. Từ tháng 5/2020 đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (30/8), Vietnam Airlines đã mở thêm 22 chặng bay trong nước, duy trì thị phần vận tải hành khách nội địa. 

- Cơ cấu lại dịch vụ vận tải, trong đó tăng các chuyến bay chở hàng hóa trong giai đoạn suy giảm nhu cầu vận tải hành khách cả trong nước và quốc tế. Do vậy, doanh thu vận tải hàng hóa, bưu kiện trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần tương đương cùng kì năm ngoái. 

- Cắt giảm hàng loạt chi phí như chi quản lí chung, chi gián tiếp, chi quảng cáo – tiếp thị - xúc tiến thương mại, chi phí lương của phi công – tiếp viên – lãnh đạo, … 

- Đàm phán giảm giá, hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó một số đối tác đã đồng ý giảm giá thuê máy bay, nhân công bảo dưỡng, … hoặc hoãn tiến độ thanh toán đối với chi phí thuê máy bay, quản lí bay, các dịch vụ chuyến bay, … 

- Đối với lịch trả nợ vay, một số ngân hàng đã đồng ý giãn thanh toán nợ vay cho các khoản vay đến hạn từ tháng 5 tới tháng 9/2020 hoặc giãn các khoản dư nợ vay gốc đáp ứng điều kiện tại Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (là các khoản dư nợ gốc đến hạn trả từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch), hoặc giảm chi phí lãi phải trả. 

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines - Ảnh 3.

Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Quyền)

Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 10/8/2020, ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết: "Các ngân hàng thương mại trong nước đã cam kết và dự kiến giãn, hoãn nợ cho Vietnam Airlines khoảng 775 tỉ đồng", theo Thông tư 01 của NHNN và chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn do tác động của dịch bệnh. 

- Vietnam Airlines đã đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động, trong đó 8 chiếc dòng Boeing 787 và Airbus A320NEO được gia hạn nhận từ 4 đến 7 tháng.

Vietnam Airlines cũng tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lí máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lí các khoản đầu tư. Trong năm 2020, Tổng công ty đã bàn giao 3/5 máy bay A321 CEO thuộc hợp đồng thanh lí 5 máy bay đã kí từ năm 2019 và thu được toàn bộ số tiền 365 tỉ đồng. Vietnam Airlines cũng đưa ra chủ trương bán 9 máy bay A321 CEO sản xuất năm 2007-2008.

Chưa thấy tăm hơi gói giải cứu 12.000 tỉ

Từ đầu tháng 6, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã cảnh báo về khả năng cạn kiệt thanh khoản vào cuối tháng 8. 

Tại một sự kiện tổ chức ngày 10/8, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết thị trường hàng không Việt Nam tháng 6 và 7 hồi phục tích cực nhờ dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, dòng tiền của Vietnam Airlines cải thiện khoảng 1.700 tỉ đồng so với kế hoạch.

Tuy nhiên đến cuối tháng 7, dịch COVID-19 tái bùng phát khiến cho hoạt động hàng không thêm một lần nữa khó khăn, số chuyến bay của Vietnam Airlines những ngày đầu tháng 8 chỉ còn khoảng 20% so với đầu tháng 7. Lãnh đạo Vietnam Airlines một lần nữa dự báo Tổng công ty này sẽ cạn tiền vào cuối tháng 8.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines - Ảnh 4.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, đã từ nhiệm vào ngày 10/8/2020 vì đến tuổi nghỉ hưu. (Ảnh: Đức Quyền)

Chủ tịch Vietnam Airlines khi đó là ông Phạm Ngọc Minh cho biết Tổng công ty "đang hoàn tất thủ tục để trình cấp cao hơn Chính phủ về phương án hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó dự kiến cho vay 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỉ đồng".

Hiện nay đã là đầu tháng 9 nhưng chưa rõ số phận của gói hỗ trợ tổng trị giá 12.000 tỉ đồng nói trên đang ra sao.

Tuy chưa công bố gói giải cứu riêng Vietnam Airlines nhưng Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung như: Tổng cục thuế cho phép gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế; Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép tạm dừng đóng BHXH vào quĩ hưu trí và tử tuất; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lit xuống còn 2.100 đồng/lit …

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kiem-toan-nghi-ngo-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-cua-vietnam-airlines-20200901090259788.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/