Kì tích xây dựng trong thảm họa y tế

Để ứng phó với chủng mới của virus corona đang lây lan nhanh và có nguy cơ biến thành đại dịch, Trung Quốc đã sớm quyết định xây dựng hai bệnh viện qui mô nghìn giường và hoàn thành chỉ trong chưa đầy hai tuần, hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến chống COVID-19 tại tâm dịch Vũ Hán.

Kì tích xây dựng trong thảm họa y tế - Ảnh 1.

Công nhân của Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (CSCEC) đang thi công bệnh viện Hỏa Thần Sơn trong dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Associated Press.

Kinh nghiệm từ 17 năm về trước

Virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hiện COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là đại dịch và lan tới hầu như tất cả quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu, làm ít nhất 880.000 người nhiễm bệnh và 42.000 người tử vong.

Tin tức về COVID-19 ngày lay tràn lan trên mọi phương tiện truyền thông cũng như trong những cuộc nói chuyện hàng ngày của từng người.

Tuy nhiên trong giai đoạn đầu khi số ca nhiễm còn thấp, ít ai chú ý và đánh giá được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Hôm 21/1 WHO mới bắt đầu theo dõi tình hình dịch bệnh và ghi nhận 282 ca dương tính ở 4 quốc gia, trong đó Trung Quốc là 278. Ngày hôm sau, số ca xét nghiệm dương tính trên thế giới tăng lên thành 314 và hôm 23/1 lên thành 581, đại đa số đều ở Trung Quốc đại lục.

Năm 2003, Trung Quốc đã từng phải đối với dịch suy hô hấp cấp tính nặng (SARS). Nhiều bệnh viện quá tải đã phải dừng tiếp nhận bệnh nhân, khiến cho số người tử vong vì SARS cao một cách không đáng có. Chính phủ Trung Quốc năm 2003 đã quyết định gấp rút xây dựng một bệnh viện mới nhằm giảm tải cho các bệnh viện đang hoạt động.

Trong 6 ngày, hơn 7.000 công nhân xây dựng đã làm việc cật lực để hoàn thành bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở gần thủ đô Bắc Kinh, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị nhiều bệnh nhân SARS.

Sau khi đại dịch kết thúc, cả giới chức Trung Quốc và WHO đều coi việc xây dựng bệnh viện Tiểu Thang Sơn là quyết định đúng đắn.

Trên toàn thế giới có 8.427 trường hợp được xác nhận nhiễm SARS trong đó có 813 người chết, tương ứng với tỉ lệ tử vong là 9,6%. Trong khi đó Tiểu Thang Sơn tiếp nhận chữa trị cho 680 bệnh nhân SARS nhưng chỉ có 8 người tử vong, tương đương tỉ lệ chỉ 1,18% và tuyệt nhiên không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm từ bệnh nhân. 

Các chuyên gia của WHO phải công nhận quá trình xây dựng và quản lí bệnh viện khẩn cấp này là "hết sức ấn tượng".

Các triệu chứng của SARS tương đối nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao, dẫn tới khả năng lây nhiễm trong cộng đồng thấp. Ngược lại, các triệu chứng của COVID-19 trong giai đoạn đầu khá nhẹ và không khác biệt nhiều so với cúm thường khiến nhiều người chủ quan và vẫn sinh hoạt bình thường, làm cho bệnh lây lan rất nhanh.

Rút ra bài học từ đợt bùng phát SARS 17 năm về trước, trong lần ứng phó với COVID-19 này các quan chức Trung Quốc sớm ra quyết định xây mới không chỉ một mà hai bệnh viện lớn ở tâm dịch Vũ Hán để đương đầu với đại dịch đang ập tới.

Ngày 23/1/2020 – khi số ca dương tính với dịch còn chưa tới con số 600, bệnh viện Hỏa Thần Sơn qui mô 1.000 giường đã được khởi công xây dựng với mục tiêu hoàn thành và bắt đầu đón bệnh nhân vào 3/2, tức chỉ trong vòng 10 ngày.

Với kinh nghiệm từ thời xây dựng bệnh viện Tiểu Thang Sơn kết hợp với những tiến bộ về công nghệ và kĩ thuật trong 17 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện được mục tiêu có vẻ như không tưởng đó.

Lựa chọn vị trí và nhà thầu

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được xây dựng trên một bãi đất trống cách trung tâm thành phố Vũ Hán 22 km, qua đó tránh được khu dân cư đông đúc và giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Bãi đất trống này lại nằm ngay cạnh một con đường lớn, thuận tiện cho việc giao thông.

Kì tích xây dựng trong thảm họa y tế - Ảnh 2.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được xây dựng cạnh một trục đường cao tốc. Nguồn: Copernicus Sentinel, via Reuters.

Sau khi dự án khởi công, một phần đoạn đường này được chặn lại và chuyển thành bãi đậu xe cũng như nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng.

Nhà thầu được chọn cho dự án quan trọng này là Công ty Xây dựng số 3 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (CSCEC). 

Tính theo doanh thu, CSCEC là công ty xây dựng lớn nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp từ 2016 đến 2019, từng tham gia vào những công trình khổng lồ như siêu nhà máy Gigafactory sản xuất xe điện của Tesla ở Thượng Hải, xây dựng thành phố thủ đô mới của Ai Cập, sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh, …

Nếu có một công ty nào đó có thể hoàn thành một bệnh viện nghìn giường trong vòng 10 ngày, đó chắc chắn phải là CSCEC.

Kì tích xây dựng trong thảm họa y tế - Ảnh 3.

7/10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc.

Cũng trong 4 năm liêp tiếp 2016- 2019, trong top 10 công ty xây dựng doanh thu lớn nhất toàn cầu có tới 7 công ty Trung Quốc, cho thấy vị thế "bá đạo" của đất nước tỉ dân trong lĩnh vực này.

Cuối năm 2011, công ty xây dựng Broad Sustainable Building của Trung Quốc hoàn thành một tòa nhà 30 tầng chỉ trong 15 ngày. Năm 2015, Broad Sustainable Building xây xong một tòa nhà 57 tầng trong 19 ngày.

Trong vòng 15 năm tính tới năm 2010, Trung Quốc đã xây dựng được khối lượng công trình tương đương toàn bộ nhà ở trên khắp châu Âu.

Bệnh viện dần thành hình

Trước khi thực sự bắt tay vào xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn, nhà thầu phải dọn sạch các loại cây cối và san lấp mặt bằng. Nhìn từ trên cao, hàng trăm chiếc máy xúc, máy ủi, ô tô như chen nhau trên một bãi đất trống ở ngoại ô Vũ Hán. 

Tuy vậy, quá trình dọn dẹp cũng phải mất tới hai ngày (48 giờ đồng hồ) mới hoàn thành, một phần nguyên nhân là ngày khởi công 23/1 chính là hôm 29 Tết, đa phần công nhân đã về quê dẫn tới thiếu hụt lao động.

Đến ngày 26/1, CSCEC bắt đầu thi công phần móng của bệnh viện. Ở dưới cùng là một lớp cát dày 8 cm, sau đó đến một lớp vải địa kĩ thuật (geotextile) rồi đến một lớp nhựa, thêm một lớp vải địa kĩ thuật và lại một lớp cát nữa. Cuối cùng, bê tông được đổ lên trên và để cho khô trong vài ngày.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn khi còn là bãi đất trống (ảnh trái, ngày 24/1) và khi thành hình (ảnh phải, 2/2). Nguồn: Getty Images.

Còn phần nổi của tòa nhà được xây như thế nào? Để có thể hoàn thành bệnh viện trong vòng 10 ngày, chắc chắn CSCEC phải sử dụng các loại vật liệu đúc sẵn (prefabricated material).

Các bức tường, cửa chính, cửa sổ, … được sản xuất trước tại các nhà máy ở nơi khác rồi sau đó được vận chuyển tới địa điểm xây dựng để lắp ráp lại với nhau. Cách làm này có hai ưu điểm.

Thứ nhất, các "mảnh ghép" được sản xuất hàng loạt bằng dây chuyền công nghiệp với lợi thế về qui mô nên có giá thành rẻ hơn so với khi làm nhỏ lẻ cho từng công trình một.

Thứ hai, quá trình sản xuất diễn ra ở nơi khác, công trường chỉ là nơi lắp ghép với nhau nên thời gian thi công được giảm đi đáng kể.

Trong trường hợp bệnh viện Hỏa Thần Sơn, giá thành chi phí không phải vấn đề quá lớn nhưng thời gian lại là yếu tố thiết yếu với sự sống còn của hàng nghìn người bệnh và sử dụng vật liệu đúc sẵn có thể đảm bảo hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Video quá trình xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn trong 10 ngày. Nguồn: Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CGTN)

Hoàn thiện và hoạt động

Những bộ phận đầu tiên của tòa nhà bệnh viện được lắp ghép với nhau vào ngày 27/1, tức chỉ 4 ngày sau khi dự án được khởi công. Trong khi một bộ phận lao động tập trung xây dựng tòa nhà, một bộ phận khác lại có nhiệm vụ quan trọng không kém là chuẩn bị hệ thống cống ngầm, ống cấp nước, đường dây điện, điện thoại và tất nhiên là cả mạng internet.

Các hệ thống tiện ích như điện và nước do các công ty nhà nước Trung Quốc phụ trách. Riêng với mạng internet và hệ thống công nghệ thông tin bên trong bệnh viện, các tập đoàn tư nhân như Huawei và Lenovo đã lao vào giúp sức.

Đến các ngày 29 và 30/1, các khối vật liệu đúc sẵn đã được lắp đặt gần như xong hết và các công nhân bắt đầu trang bị nội thất cho những phòng bệnh này. Mỗi phòng có hai giường bệnh, một số đồ dùng y tế và một nhà vệ sinh.

Vì COVID-19 là một loại bệnh đường hô hấp rất dễ lây nên bệnh viện được xây dựng để điều trị đại dịch này phải có các phòng áp lực âm. Hệ thống thông khí phải đảm bảo rằng không khí trong phòng đi qua một máy hút nhất định chứ không tùy tiện phát tán qua cửa ra vào hay cửa sổ.

Khu vực tiếp đón bệnh nhân, khám bệnh, văn phòng, nhà ăn, … cũng được xây dựng.

Ngày 2/2, 8 máy bay vận tải của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) chở theo hàng nghìn nhân viên quân y Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Vũ Hán. 

Các bác sĩ, dược sĩ, y tá này đã nhanh chóng tiến về bệnh viện 1.000 giường Hỏa Thần Sơn vừa được hoàn thiện. Ngày hôm sau 3/2 – đúng 10 ngày sau khi khởi công, Hỏa Thần Sơn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.

Sau vài tuần, Hỏa Thần Sơn đón hàng trăm rồi hàng nghìn bệnh nhân ở khu vực thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

Ngày 5/2, một bệnh viện khẩn cấp khác là Lôi Thần Sơn với qui mô lên tới 1.600 giường cũng bắt đầu khám chữa cho bệnh nhân chỉ sau 12 ngày thi công thần tốc. Quá trình xây dựng Lôi Thần Sơn cũng sử dụng các vật liệu đúc sẵn tương tự như với Hỏa Thần Sơn.

Video quá trình xây dựng bệnh viện Lôi Thần Sơn trong 12 ngày. Nguồn: Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CGTN)

Một mũi tên trúng hai đích

Hai bệnh viện được xây dựng thần tốc, cùng với các bệnh viện dã chiến được dựng lên tại các nhà thi đấu, viện bảo tàng, khu trưng bày, … đã giúp giảm tải cho các bệnh viện vốn có ở Vũ Hán, qua đó cứu sống được hàng nghìn người bệnh.

Đến nay dịch bệnh tại Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung cơ bản đã được kiểm soát, các ca bệnh mới tại Trung Quốc hiện nay chỉ là những người mới từ nước ngoài về, không phải lây nhiễm trong nước. Chính quyền Trung Quốc đã gỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế đi lại và khuyến khích người dân quay lại nếp sống và làm việc bình thường.

Tại tâm dịch Vũ Hán, toàn bộ bệnh viện dã chiến đã bị đóng cửa do không còn bệnh nhân. Dự kiến từ ngày 8/4 tới, lệnh phong tỏa áp dụng với Vũ Hán từ ngày 23/1 sẽ được gỡ bỏ. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tới thăm Vũ Hán, cho thấy tình hình đã được kiểm soát.

Kì tích xây dựng trong thảm họa y tế - Ảnh 8.

Dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Trung Quốc, số ca bệnh đang đi ngang.

Mục đích chính yếu nhất của việc xây dựng bệnh viện chắc chắn là để chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên Trung Quốc cũng tranh thủ sự kiện này để quảng bá trình độ xây dựng của mình, qua đó phân tán sự chú ý của dư luận về phản ứng chậm trễ và hành vi che dấu của chính quyền địa phương khi dịch mới xuất hiện hồi cuối năm 2019.

Hầu như tất cả các cơ quan truyền hình, thông tấn của Trung Quốc đều có mặt tại Vũ Hán để truyền tin trực tiếp từ công trường Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn. Đối với nhiều người dân Trung Quốc, quá trình xây dựng thần tốc hai bệnh viện này đã trở thành hiện thân của những nỗ lực chống lại virus corona chủng mới.

Đến khi hai bệnh viện hoàn thành và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân, truyền thông quốc tế cũng không khỏi thán phục trước năng lực xây dựng thần tốc của đất nước tỉ dân. Có thể nói, chính quyền Trung Quốc đã đạt được cả hai mục đích của mình.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ki-tich-xay-dung-trong-tham-hoa-y-te-2020040123025684.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/