Khủng hoảng ngân hàng lan đến châu Âu: Cổ phiếu nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ mất 1/4 giá trị

Credit Suisse đã mất khoảng 1/4 vốn hóa sau khi nhà đầu tư lớn nhất tuyên bố không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính. Các nhà đầu tư đang đặt cược ngày càng lớn vào khả năng vỡ nợ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ.

Theo Reuters, cổ phiếu của Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, đã mất 1/4 giá trị trong ngày 15/3 sau khi nhà đầu tư lớn nhất tuyên bố không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính.

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi Ammar Al Khudairy cho biết: “Chúng tôi không thể, bởi chúng tôi sẽ vượt quá 10%. Đó là vấn đề về quy định”. Ngân hàng này đã mua gần 10% cổ phần của Credit Suisse vào năm ngoái, và cam kết đầu tư tới 1,5 tỷ franc Thụy Sỹ (1,5 tỷ USD).

Việc cổ phiếu của Credit Suisse giảm mạnh đã khiến các nhà đầu tư trở nên lo lắng về khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng toàn cầu sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB).

Phát biểu tại một hội nghị vào ngày 15/3, ông Ralph Hamers, CEO của UBS, đối thủ lớn nhất của Creddit Suisse tại Thụy Sỹ, cho biết ngân hàng này đã hưởng lợi từ những bất ổn thị trường gần đây và nhận được dòng tiền gửi.

Ông Hamers nói: “Như mong đợi, trong vài ngày qua, chúng tôi đã chứng kiến dòng tiền đổ vào. Rõ ràng [khách hàng] đang tìm đến nơi an toàn, nhưng tôi nghĩ [vài ngày] vẫn chưa thể tạo thành xu thế”.

Trước đó một ngày, Credit Suisse đã công bố báo cáo thường niên năm 2022, trong đó, ngân hàng đã xác định được “những điểm yếu quan trọng” trong việc kiểm soát báo cáo tài chính cũng như chưa ngăn được việc khách hàng rút tiền.

Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ đang tìm cách phục hồi sau một loạt vụ bê bối làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và khách hàng. Dòng tiền chảy ra trong quý IV/2022 tại ngân hàng này đã tăng lên hơn 110 tỷ franc (120 tỷ USD).

Credit Suisse liên tục vướng vào bê bối trong những năm qua.

Giá các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Credit Suisse đã tăng lên 574 điểm cơ bản. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) là một công cụ tài chính hoặc hợp đồng cho phép nhà đầu tư hoán đổi hoặc bù đắp rủi ro tín dụng của mình với nhà đầu tư khác. Giá của hợp đồng này tăng lên đồng nghĩa với việc thị trường đang kỳ vọng khả năng vỡ nợ của Credit Suisse ngày càng lớn.

Đầu tuần này, CEO của Credit Suisse, ông Ulrich Koerner đã tuyên bố rằng tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản trung bình của ngân hàng đạt 150% trong quý I/2023 - cao hơn nhiều so với quy định.

Rủi ro lan từ Mỹ sang châu Âu

Sự sụt giảm của cổ phiếu Credit Suisse đã kéo chỉ số ngân hàng châu Âu đi xuống hơn 6%. “Chúng ta chuyển từ vấn đề của các ngân hàng Mỹ sang các ngân hàng châu Âu, đầu tiên phải kể đến Credit Suisse”, ông Carlo Franchini, người đứng đầu bộ phận khách hàng tổ chức tại Banca Ifigest, cho biết.

CEO của BlackRock, ông Laurence Fink cảnh báo rằng các ngân hàng địa phương của Mỹ vẫn rủi ro, đồng thời dự đoán lạm phát cao, và lãi suất tiếp tục đi lên. Ông Fink mô tả tình hình tài chính hiện nay “là cái giá phải trả của tiền rẻ” và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất cao hơn. 

Bất chấp khủng hoảng ngân hàng nhen nhóm tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn nghiêng về khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm % vào ngày 16/3, theo nguồn tin của Reuters.

Các nhà đầu tư đã bắt đầu nghi ngờ về cam kết tăng lãi suất mạnh của ECB khi sự sụp đổ của SVB làm rung chuyển thị trường. Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết ECB khó có thể thay đổi kế hoạch nâng lãi suất bởi động thái như vậy có thể gây tổn hại đến uy tín. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khung-hoang-ngan-hang-lan-den-chau-au-co-phieu-nha-bang-lon-thu-hai-thuy-sy-mat-14-gia-tri-2023315204021311.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/