Không người dùng, mạng xã hội du lịch vẫn gọi vốn thành công 1 triệu USD trên Shark Tank Việt Nam

Dù chưa có người dùng, thậm chí “đốt tiền”, nhưng mạng xã hội du lịch Astra vẫn gọi thành công 1 triệu USD từ doanh nhân Phạm Thanh Hưng trong Shark Tank Việt Nam.

Tham vọng chiếm 5% thị phần du lịch trực tuyến toàn cầu

Lên sóng Shark Tank Việt Nam vào tối 18/9, Nguyễn Tiệp – người đồng sáng lập mạng xã hội du lịch Astra - kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần. Anh muốn Astra sẽ chiếm 5% thị phần du lịch trực tuyến toàn cầu trong 5 năm và trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới.

Nhà sáng lập cho biết, Astra là mạng xã hội đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ trả thưởng cho người dùng dựa trên nền tảng blockchain. Khoảng 3 – 6 tháng, nền tảng sẽ đạt tầm 200.000 user (người dùng).

Astra định giá đầu tư 5 USD/ người dùng để họ kiếm về 50 USD/ người dùng/ năm cho nền tảng. Doanh thu của mạng xã hội chủ yếu từ quảng cáo, booking (đặt trước) và các dịch vụ khuyến mãi. Hiện tại, mạng xã hội này chưa chính thức ra mắt và mọi con số về người dùng chỉ là giả định.

Không người dùng, mạng xã hội du lịch vẫn gọi vốn thành công 1 triệu USD trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 1.

Về cơ cấu cổ đông, Tiệp sở hữu 28% cổ phần Astra và mỗi người đồng sáng lập còn lại chiếm 24% cổ phần/người. Dự án từng kêu gọi thành công 100.000 USD cho 6% cổ phần từ hai nhà đầu tư thiên thần.

"Đốt tiền" để thu hút người sử dụng

"Cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, startup đang đốt tiền vào người sử dụng thay vì kiếm lợi. Nếu người dùng không đóng góp cho Astra thì họ trở thành "user rác".

"Các bạn đang bán cho nhà đầu tư một tương lai giả định. Các bạn đang kêu gọi shark rót vốn 10 tỉ đồng cho mảnh đất để chục năm nữa lên giá 100 tỉ đồng thì bán lại cho shark. Astra chưa có gì mà định giá 10 triệu USD để kêu gọi nhà đầu tư và dự kiến dùng số tiền đó xây dựng công ty trị giá 10 triệu USD", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Đánh giá nhà sáng lập định giá quá cao, "bà ngoại" Đỗ Kim Liên hoán đổi vị trí, kêu gọi Tiệp đầu tư dưới 500.000 USD cho đội ngũ nhân viên của bà hoàn thành tốt những phần Astra đang thực hiện dang dở.

Tạo ra nhiều "rác" và phiền toái

Chủ tịch NextTech nói thêm, bản thân công nghệ blockchain chưa đi vào thực tế, dù là xu hướng tương lai nhưng vẫn đang phải tự chứng minh tính hữu dụng. Và chưa công ty nào ứng dụng công nghệ block chain thành công.

Anh Bình còn thẳng thắn chỉ ra điểm tiêu cực trong mô hình kinh doanh Astra là tạo ra rất nhiều "rác" và phiền toái. Ông khuyên nhà sáng lập nên tập trung giải quyết những vẫn đề mà xã hội đang cần và thiếu.

Phản bác ý kiến của nhà đầu tư, Nguyễn Thị Thanh Hoa – người phụ trách truyền thông dự án Astra - lập luận những mô hình kiếm tiền trực tuyến như đọc email hay xem quảng cáo nhận tiền chắc chắn sinh ra nhiều "rác" vì là mô hình kiếm tiền. Trái lại, hình thức trả thưởng của Astra sẽ thu hút lượng người dùng nhất định giống Youtube và chỉ những người dùng chất lượng (có điểm uy tín cao) mới được trả tiền.

Hoa chia sẻ, Astra còn phát triển ứng dụng đặt vé. Chữ "Booking" trên mạng xã hội sẽ dẫn khách hàng tới ứng dụng đó.

Không người dùng, mạng xã hội du lịch vẫn gọi vốn thành công 1 triệu USD trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Thanh Hoa (ở giữa bên phải) – người phụ trách truyền thông dự án mạng xã hội du lịch Astra trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

"Vừa đá bóng vừa thổi còi"

Ông chủ bất động sản Phạm Thanh Hưng nhận định, việc Astra phát triển đồng thời mạng xã hội, mạng đánh giá và đặt vé là "vừa đá bóng vừa thổi còi" sẽ khiến người dùng nghi ngờ về tính xác thực thông tin.

Bốn doanh nhân là Nguyễn Hòa Bình, Đỗ Liên, Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Thanh Việt lần lượt từ chối đầu tư. Ông Việt tiết lộ, bản thân không thích những cộng đồng lợi ích vì người nào đến với mình vì lợi ích thì sẽ ra đi vì lợi ích.

"Astra có 4 vấn đề, bao gồm: Blockchain không thể giúp dự án thành công, mô hình trả thưởng thiếu khả thi, vẽ ra ứng dụng giả định mà đặt mục tiêu chiếm 5% doanh thu du lịch trực tuyến toàn cầu trong 5 năm và nên đứng ở mặt đất khi chào đầu tư với đối tác", ông Bình khẳng định.

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng "lội ngược dòng" rót 1 triệu USD

Từng đầu tư vào bất động sản du lịch và nền tảng du lịch, Phó chủ tịch CenGroup muốn làm nhà đầu tư thiên thần, đề nghị rót 100.000 USD cho 5% cổ phần và 900.000 USD còn lại cho 15% cổ phần kèm điều kiện 900.000 USD chỉ giải ngân khi ông nhìn thấy mô hình kinh doanh Astra có tiềm năng phát triển.

Trước con số "cá mập" đưa ra, nhà sáng lập thương lượng 200.000 USD đổi lấy 5% cổ phần và 800.000 USD còn lại đổi lấy 5% cổ phần. Ông Hưng lập tức thay đổi con số thành 100.000 USD cho 5% cổ phần và 900.000 USD cho 10% cổ phần tiếp theo.

Nguyễn Tiệp tiếp tục điều chỉnh con số là 200.000 USD cho 5% cổ phần và 800.000 USD cho 15% cổ phần.

"Số tiền này chỉ đủ cho các bạn trà bánh uống nước thôi. Các bạn ước mơ chiếm 5% du lịch trực tuyến toàn cầu thì cò kè gì vài trăm ngàn USD. Chia đôi lấy nửa 150.000 USD cho 5% cổ phần nhé", ông Hứng nói dí dỏm.

Nhà sáng lập đồng ý hợp tác với doanh nhân Phạm Thanh Hưng với gói vốn 150.000 USD cho 5% cổ phần và 850.000 USD cho 15% cổ phần tiếp theo và chỉ giải ngân 850.000 USD nếu thấy Astra tiềm năng và đạt KPIs (chỉ số đánh giá doanh nghiệp).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-nguoi-dung-mang-xa-hoi-du-lich-van-goi-von-thanh-cong-1-trieu-usd-tren-shark-tank-viet-nam-20190919012321955.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/