Kịch bản thảm họa: Khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực dù thất cử

Khi rơi vào hoàn cảnh căng thẳng cực độ, hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ có nguy cơ sụp đổ thảm hại, Guardian nhận định. Kịch bản này từng xuất hiện vào năm 1876 và có thể thành thảm họa đen tối trong năm nay nếu ông Trump từ chối rời Nhà Trắng sau khi thất cử.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi cuối tháng 9, Tổng thống Donald Trump từng nhắc nhở nước Mỹ rằng thua cuộc không phải là một lựa chọn. Ông Trump sẽ không chấp nhận thua cử và khẳng định bất kì kết quả nào cho thấy ông thua cuộc đều là gian lận.

Chúng tôi không ngần ngại kết luận: Tổng thống Donald Trump có thể thắng hoặc thua cuộc, nhưng ông ta sẽ không bao giờ nhượng bộ. - Phóng viên Barton Gellman của tờ The Atlantic, kiêm tác giả sách bán chạy "Dark Mirror: Edward Snowden and the American surveillance State".

Kịch bản thảm họa: Khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực dù thất cử - Ảnh 1.

Đáng báo động là kịch bản đó có thể xảy ra, song một mình ông Trump thì không thể làm sụp đổ hệ thống bầu cử Mỹ.

Theo Guardian, phải có nhiều yếu tố bất thường cùng xuất hiện thì kịch bản thảm họa mới trở thành hiện thực, gồm vấn đề thống kê phiếu bầu qua thư, tình trạng chia rẽ chính trị ở các bang chiến trường Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, và tình trạng siêu phân cực trong Quốc hội Mỹ.

Kịch bản thảm họa: Khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực dù thất cử - Ảnh 2.

Hãng tin Guardian đặt ra một kịch bản cho ngày bầu cử 3/11. Đến nửa đêm, rõ ràng cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước với cách biệt lớn trong tổng số phiếu bầu phổ thông nhưng cuộc bỏ phiếu của đại cử tri còn khá căng thẳng.

Khi đại cử tri tại 47 bang và thủ đô Washington bỏ phiếu xong, ông Biden dẫn trước đương kim Tổng thống Trump với tỉ lệ 252-240 phiếu bầu. Tuy nhiên, chưa ai trong hai ứng viên tổng thống đạt đủ 270 phiếu bầu đại cử tri để giành chiến thắng.

Tất cả nín thở chờ đợi ba bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania cùng 46 phiếu bầu đại cử tri của họ.

Tại ba bang này, ông Trump đều đang có lợi thế dẫn đầu dù cách biệt không lớn, tuy nhiên kết quả bầu cử lại không bao gồm một số lượng lớn phiếu bầu gửi qua thư. Các bang khác như Colorado đã kiểm phiếu qua thư từ ngày nhận được thư, nhưng Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đợi đến ngày 3/11 mới bắt đầu kiểm. 

Do đó, họ phải mất vài ngày, thậm chí là vài tuần, để kiểm phiếu. Kết quả, cuộc bầu cử tạm rơi vào trạng thái bất định.

Tuy nhiên, ông Trump không chấp nhận. Dựa trên lợi thế đạt được trong ngày 3/11, ông Trump tuyên bố bản thân tái đắc cử. Các hãng tin đồng minh của ông nhắc lại tuyên bố này và buộc ông Biden rút lui.

Ứng viên Joe Biden không đồng ý vì ông biết phần lớn phiếu bầu qua thư tập trung ở các bang thành thị đông dân, khi mà cử tri không muốn ra ngoài bỏ phiếu để chịu rủi ro về sức khỏe. Ông Biden cũng hiểu rõ các bang này chủ yếu đứng về phía Đảng Dân chủ.

Công tác kiểm phiếu bầu qua thư ở ba bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania bị chậm trễ. Quan chức bầu cử làm việc quá sức, bị cản trở do các biện pháp giãn cách xã hội phải chật vật xử lí khối lượng phiếu bầu khổng lồ.

Trong khi đó, các luật sư của ông Trump (có Bộ Tư pháp hỗ trợ) đệ đơn kiện nhằm khẳng định hàng chục nghìn phiếu bầu phải bị hủy bỏ vì không đến đúng ngày theo qui định.

Trong quá trình kiểm phiếu, một vấn đề khác lộ ra. Lợi thế của ông Trump dần bị thu hẹp và sau đó biến mất hoàn toàn. Vào thời điểm ba bang trên hoàn thành việc kiểm phiếu gần một tháng sau cuộc bầu cử, Mỹ phải đối mặt với một kết quả bầu cử gây sốc. Ông Biden dẫn trước ở cả ba bang và có vẻ sẽ trở thành tổng thống Mỹ đời thứ 46.

Sau đó, ông Trump điên cuồng đăng tweet, khẳng định tất cả các dự đoán u ám nhất của ông đã thành hiện thực, tức là có gian lận phiếu bầu. Ông Trump cáo buộc Đảng Dân chủ đang cố gắng cướp đi chiến thắng của ông.

Thêm một bước ngoặt đáng lo ngại xuất hiện. Michigan, Wisconsin và Pennsylvania có chung bối cảnh chính trị: cả ba bang đều do các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa trung thành với ông Trump kiểm soát.

Theo đó, giới lập pháp Đảng Cộng hòa tại các thành phố như Lansing, Madison và Harrisburg tham chiến, khẳng định ông Trump chiến thắng tại bang của họ. Viện lí do về sự bất thường và chậm trễ quá mức khi kiểm phiếu qua thư, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại ba bang này trao phiếu bầu đại cử tri cho ông Trump.

Tuy nhiên, cả ba bang dao động trên lại có thống đốc Đảng Dân chủ. Bị xúc phạm trước hành động của giới lập pháp Đảng Cộng hòa, ba thống đốc Đảng Dân chủ tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania tuyên bố họ sẽ công nhận ông Biden là người chiến thắng và gửi giấy chứng nhận cho Quốc hội.

Đến ngày 6/1/2021 khi Quốc hội Mỹ mở giấy chứng nhận bầu cử của các bang và chính thức kiểm tra số liệu thống kê phiếu bầu. Thông thường, sự kiện này chỉ mang tính hình thức nhằm xác nhận ứng viên thắng cuộc, nhưng năm nay thì không.

Đột nhiên Quốc hội Mỹ phải đối mặt với một thực tế khác thường là ba bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đã gửi các giấy chứng nhận không đồng nhất, một trao phiếu đại cử tri cho ông Trump và cái còn lại cho ông Biden. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại rơi vào cảnh bất định.

Kịch bản thảm họa: Khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực dù thất cử - Ảnh 3.

Kịch bản thảm họa: Khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực dù thất cử - Ảnh 4.

Kịch bản của tờ Guardian dường như không quá xa vời khi mà nước Mỹ từng rơi vào một cuộc khủng hoảng bầu cử tương tự vào năm 1876. Đường đua vào Nhà Trắng của hai ứng viên Rutherford Birchard Hayes và Samuel J. Tilden gặp trục trặc khi ba bang riêng biệt nộp chứng nhận bỏ phiếu mâu thuẫn nhau.

Khi hai ứng viên Hayes và Tilden đều không ai giành được đa số phiếu bầu đại cử tri, Quốc hội Mỹ (Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế) bị chia rẽ và tranh cãi gay gắt nên chọn chứng nhận nào.

Quốc hội cố gắng giải quyết bế tắc bằng cách giao vấn đề cho một ủy ban bầu cử đặc biệt phân xử, tuy nhiên ủy ban này cũng bị cản trở bởi chia rẽ đảng phái. 

Ngày nhậm chức gần kề và nước Mỹ không có tổng thống đắc cử nào, hay thực chất là hai đối thủ cùng tuyên bố chiến thắng. Đương kim Tống thống Ulysses S. Grant còn cân nhắc tuyên bố thiết quân luật.

Bế tắc chỉ được thông suốt sau khi lưỡng đảng Mỹ đạt được một thỏa thuận tai hại: Đảng Cộng hòa đồng ý rút quân liên bang khỏi miền nam, mở đường cho chế độ phân chủng Jim Crow và đổi lại, ứng viên Đảng Dân chủ Tilden đồng ý nhượng bộ.

Từ trải nghiệm trên, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 (ECA). Đạo luật này hướng dẫn Quốc hội hành động nếu một bang gửi nhiều hơn một giấy chứng nhận bầu cử.

Kể từ khi được thông qua, đạo luật ECA chỉ được dùng một lần, vào năm 1969 và vấn đề này rất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến chiến thắng của Tổng thống Richard Nixon.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2021, nước Mỹ có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng bầu cử thực sự và giới lập pháp nhanh chóng nhận ra đạo luật ECA có thiếu sót và không lường trước được những trường hợp bất ổn nhất.

Do đó, Quốc hội Mỹ sắp sửa phải tranh luận gay gắt, phe này buộc tội phe kia cố gắng can thiệp bầu cử. Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua giấy chứng nhận nào thì chúng ta đều biết trước kết quả.

Bế tắc. Quốc hội Mỹ sẽ lôi nhau lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, trái với động thái can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2000 giữa George W. Bush và đương kim Phó Tổng thống Al Gore, Tòa án Tối cao lần này có thể không giải quyết được cuộc khủng hoảng.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng Tòa án Tối cao không có vai trò giải quyết tranh chấp bầu cử tại Quốc hội và đạo luật ECA năm 1887 cũng chứng thực điểm này. Do các nhà lập pháp của cả hai bên đều tuyên bố không tuân theo phán quyết bất lợi cho phía họ, Tòa án Tối cao sẽ chọn không can thiệp.

Quốc hội Mỹ bế tắc, không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Khi biểu tình làm náo loạn đất nước, ông Trump sẽ viện dẫn Đạo luật Chống Bạo động để triển khai quân đội bảo vệ "chiến thắng" của ông, Guardian nhận định.

Kịch bản thảm họa: Khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực dù thất cử - Ảnh 5.

Theo đó, nước Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng bầu cử toàn diện và không có lối thoát hòa bình hay rõ ràng nào.

Khủng hoảng có thể không xảy ra nếu ông Trump thua dứt khoát ở cả phiếu bầu phổ thông và đại cử tri, vì khả năng dùng Hiến pháp để can thiệp kết quả bầu cử của ông Trump sẽ hạn chế hơn. Tức là, Trump có thể cáo buộc có gian lận bầu cử nhưng khẳng định của ông không thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn.

Tuy nhiên nếu thất bại của ông Trump đến từ việc kiểm phiếu bầu qua thư ở các bang chiến lược, nước Mỹ có thể rơi vào thời kì đen tối, hỗn loạn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kich-ban-tham-hoa-khi-tong-thong-trump-tu-choi-chuyen-giao-quyen-luc-du-that-cu-2020101617452518.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/