Không đâu bằng nhà: Cánh cửa sang Mỹ hẹp dần, doanh nghiệp Trung Quốc quyết lập nghiệp trên quê hương

"Không đâu bằng nhà" có lẽ là chiến lược mới của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sau khi họ "vấp ngã" tại thị trường Mỹ vì cuộc chiến thương mại khốc liệt và kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

1

Ảnh: Reuters

Nỗ lực vươn ra thế giới không mang lại "quả ngọt" lâu dài

Trong hơn một thập kỉ, nhà sản xuất Matsutek đã miệt mài xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều thương hiệu phương Tây.

Hãng này sản xuất hàng hóa tại các nhà máy ở Trung Quốc và phân phối chúng cho các doanh nghiệp Mỹ như Philips và Honeywell cũng như cho thị trường nước ngoài khác.

Chiến lược của Matsutek đã mang lại hiệu quả, giúp hãng vươn lên thành nhà sản xuất robot hút bụi lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên sau đó, công ty có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan) này lại trở thành một trong rất nhiều "nạn nhân" của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Doanh số sản phẩm của Matsutek tại Mỹ đã giảm 1/5 vào năm ngoái khi hàng hóa Trung Quốc bị chính phủ Mỹ đánh thuế 25%. Trước tình hình đó, Matsutek buộc phải đóng cửa hai trong số 11 dây chuyền lắp ráp đặt tại Trung Quốc đại lục.

Vốn đã thất vọng với thị trường Mỹ sau một cuộc chiến pháp lí với đối thủ iRobot Corp năm 2017, thuế quan là đòn đau cuối cùng trước khi Matsutek chuyển trọng tâm sang sản phẩm máy hút bụi "Jiaweishi" vào tháng 12/2018.

Với trọng tâm mới, Matsutek đã nỗ lực quảng bá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba cũng như trang mua sắm Pinduoduo.

"Đây là khoảnh khắc thức tỉnh của Matsutek. Chúng tôi nhận ra công ty không thể chỉ dựa vào thị trường nước ngoài được. Thay vào đó, chúng tôi nên xây dựng thương hiệu riêng tại Trung Quốc", Reuters dẫn lời ông Terry Wu, tổng quản lí của hai nhà máy Matsutek ở Thâm Quyến, cho hay.

Chiến tranh thương mại thức tỉnh doanh nghiệp Trung Quốc

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra bước ngoặt cho vô số nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) Trung Quốc để họ đi từ hướng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp phương Tây sang tái định vị thương hiệu và bán sản phẩm. Cũng nhờ lực lượng OEM kể trên mà Trung Quốc mới xây dựng được tên tuổi "Công xưởng thế giới".

Đối với một công ty như Matsutek, cuộc chiến thương mại buộc họ phải tư duy lại chiến lược kinh doanh, trong khi đối với các doanh nghiệp vốn xây dựng thương hiệu nhắm vào người tiêu dùng Trung Quốc từ trước, thương chiến lại khuyến khích họ tăng cường nỗ lực hơn nữa.

"Là một nhà sản xuất OEM, doanh nghiệp sẽ bị động giống như bác nông dân luôn trông chờ vào một năm mưa thuận gió hòa. Tại sao chúng ta không xây dựng thương hiệu riêng, hạ giá xuống một chút và cung cấp sản phẩm có cùng chất lượng với thương hiệu nước ngoài", ông Wu tự hỏi.

Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan mật thiết với thị trường Mỹ, xây dựng thương hiệu trong nước là một trong số ít chiến lược mà họ có thể áp dụng bên cạnh chuyển sản xuất sang quốc gia khác. Chiến thuật này đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng.

Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc tốt hơn hết nên chuẩn bị đối đầu những công ty từng là đối tác của họ

Về lâu dài, nếu doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có nhiều động lực để xây dựng thương hiệu riêng, sự cạnh tranh giữa họ và các công ty nước ngoài sẽ càng thêm khốc liệt.

"Các công ty Trung Quốc, vốn từng là đối tác kinh doanh và nhà cung cấp của doanh nghiệp nước ngoài, sẽ trở thành đối thủ của họ", ông Jason Ding, đối tác tại công ty tư vấn Bain & Company, nhận định.

Cũng theo ông Ding, các thương hiệu nước ngoài tại thị trường Trung Quốc cũng cần phải nâng tầm sức vóc của bản thân trước cuộc cạnh tranh gay gắt sắp đến.

Thương mại điện tử - vị cứu tinh và là công cụ thúc đẩy công ty Trung Quốc tái định vị thương hiệu

Anhui Deli, một nhà sản xuất li rượu và đồ thủy tinh khác với doanh thu thường niên là 800 triệu nhân dân tệ (113 triệu USD), cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan.

"Mỹ là thị trường tăng trưởng chính của chúng tôi cho đến năm nay, nhưng do chiến tranh thương mại, khách hàng ngần ngại đặt hàng và nhiều đơn hàng từ Mỹ đã bị hủy", ông Cheng Yingling, giám đốc marketing của công ty này cho hay.

Theo Reuters, thuế quan bổ sung có hiệu lực từ tháng 9 sẽ nâng thuế suất đối với mặt hàng thủy tinh Trung Quốc lên 40% - đây là một đòn đánh mạnh cho ngành chế tạo thủy tinh.

Thế nhưng, doanh số bán hàng trên các sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc đã giúp bù đắp một phần nỗi đau của Anhui Deli. Gần đây, sau khi hợp tác với Pinduoduo, doanh số của một loại bình thủy tinh đã chạm ngưỡng 50.000 chiếc/tháng - gấp khoảng ba lần so với doanh số của sản phẩm tương tự bán ở các cửa hàng.

Cả Matsutek (công ty có mức doanh thu 500 triệu nhân dân tệ vào năm ngoái) và Shenzhen MTC (nhà cung ứng TV cho hãng bán lẻ Walmart dưới thương hiệu Onn với doanh thu thương niên là 13 triệu nhân dân tệ) đều đã dành nhiều tháng để nghiên cứu chuyển qui trình sản xuất một số sản phẩm sang Việt Nam.

Tuy nhiên, kế hoạch của họ đã tạm dừng sau khi chính phủ Mỹ đe dọa đánh thuế Việt Nam hồi tháng 6.

Từng mua bản quyền thương hiệu JVC tại Trung Quốc hồi năm 2017, MTC cũng đã bắt đầu hợp tác cùng Pinduoduo.

Nhờ chiến tranh thương mại thúc đẩy phần nào, Pinduoduo đang thu hút nhiều doanh nghiệp có mong muốn nhanh chóng mở rộng tại thị trường Trung Quốc thông qua một chương trình ra mắt hồi tháng 12/2018.

Chương trình này cung cấp dịch vụ tư vấn về khâu phát triển sản phẩm, đồng thời hứa hẹn chia sẻ dữ liệu và thời lượng quảng cáo.

"Pinduoduo đã liên lạc với chúng tôi và cho biết họ muốn có một mô hình kinh doanh 'từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng'.

Do họ đang hoạt động rất hiệu quả ở những thành phố cấp thấp và có ít đối tác trong lĩnh vực thiết bị gia dụng hơn (so với các công ty thương mại điện tử khác), chúng tôi mới quyết định hợp tác cùng họ", ông David Fang, Phó Chủ tịch MTC, cho hay.

Ông Wu của Matsutek chia sẻ, bước quay đầu về thị trường Trung Quốc của công ty đang rất thành công. Matsutek đã bán được hơn 100.000 robot hút bụi dưới thương hiệu Jiaweishi. Hiện tại, hãng này đang lên kế hoạch mở lại hai dây chuyền lắp ráp đã đóng cửa trước đó và mở thêm ba nhà máy khác vào đầu năm 2020.

"Chúng tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội lớn tại Trung Quốc. Tỉ lệ sử dụng robot hút bụi ở thị trường Mỹ là 17%, trong khi ở Trung Quốc chỉ có 1,5%. Nhưng dù sao, Trung Quốc cũng có hơn một tỉ người [nên công ty có thể sớm nâng tỉ lệ sử dụng thiết bị lên cao hơn]".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-dau-bang-nha-canh-cua-sang-my-hep-dan-doanh-nghiep-trung-quoc-quyet-lap-nghiep-tren-que-huong-20190906161018208.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/