Không thể bảo vệ cả người cho vay lẫn con nợ: Thế khó của các nền tảng tín dụng ngang hàng ở Việt Nam

Do Việt Nam chưa có khung pháp lí cho hoạt động vay ngang hàng, phần lớn doanh nghiệp thường đảm nhận vai trò kết nối giữa người vay và người cho vay, song không thể bảo vệ cả hai bên về pháp lí.

Trong nhiều năm, thị trường tín dụng đen đã "chà đạp" những công dân dễ tổn thương về phương diện kinh tế ở Việt Nam. Đó là những người mà địa vị xã hội ngăn cản họ tiếp cận những kênh chính thức để vay tiền. 

Những người vay tiền phải chịu lãi vay cực cao và sự quấy rầy mang tính bạo lực nếu họ không thể trả khoản nợ ngắn hạn đúng thời gian.

Vì mức độ phổ biến cao của Internet và sự bùng nổ về số lượng người sở hữu điện thoại di động, tín dụng đen đã dịch chuyển lên không gian số như một điều tất yếu.

Vài hôm trước, cũng trong tháng 11, Bộ Công an đã công bố cảnh báo chính thức về sự lan truyền nguy hiểm của những ứng dụng cho vay tiền với lãi suất lên tới 1.600% mỗi năm và sử dụng những biện pháp bạo lực phi pháp để đe dọa người vay, đôi khi bằng cách tịch thu tài sản của người vay.

tin dung den2

Một quảng cáo cho vay ngang hàng trên cột điện. Ảnh: VnEconomy

Do áp lực từ những kẻ cho vay nặng lãi, một số người vay thậm chí đã phải tự sát. Những người cho vay ngang hàng đã mang tới một cách thức khác để cung cấp tín dụng.

Nhưng với việc thiếu một khung pháp lí để điều chỉnh mô hình kinh doanh mới này ở Việt Nam, giới phân tích nhận định mô hình ấy có thể gây hại, đẩy người dân tới những rủi ro lớn hơn do họ không thể phân biệt những người cung cấp dịch vụ đáng tin cậy với những kẻ cung cấp dịch vụ không minh bạch hay thậm chí thực hiện hành vi gian lận một cách lộ liễu.

Sự trỗi dậy tất yếu của dịch vụ cho vay ngang hàng

Khoảng 70% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng, theo Chỉ số Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới năm 2017. Trong số những người gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nhiều người không đủ tiêu chuẩn để vay tiền từ các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống.

YCP Solidance, một tổ chức tư vấn tập trung vào khu vực châu Á, tin rằng tỉ lệ dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng đang giảm, song Việt Nam vẫn kém một số quốc gia Đông Nam Á về tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng.

Cũng theo tính toán của YCP Solidance, thị trường công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam có thể xử lí tổng số giao dịch có giá trị 7,8 tỉ USD vào năm 2020. Sự phát triển của thanh toán số thúc đẩy qui mô thị trường công nghệ tài chính.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước tính khoảng 150 công ty fintech đang tồn tại ở Việt Nam, với 40 công ty trong số đó hoạt động trong mảng cho vay.

Hàng loạt ứng dụng cho vay ngang hàng dành cho người Việt xuất hiện trong kho ứng dụng Android. Ảnh chụp màn hình.

Các doanh nghiệp fintech hướng tới tiềm năng kinh doanh hấp dẫn trong mảng cho vay tiêu dùng vi mô ở Việt Nam do những yếu tố như nhân khẩu học thuận lợi, mức độ sẵn sàng tiêu dùng tăng, tỉ lệ dân số chưa có tài khoản ngân hàng còn cao, theo báo cáo về cho vay tiêu dùng ở Việt Nam mà Fitch Ratings' công bố.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng vi mô, bao gồm những gói vay mà doanh nghiệp cho vay ngang hàng cung cấp, tiềm ẩn nguy cơ cao vì những người vay hoàn toàn không thuộc tầm ngắm của các tổ chức tài chính truyền thống hay công ty cho vay tiêu dùng, chủ yếu do họ không có hồ sơ tín dụng chính thức.

Lỗ hổng pháp lí ở Việt Nam

Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng khung pháp lý cho hoạt động vay ngang hàng, nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa công bố dự thảo quy định quản lý hoạt động này, theo Tạp chí Tài chính.

Vì chúng ta chưa có khung pháp lí cho hoạt động vay ngang hàng, phần lớn doanh nghiệp thường đảm nhận vai trò nền tảng kết nối giữa người vay và người cho vay, theo một báo cáo về tín dụng ngang hàng của hãng luật Allens.

Mặc dù vậy, các nền tảng kết nối phải chấp nhận nguy cơ không thể bảo vệ pháp lí cho cả bên vay lẫn người cho vay. 

Khoảng trống pháp lí cũng cản trở sự phát triển tổng thể của ngành, bởi các doanh nghiệp cho vay có thể tham gia các hoạt động của ngân hàng mà luật pháp không cho phép các tổ chức phi tín dụng thực hiện.

Một số nền tảng cho vay ngang hàng như Vay Mượn hay Tina được coi là những doanh nghiệp nổi bật trong hệ sinh thái fintech ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ cần lướt qua App Store, người ta có thể thấy nhiều ứng dụng cho vay có nguồn gốc không rõ ràng ở Việt Nam.

Hồi tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo các tổ chức tín dụng trong nước và chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam nên thận trong khi hợp tác với những tổ chức cho vay ngang hàng. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, một số công ty cho vay ngang hàng trong nước đã lừa các nhà đầu tư và người vay để họ tin rằng những hoạt động cho vay được bảo vệ bởi pháp luật và được bảo hiểm rủi ro.

Do cảnh báo của Bộ Nội vụ và lỗ hổng pháp lí, đương nhiên niềm tin của công chúng đối với các dịch vụ cho vay ngang hàng không cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-the-bao-ve-ca-nguoi-cho-vay-lan-con-no-the-kho-cua-cac-nen-tang-tin-dung-ngang-hang-o-viet-nam-20191124000010525.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/